Vẫn cấm sử dụng mỹ phẩm làm từ tế bào gốc của người

Thứ Bảy, 14/03/2015, 23:30
Ở Việt Nam tế bào gốc là một lĩnh vực còn mới mẻ và chưa có nhiều nghiên cứu sâu. Ở nhiều nước, các nhà khoa học đã cảnh báo các quảng cáo về sản phẩm mỹ phẩm tế bào gốc chỉ là trò lừa đảo.

Với đời sống không quá khó khăn như hiện nay, việc phụ nữ quan tâm đến nhan sắc cũng là nhu cầu hết sức bình thường. Đánh vào tâm lý này, trên mạng đang nhan nhản các quảng cáo cách giữ gìn tuổi xuân bằng đủ loại mỹ phẩm, trong đó, một sản phẩm được coi như “khắc tinh của tuổi già và nám” là sản phẩm tế bào gốc từ con người. Có điều, sự thực về những sản phẩm này có đúng như nội dung đang quảng cáo, thì lại là một vấn đề. 

Chỉ gần gõ vài cụm từ trên thanh tìm kiếm, là bắt gặp vô vàn các quảng cáo về sản phẩm tế bào gốc có giá trị “cải lão hoàn đồng” với nhiều “ưu điểm vượt trội”: Giúp tăng độ bóng sáng cho làn da, tăng tính co giãn, đàn hồi cho làn da; giúp làm mờ vết tàn nhang, vết thâm, điều trị nám cho chị em, làm da sáng đẹp tự nhiên; làm tăng sản xuất tế bào mới, làm lành các vết thương và giảm sự xuất hiện sẹo vv….

Dĩ nhiên, với những “ưu điểm” như thế, các sản phẩm được quảng cáo là tế bào gốc cũng có giá không mềm chút nào: Từ 500 nghìn đến 3,5 triệu đồng/lọ tùy trọng lượng. Một số cơ sở còn quảng cáo: Với 105 triệu đồng trả cho gói làm đẹp từ tế bào gốc sống, cho chị em trẻ lại 5-10 tuổi chỉ sau một lần sử dụng. Không ít người cần “tu bổ” nhan sắc, đã vung tiền cho các sản phẩm này, dù không biết thực hư ra sao.

Mỹ phẩm làm từ tế bào gốc ở động vật thì không bị cấm.

Khi chúng tôi gọi theo một vài số điện thoại cung cấp mỹ phẩm “tế bào gốc” trên mạng và đề nghị được xem những giấy tờ liên quan nhằm biết tính hợp pháp của sản phẩm, thì không một ai có. Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế thì những dạng mỹ phẩm liên quan đến tế bào gốc hiện vẫn chưa được các phòng nghiên cứu khoa học chính thống trên thế giới công bố.

Được biết, việc nghiên cứu tế bào gốc rất phức tạp, lại tác động đến nhiều mặt của xã hội, nên nghiên cứu tế bào gốc vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các cơ quan, người nghiên cứu. Mà, ngay trong điều trị bệnh, thì việc sử dụng công nghệ tế bào gốc cũng khá ngặt nghèo, vì bên cạnh những ưu điểm, tế bào gốc cũng có phản ứng khá giống với tế bào ung thư nên không khống chế được hoàn toàn.

Cũng vì thế, việc làm đẹp từ tế bào gốc vẫn đang có nhiều ý kiến, mà theo một chuyên gia: Cần phải tính đến sự rủi ro của việc làm đẹp từ tế bào gốc, đặc biệt là sản phẩm không rõ nguồn gốc, vì có thể  lây lan những bệnh truyền nhiễm rất cao.

PGS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), cho biết: Những thông tin về việc sử dụng tế bào gốc trong thẩm mĩ hiện nay là mập mờ, thiếu khoa học và mang nặng tính thương mại. Người bán các sản phẩm trên đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, cũng như sự thiếu kiểm soát của giới khoa học và của hội đồng chuyên môn, không có sự kiểm chứng bằng các nghiên cứu khoa học nghiêm túc, để quảng cáo về tế bào gốc một cách phản khoa học. Đặc biệt khi ở Việt Nam tế bào gốc là một lĩnh vực còn mới mẻ và chưa có nhiều nghiên cứu sâu. Ở nhiều nước, các nhà khoa học đã cảnh báo các quảng cáo về sản phẩm mỹ phẩm tế bào gốc chỉ là trò lừa đảo.

Trước tình hình này, ngày 13/3, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết: Các sản phẩm mỹ phẩm được rao bán trên mạng rất đa dạng về chủng loại và xuất xứ. Bên cạnh các sản phẩm đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố thì cũng có nhiều sản phẩm được quảng cáo là “hàng xách tay”, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Một số sản phẩm được quảng cáo là mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa chất chiết xuất từ nhau thai; sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ tế bào gốc, hoặc quảng cáo sản phẩm có tác dụng vượt quá tính năng vốn có của sản phẩm. Vì thế, đại diện Cục Quản lý Dược khẳng định: Các thành phần có nguồn gốc từ con người thuộc danh mục các chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm.

Cho đến nay, Cục Quản lý Dược không cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào có chứa nhau thai và tế bào gốc có nguồn gốc từ con người. Do đó, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh mỹ phẩm qua mạng Internet nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động  kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác kiểm tra các trường hợp quảng cáo mỹ phẩm trong thành phần có chứa chất chiết xuất từ nhau thai, sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ tế bào gốc và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh sản phẩm có chứa nhau thai và tế bào gốc có nguồn gốc từ con người và các thành phần khác không được phép sử dụng trong mỹ phẩm.

Dạ Miên
.
.
.