Các mục sư, linh mục ở Tây Nguyên phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch và khẳng định:

VN luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân

Thứ Tư, 29/12/2004, 07:25
Tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không tín ngưỡng, tôn giáo là quyền tự do của mọi công dân, điều đó đã được quy định rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của mình một cách chân chính.

Tuy nhiên, từ một cái nhìn thiếu khách quan, vừa qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gia hạn 90 ngày trước khi áp dụng các quy định đối với quốc gia nằm trong danh sách "các nước đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo", trong đó có Việt Nam. Vấn đề thiếu khách quan này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã khiến các mục sư, linh mục, nhiều nhà chức sắc tôn giáo cũng như đông đảo bà con tín đồ và những người theo đạo chân chính ở Tây Nguyên cực lực phản đối.

Linh mục Nguyễn Văn Đông - Chánh giáo xứ Đức An (Pleiku -Gia Lai): 

"Mọi người hành đạo chân chính ở Việt Nam ai cũng nhận thấy chính quyền tạo mọi điều kiện tốt đẹp"

Trao đổi với PV Báo CAND về tình hình tôn giáo ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, linh mục Nguyễn Văn Đông cho biết: “Nước ta có nhiều tôn giáo, Nhà nước đã tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng theo pháp lụật. Tôi thấy vấn đề sinh hoạt tôn giáo ở địa bàn Tây Nguyên mọi sự đều tốt đẹp. Chúng tôi đã được Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động tôn giáo đúng mục đích và đúng ý nghĩa của tôn giáo.

Tôi tin rằng mọi tín đồ hành đạo chân chính ở Việt Nam ai cũng nhận thấy thực tế tình hình tôn giáo ở Việt Nam là tốt. Nếu ai cho là không tốt thì hãy đến đây để chứng kiến thực tế chứ chúng tôi không biện bạch. Đất nước ta đang "thay da đổi thịt" từng ngày, đường lối đổi mới của Nhà nước ta đã đạt được nhiều thành công, trong đó vấn đề tôn giáo cũng có nhiều đổi mới.

 

Hiện tại, ở địa bàn tôi quản lý thuộc Giáo xứ Đức An có khoảng 10.000 tín đồ theo đạo Thiên Chúa kể cả ở xã, làng, ai cũng tin tưởng vào sự đổi mới của Nhà nước ta. Tôi xin nói thêm rằng, đạo phải gắn với đời, kính Chúa yêu nước, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người chứ không phải mượn đạo để làm chính trị với những mưu đồ khác”...

 

Mục sư Huỳnh Ngọc Bích - Ủy viên Ban đại diện Tin Lành tỉnh Gia Lai, thuộc Hội thánh Tin Lành miền Nam Việt Nam: "Chúng tôi đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không nên nhìn nhận phiến diện"

Trả lời câu hỏi của PV Báo CAND về tình hình hoạt động của đạo Tin Lành ở địa phương trong thời gian qua và quan điểm của mục sư về việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào danh sách "các nước đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo", mục sư Huỳnh Ngọc Bích khẳng định: “Hiện nay, tỉnh Gia Lai đã có 16 chi hội Tin Lành ở các huyện và thành phố Pleiku với hàng chục ngàn tín đồ được sinh hoạt bình thường.

 

Nhà nước đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc hành đạo chân chính. Thế nhưng tôi không hiểu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dựa vào đâu mà xếp Việt Nam thuộc danh sách các nước "đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo". Hoa Kỳ là một nước độc lập, Việt Nam cũng là một quốc gia độc lập, nếu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói sai, chúng ta có quyền phản bác lại.

 

Nhưng chúng tôi đề nghị các quốc gia khác không nên nhìn nhận Việt Nam một cách cực đoan, phiến diện mà dẫn đến phán quyết sai trái. Bởi những kẻ lợi dụng đạo Tin Lành để hoạt động chính trị thì không phải là tôn giáo mà là mục đích chính trị. Chúng tôi cũng rất đau buồn khi có những kẻ đã lợi dụng đạo Tin Lành để hoạt động chính trị, gây ảnh hưởng không tốt đến sự tôn nghiêm, uy tín của đạo Tin Lành truyền thống”.

 

Mục sư Siu Pek - Quản nhiệm Chi hội Thánh Tin Lành Plei Mnũ (Chư Á - Pleiku) thuộc Hội thánh Tin Lành miền Nam Việt Nam: "Những thế lực phản động bên ngoài đã xuyên tạc tình hình tôn giáo thực tế ở Việt Nam"

Nói về tình hình hoạt động của đạo Tin Lành ở Gia Lai, mục sư Siu Pek đã khẳng định rằng, chính quyền địa phương các cấp đã hết sức quan tâm tạo điều kiện cho bà con tín đồ hành đạo chân chính. Việc các thế lực thù địch, bọn phản động bên ngoài đã lợi dụng tôn giáo, dụ dỗ, kích động bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên làm điều sai trái, chống phá chính quyền là hết sức tội lỗi, trái với ý Chúa và tâm nguyện của những người theo đạo chân chính. Chính vì những âm mưu phản động sai trái ấy mà các thế lực thù địch và bọn phản động bên ngoài đã xuyên tạc trắng trợn tình hình thực tế về tôn giáo ở Việt Nam

Ngọc Như (ghi)
.
.
.