Chuyện phố, chuyện làng:

Văn hóa lì xì

Thứ Sáu, 27/01/2012, 19:02
Một số người chuyển hóa lì xì thành cơ hội để trả ơn, thậm chí đưa hối lộ để tranh thủ thăng quan tiến chức, điều chuyển công tác đến vị trí có nhiều bổng lộc hơn. Và, cũng chính người lớn muốn được lòng các "sếp" nên mới biến tướng lì xì thành một kiểu đưa hối lộ.

Lì xì là một tập tục mừng tuổi trong những ngày Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông và Việt Nam. Tiền lì xì thường xếp vào những chiếc bao giấy màu đỏ để mừng tuổi với ý nghĩa ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi chúc phúc con cháu, trẻ em. Có dịp đến nhiều nơi trong những ngày Tết Nhâm Thìn, tôi cảm nhận không ít buồn vui quanh chuyện lì xì.

Sáng mùng ba, tôi về quê ở một làng biển phía Bắc tỉnh Phú Yên, tận mắt nhìn thấy cụ Tám mang xấp tiền lì xì cho bốn đứa cháu nội và sáu đứa trẻ hàng xóm, mỗi đứa hai chục ngàn. Sau khi khoanh tay, cúi đầu cảm ơn cụ Tám, bọn trẻ ùa ra sân hớn hở mừng vui.

Để có hai trăm ngàn lì xì cho mười đứa trẻ, cụ Tám đã bán hơn ba chục cân thóc, nhưng ông rất vui khi nghe bé Thảo học lớp 5 cầm tờ tiền "bật mí" sẽ mua hộp bút chì màu, còn bé Nga thì bảo mua thêm tập vở, thằng Bình đòi mua truyện "Thần đồng Đất Việt". Rất mừng là không có đứa nào nói tới chuyện "chơi game" hay đánh bầu cua. Dò hỏi, tôi mới biết hoàn cảnh gia đình bọn trẻ vẫn còn không ít khó khăn, hiếm khi được "sở hữu" vài ba chục ngàn, nhưng đứa nào cũng ngoan hiền, hiếu học. Những đồng tiền lì xì của cụ Tám rất "khiêm tốn" nhưng thật sự có ý nghĩa đối với bọn trẻ.

Xin đừng biến tướng và lạm dụng xì lì. Ảnh: Hữu Toàn.

Chợt nhớ chiều mùng hai Tết, tình cờ tôi nghe "cậu ấm" của một cán bộ chức quyền ở thành phố nói với đám bạn "Lão trưởng phòng ở cơ quan ông già tao giàu kếch xù mà lì xì nửa "chai", trong khi bà phó phòng lì xì một "vé". Tết trước tao kiếm hơn hai chục "chai" ném vô mấy "độ" bóng đá, Tết này "bèo" quá…".

Câu chuyện của "cậu ấm" nọ khiến tôi ngẫm đến tình trạng lạm dụng một tập tục đẹp lưu truyền từ bao đời nay. Tình yêu thương và sự quan tâm của những người lớn tuổi đối với con trẻ được gửi gắm qua văn hóa lì xì chứ không phải giá trị vật chất. Tiếc rằng do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường khiến cho quan niệm của một số người dân biến đổi, văn hóa lì xì đã bị biến tướng.

Một số người chuyển hóa lì xì thành cơ hội để trả ơn, thậm chí đưa hối lộ để tranh thủ thăng quan tiến chức, điều chuyển công tác đến vị trí có nhiều bổng lộc hơn. Và, cũng chính người lớn muốn được lòng các "sếp" nên mới biến tướng lì xì thành một kiểu đưa hối lộ. Để né tránh tai mắt nhiều người, có người còn "tế nhị" đến mức không đưa hối lộ trực tiếp, mà lì xì cho "cậu ấm, cô chiêu" của “sếp” bằng những bao giấy dày hơn, đồng tiền có giá trị cao hơn. Thậm chí ở tỉnh này, thành nọ đã có trường hợp lì xì bằng xe máy, xe hơi đắt tiền. Kiểu lì xì đó cũng là cơ hội để mùa tết năm sau, các "cậu ấm, cô chiêu" tranh thủ "kiếm chác" ném vào các cuộc mua sắm theo "mốt" thời thượng, ăn chơi ở quán bar, vũ trường, sòng bạc và cá độ bóng đá.

Để trả lại ý nghĩa tốt đẹp cho tập tục lì xì trong những ngày Tết Nguyên đán, các bậc cha mẹ cần giáo dục con cháu mình về ý nghĩa và giá trị văn hóa của đồng tiền mừng tuổi mang đậm tình yêu thương, cầu chúc an lành, hạnh phúc… chứ không phải cơ hội tìm kiếm giá trị vật chất. Các bậc cha mẹ cũng không nên chê trách, so sánh tiền lì xì của người này với người kia khiến cho con cháu có suy nghĩ lệch lạc, mà cần định hướng cho con cháu sử dụng tiền lì xì vào những hoạt động bổ ích trong học tập, hỗ trợ bạn bè, tham gia hoạt động xã hội - từ thiện.

Xin đừng biến tướng và lạm dụng lì xì trong những mùa Tết, mà phải giữ gìn giá trị văn hóa lì xì bằng chính nhận thức của mỗi người

Hữu Toàn
.
.
.