VSATTP sau Tết: Vắng bóng nhà quản lý

Thứ Hai, 18/02/2013, 14:57
Sau Tết, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm dường như bị thả nổi. Vệ sinh an toàn thực phẩm ở lễ hội chưa thực hiện đúng 10 tiêu chí của thức ăn đường phố. Công tác kiểm dịch, kiểm soát nguồn thực phẩm đưa vào chợ vẫn còn lỏng lẻo.

Không đảm bảo VSATTP ở nhiều lễ hội

Sau Tết, lễ hội là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Du khách khắp nơi đổ về các di tích lịch sử, đền, chùa ở Hà Nội. Nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, hàng quán ăn uống ở lễ hội vì thế cũng mọc lên ngày càng nhiều và rất thu hút khách. Mỗi ngày, tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hàng vạn lượt khách đến thăm quan. Các hàng ăn ở phố Văn Miếu và Quốc Tử Giám đã kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, có mặt ở đây vào những ngày sau Tết, chúng tôi thấy một số quán ăn còn khá mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Bát đũa bẩn vứt ngay dưới nền đất, sát với đường đi. Bát rửa xong cũng để ngay trên vỉa hè, gần đường bụi bặm.

“Cực chẳng đã mới phải ăn ở ngoài đường ngày Tết. Một bát phở 60 ngàn đồng, ăn xong nhìn thấy cảnh mất vệ sinh thế này mà thấy sợ” - chị Phạm Thị Ngà, du khách ngoại tỉnh về Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày mùng 6 Tết cho biết.

Sáng mùng 6 Hà Nội mưa xuân, dù khách xì xụp trong cửa hàng ăn ở vỉa hè phố Văn Miếu. Nền vỉa hè ướt lẹp nhẹp, chiếc bạt không đủ che mưa, bát đĩa khách ăn xong vứt lộn xộn dưới nền đất. Chưa kể, một số gánh hàng ăn rong hoạt động trong điều kiện thiếu nước trầm trọng. Cả gánh bún mà chỉ có duy nhất một xô nước con, bát đũa khách ăn xong đều nhúng qua vào xô nước này.

Tương tự, tại Phủ Tây Hồ, nơi thu hút lượng khách đông nhất ở Hà Nội sau Tết cũng tái diễn tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở các hàng quán phía ngoài. Hàng dài ôtô chở du khách thập phương đổ về đây khiến cho Phủ Tây Hồ đông nghẹt từ đêm 30 Tết đến nay.

Thức ăn chín bày bán không che đậy cạnh đường đi vào Phủ Tây Hồ (Hà Nội).

Theo Ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ thì mỗi ngày nơi đây đón nhiều người về dâng hương, thăm quan. Và phía ngoài Phủ là nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn nhất của các di tích ở Hà Nội. Mặc dù ngay từ trong năm, UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo UBND phường Quảng An phải đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân đến lễ hội.

Trước Tết, các hộ kinh doanh đều đã ký cam kết thực hiện và UBND phường Quảng An có lực lượng đi nhắc nhở. Tuy nhiên, từ mùng 1 Tết đến nay, nhiều nhà hàng, quán ăn ở đây đã không thực hiện các tiêu chí về việc kinh doanh thức ăn đường phố. Thức ăn chín như bánh tôm, xúc xích, bún ốc… nhiều nơi không để trong tủ kính mà bày luôn bên vỉa hè, cạnh đường đi lại đông đúc, bụi bặm. Các hàng ăn ở đây lúc nào cũng trong cảnh quá tải, nên rác được thải ngay xuống nền đất và hai bên vỉa hè trông khá mất mỹ quan. Nước thải, chỗ rửa bát chật chội, chình ình ở đường đi. Thậm chí, một số nơi thức ăn còn để ngay ở gần đường rãnh thoát nước.

Thực phẩm trốn kiểm dịch

Chợ cóc, chợ tạm ở Hà Nội rục rịch hoạt động từ mùng 2 Tết nhưng một số nơi lại vắng bóng lực lượng Thú y đi kiểm dịch. Tại nhiều điểm chợ cóc ở phường Bưởi, quận Tây Hồ bán thịt gia cầm và thịt lợn, thịt bò từ mùng 4 Tết nhưng không được kiểm dịch thú y.

Theo một tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở đây thì “từ hôm khai xuân đến giờ chưa thấy ai đến kiểm dịch”. Có lẽ, sau Tết, các chợ hoạt động chưa nhiều nên công tác kiểm dịch còn lơ là. Thậm chí, có một số chợ chính như chợ Bưởi, chợ Xuân La, quận Tây Hồ, cán bộ kiểm dịch đi đầu giờ sáng, kiểm tra xong rồi nghỉ, nhưng từ lúc đó đến trưa còn rất nhiều người kinh doanh chở thịt gia súc, gia cầm vào chợ thì đều bỏ lọt. Hơn nữa, tại các chợ cóc trên địa bàn quận Tây Hồ, gia cầm sống bày bán vẫn rất nhiều. Hà Nội đã nghiêm cấm bán và giết mổ gia cầm sống trong nội thành, và đương nhiên những con gia cầm sống này đều chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Nhưng sau Tết, đến hẹn lại lên, gia cầm sống vẫn bán ở nhiều nơi như đường An Trạch, Nguyễn Phúc Lai, quận Đống Đa. Người tiêu dùng và cơ quan quản lý đừng nên chủ quan, bởi những ngày đầu năm mới này, lợi dụng những ngày nghỉ Tết, gia cầm nhập lậu vẫn được các đối tượng buôn lậu đưa từ biên giới về nội địa. Điển hình là ngày mùng 6 Tết, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 4, 5 tấn gia cầm Trung Quốc thải loại được đưa từ Móng Cái về các địa phương để tiêu thụ.

Công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y những ngày sau Tết hiện còn thả nổi cho vi phạm hoạt động. Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì vấn đề kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đã phân cấp cho địa phương, các địa phương tự lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát tại nơi mình quản lý. Nhưng hiện tượng quán ăn không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là nguồn gốc thực phẩm sau Tết như hiện nay thì hầu như chẳng ai kiểm soát. “Tôi thấy hàng bún ốc họ để ốc từ trong năm, sau đó cho lên ngăn đá và để ra giêng bán. Cả bún riêu cũng thế, mang ra đây còn đóng đá cả” - anh Trần Tuấn Hải, ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết.

Thiết nghĩ, để bảo vệ sức khỏe cho người dân, ngay từ sau Tết, cơ quan y tế và thú y cần phải ứng trực, kiểm tra và xử lý cơ sở vi phạm, tránh để người dân sử dụng thực phẩm bẩn. Người tiêu dùng cũng nên chọn lựa thực phẩm an toàn để sử dụng

Trần Hằng
.
.
.