Vẫn còn nhiều người lang thang, ăn xin trên đường phố

Thứ Sáu, 09/01/2015, 08:42
Có rất nhiều người phản ánh với phóng viên rằng, phát hiện thấy người lang thang, ăn xin trên đường nhưng gọi điện cho đường dây nóng lại không thấy ai xuống. Người lang thang, ăn xin lại tiếp tục hành nghề ở những khu vực này.

Ông Lê Chu Giang - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, tính từ ngày 28/12/2014 đến ngày 4/1/2015, trung tâm đã tiếp nhận 152 người lang thang, ăn xin tại các quận trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Sau khi tiến hành phân loại, nhiều người có giấy tờ, địa chỉ cụ thể được trung tâm xem xét cho bảo lãnh về dưới sự giám sát của địa phương, một số người già, trẻ em, người neo đơn được chuyển đi các trung tâm khác nên hiện tại trong trung tâm chỉ có 44 trường hợp đang ở lại đây.

Nhìn vào con số trên cho thấy một cảm giác khá “khiêm tốn” so với những gì mà báo chí đăng trong suốt thời gian qua về tình trạng người lang thang, ăn xin có mặt trên các tuyến đường… hành nghề. Ông Giang cho biết thêm, khi tiếp nhận thông tin của người dân về sự có mặt của người lang thang, ăn xin trên đường, phía Trung tâm Bảo trợ xã hội sẽ báo cho các đơn vị trên địa bàn quận có người lang thang, ăn xin để các đơn vị này xử lý, sau đó sẽ đưa về trung tâm sàng lọc. Tuy nhiên, thực tế trong những ngày qua, hình ảnh người lang thang, ăn xin vẫn còn hiện diện khá nhiều trên các tuyến đường.

Ngày 7/1, tại khu vực giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ, quận 5, một người phụ nữ ôm đứa con khoảng 3 tuổi ngồi ngay nút đèn đỏ này chìa chiếc nón lá ra xin tiền nhiều người đi đường. Theo quan sát của chúng tôi, vẫn còn nhiều người dân động lòng cho tiền. Cũng với hình thức này, tại giao lộ 3 tháng 2 - Lê Đại Hành (quận 11) trong nhiều ngày qua có một phụ nữ ôm một đứa trẻ vài tháng tuổi xin tiền. Theo quan sát, người phụ nữ và đứa bé này dường như không có liên quan đến nhau bởi cũng tại góc giao lộ này, mỗi ngày chị ta lại ẵm một cháu bé khác. Khi được hỏi, người phụ nữ này thẳng thắn nói: “Cho thì tôi lấy, tôi đâu có xin ai đâu!”(!?).

Tại giao lộ Tây Thạnh - Trường Chinh (quận Tân Phú), để lấy được lòng thương hại của người đi đường, một người phụ nữ giả mang bầu đứng chìa nón xin tiền người đi đường. Người phụ nữ này từng bị phản ánh là giả mang bầu để xin tiền chích ma túy. Nhiều người cho biết, đối tượng này không chỉ mang bầu giả xin tiền ở quận Tân Phú mà tại các quận như 6, 8, 11... đối tượng này cũng góp mặt, nhất là khu vực các chợ, bến xe. Nhiều người ở khu vực ngã tư 3-2 - Lý Thường Kiệt (quận 10) phản ánh, một bà cụ trên 70 tuổi, bị hư một mắt ngồi ngay giữa giao lộ, cổ đeo tràng hạt, chắp tay xin tiền đã nhiều tuần qua. Khi chúng tôi đưa máy lên ghi hình thì cụ bà lại lấy ra trong giỏ một số thỏi kẹo cao su và giải thích đang bán hàng cho khách!

Người ăn xin vẫn còn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Không chỉ ngoài đường mà tại những nơi chùa chiền, người lang thang, ăn xin cũng kéo về hành nghề. Tại chùa Hoằng Pháp (quận 12), nhiều người lang thang, ăn xin đã tụ tập ở đây níu kéo, nài nỉ người đi lễ chùa xin tiền gây ra một hình ảnh nhếch nhác, phản cảm. Từ khi nghe đến thông tin sẽ bị thu gom vào trong trung tâm, nhiều người lang thang ăn xin đã sử dụng “chiêu” cầm theo vé số, kẹo, tăm bông đi bán để qua mắt những người kiểm tra. Đa phần khi được hỏi, những người lang thang, ăn xin đều cho biết: “Vào trung tâm làm gì có tiền mà lại bị gò bó. Sống bên ngoài này khỏe, có tiền nhiều lại được tự do đi lại!”.

Anh Nguyễn Từ Minh (hành nghề xe ôm) tại đường Phan Văn Khỏe (phía sau chợ Bình Tây, quận 5) cho biết, có một cụ già trên 60 tuổi lê lết trên các con đường đầy rác xin tiền. Anh Minh đã gọi điện cho đường dây nóng nhưng nhiều ngày qua vẫn thấy ông cụ này xin ăn ở đây. Có rất nhiều người phản ánh với phóng viên rằng, phát hiện thấy người lang thang, ăn xin trên đường nhưng gọi điện cho đường dây nóng lại không thấy ai xuống. Người lang thang, ăn xin lại tiếp tục hành nghề ở những khu vực này.

Việc UBND TP ra quyết định về việc “quản lý người ăn xin không nơi cư  trú nhất định và người lang thang trên địa bàn” được sự đồng thuận của dư luận, trong đó có rất nhiều ý kiến của người dân phản hồi về vấn đề này. Chị Lâm Thanh Châu (nhà quận 6) cho biết: “Những ngày qua khi đi đường, tôi vẫn thấy có người bế các cháu bé dặt dẹo trên đường phố mà cảm thấy đau lòng. Đã ra quân thì ra quân hàng loạt chứ đừng làm chỗ này rồi những người lang thang, ăn xin lại chuyển qua địa bàn khác tiếp tục hành nghề”.

Anh Võ Văn Trung (nhà quận 1) cho hay: “Đa phần người lang thang, ăn xin thường sợ vào trung tâm với tâm lý không được tự do, không có tiền sử dụng theo ý mình cho nên cần phải có biện pháp tuyên truyền để họ hiểu rõ, việc vào trung tâm sẽ tốt cho họ như thế nào. Ngay cả việc những đứa trẻ bị chăn dắt, khi thấy cơ quan chức năng đưa vào trung tâm chúng sẽ chẳng biết chủ trương là giúp chúng thoát khỏi tay những kẻ chăn dắt, những kẻ kiếm tiền trên thân xác non nớt của chúng. Với bản năng sinh tồn và không loại trừ bị khống chế, những đứa trẻ sẵn sàng nghe theo những đối tượng chăn dắt. Nếu cứ để những cái đầu non nớt này bị tâm lý như vậy thì khó giải quyết đưa họ vào trung tâm một cách triệt để!”.

Ông Lê Chu Giang – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, kế hoạch của UBND TP không phải là ra quân rầm rộ trong một ngày hay như một chiến dịch giống kiểu thu gom người lang thang, người sử dụng ma túy mà là kế hoạch dài hơi liên tục. Về việc người lang thang, ăn xin tại các điểm mà Báo CAND phản ánh, phía Trung tâm Bảo trợ xã hội - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP sẽ tiến hành xác minh và yêu cầu địa phương làm quyết liệt.

M.Đức
.
.
.