Ước mơ trở thành luật sư giỏi của cô SV khuyết tật

Thứ Sáu, 05/04/2013, 17:51
"Cuộc sống của em sẽ luôn cần sự giúp đỡ của mọi người, vì vậy em muốn làm gì đó để giúp đỡ mọi người dù là nhỏ bé nhất, và em nghĩ nghề luật sư sẽ giúp em làm được điều đó, nếu được thì sau này khi ra trường, em muốn mình có thể giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội hoặc có hoàn cảnh giống như em”, Nguyễn Phương Linh, cô SV khuyết tật hiện đang theo học tại khoa Luật (ĐH Công đoàn), chia sẻ.

Nguyễn Phương Linh sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến khi 3 tháng tuổi thì bố em phát hiện ở lưng sát cột sống của em xuất hiện 1 khối u nhỏ. Đến 6 tháng tuổi thì bố mẹ quyết định cho em đi mổ, sau ca mổ đó đôi chân em cứ yếu dần và dẫn đến liệt hoàn toàn như bây giờ. Không cam chịu số phận hẩm hiu, bằng nghị lực phi thường và sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè em đã vươn lên trong cuộc sống và hiện là sinh viên năm 3, Khoa Luật (Trường ĐH Công đoàn).

Em Nguyễn Phương Linh (20 tuổi) quê ở Tân Mai, Hà Nội. 6 tuổi, Linh cũng như đám bạn cùng trang lứa với mình đó là được cắp sách tới trường, nhưng con đường tới trường của em khó khăn hơn rất nhiều vì do sức khỏe yếu cộng thêm lí do em là người khuyết tật, nhưng không vì vậy mà em bỏ cuộc. Bằng nỗ lực phấn đấu của bản thân, sự giúp đỡ của gia đình, thầy cô, Nguyễn Phương Linh được nhận vào học lớp 2, Trường Tiểu học Tân Định (quận Hai Bà Trưng). Trước đó, nhà trường đã lập ra 1 hội đồng thi để kiểm tra sức học của em, bài kiểm tra cho thấy sức học của em đủ để vào học thẳng lớp 3 nhưng do sức khỏe yếu và những năm trước đều là do 2 mẹ con tự dạy nhau ở nhà, kiến thức cũng không thể được như các bạn khác nên nhà trường cho em vào học lớp 2. Những năm Linh học tiểu học, bố mẹ em phải thay nhau đưa em đến lớp. Không muốn làm bố mẹ buồn lòng, em đã cố gắng học tập và kết quả là trong suốt những năm học tiểu học, em luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.

Sinh viên Nguyễn Phương Linh.

Những ngày tháng học trung học cơ sở, trung học phổ thông, Linh luôn nhận được sự giúp đỡ của các bạn hằng  ngày đến đón và đưa tới trường. Những lúc được các bạn cõng, Linh đã nghĩ rằng, dù cuộc đời không cho em hoàn thiện như mọi người, nhưng ít ra cuộc sống này đã đem lại cho em những người bạn tốt, luôn giúp đỡ, chia sẻ khó khăn cùng với em và điều đó cũng thúc đẩy ý chí của Linh càng phải kiên cường hơn để chạm tới ước mơ của mình.

Ngoài việc học trên lớp được các bạn giúp đỡ thì những khi đi học thêm bố đưa Linh đi, không biết có phải do trùng hợp không mà từ THCS cho đến THPT những nơi em học thêm toàn ở trên gác, nhiều khi bố cõng em lên lớp mà mồ hôi ướt đẫm áo, cũng vì bạn ấy mà bố phải xin chuyên làm sáng để chiều có thời gian đưa em đi học. Linh chia sẻ: “Sự hy sinh của bố mẹ dành cho em là quá nhiều. Đặc biệt là bố em, đó là động lực lớn nhất cho em vượt qua tất cả để học”.

Không phụ sự mong mỏi của mọi người dành cho mình, năm 2012 Linh đã đỗ vào Khoa Luật của ĐH Công Đoàn trong niềm vui khôn xiết của gia đình, người thân. Giây phút cầm tờ báo điểm đỗ đại học trong tay có lẽ sẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời Nguyễn Phương Linh.

Bước chân vào giảng đường đại học với bao sự ngỡ ngàng. Thật may mắn khi ở đó em lại nhận được những sự quan tâm và chia sẻ của thầy cô và bạn bè. Dù mới quen nhau nhưng những người bạn đó đã cho em cảm nhận được sự thân thiết, gần gũi, trong quá trình học tập em đã nỗ lực rất nhiều để có thể tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Khác với rất nhiều bạn khuyết tật khác, đó là trong Linh không hề có sự tồn tại của tự ti, em luôn muốn và cố gắng làm những gì mà mình có thể làm để mọi người xung quanh nhìn nhận em như 1 người bình thường.

Ước mơ làm luật sư của em được ấp ủ ngay từ nhỏ, nhưng nó trở nên mạnh mẽ hơn từ khi Linh xem chương trình tòa tuyên án trên kênh VTV6. Linh chia sẻ: “Cuộc sống của em sẽ luôn cần sự giúp đỡ của mọi người, vì vậy em muốn làm gì đó để giúp đỡ mọi người dù là nhỏ bé nhất, và em nghĩ nghề luật sư sẽ giúp em làm được điều đó, nếu được thì sau này khi ra trường, em muốn mình có thể giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội hoặc có hoàn cảnh giống như em”.

Lời khuyên của Linh tới những bạn có hoàn cảnh giống em là: “Các bạn hãy tự tin để theo đuổi ước mơ của các bạn, hãy chứng tỏ mình là người có ích cho xã hội.  Như vậy các bạn sẽ không cảm thấy mặc cảm về sự khiếm khuyết của bản thân, xã hội luôn quan tâm và ủng hộ chúng ta”

Lan Phương
.
.
.