Ước mơ của ông lão xóm Vạn Buồng

Thứ Bảy, 12/02/2011, 20:22
Ngày đầu Xuân Tân Mão, trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Công an xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), vui vẻ cho biết, trên địa bàn có một ông lão đã 81 tuổi, song rất tích cực với công tác vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, giữ gìn thôn xóm bình yên; được cấp tỉnh công nhận là tấm gương tiêu biểu trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Đó là ông Nguyễn Tráng, trú ở xóm Vạn Buồng, thôn Phú Bông...

Hơn mười năm về trước, không chịu khoanh tay ngồi nhìn cảnh 83 hộ dân, với hơn 340 nhân khẩu của xóm Vạn Buồng bị chia cắt, cô lập bởi nhánh sông Thu Bồn; thương con trẻ đi học cách trở đò giang, hiểm nguy rình rập trong những mùa mưa lũ, ông Tráng đã cất công lặn lội đi khắp nơi tìm các địa phương có cầu phao để học hỏi chuyện làm cầu. Sau đó, ông trở về trao đổi với các cán bộ trong Đảng ủy, UBND xã Duy Trinh xin phép cho được vận động bà con trong xóm, những người dân Vạn Buồng xa quê, sinh sống ở Hà Nội, TP HCM để quyên góp tiền làm cầu.

Vận động được cả thảy 71 triệu đồng, ông cùng bà con trong xóm thuê những kỹ sư, công nhân có kinh nghiệm làm cầu phao, bàn bạc và làm được một cây cầu, xe cứu thương có thể chạy qua được. Người dân xóm Vạn Buồng thở phào vì từ nay không còn bị cô lập, đau ốm có xe cấp cứu tới tận nhà, con trẻ đi học cũng an tâm. Nào hay, trận lụt lớn năm 2006, nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về cuốn cây cầu ra biển.

Ông Tráng tâm sự: "Từ đó, tui chỉ còn biết vận động bà con trong xóm đốn tre góp vào, rồi cùng nhau làm cầu tre đi tạm cho tới nay". Ngồi bên cạnh, ông Nguyễn Đức Hùng, Bí thư Chi bộ thôn Phú Bông, cho biết: "Ngoài ngày công và tre bà con đóng góp, để có cây cầu vững chãi phải tốn hơn 10 triệu đồng để mua sắt giằng, buộc. Nhưng, hằng năm vào đầu mùa mưa lũ thì ra giở cầu cho khỏi bị nước lũ cuốn trôi, người dân lại chịu cảnh đò giang cho tới giáp Tết mới làm lại cầu để thông thương".

Thấy thế ông Tráng lại bôn ba đi xem một số cây cầu bê-tông nông thôn, với mục đích xin xã, huyện cho xây dựng cầu theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Tuy nhiên, chuyện làm cầu bê-tông, cấp huyện chưa thống nhất nên bà con góp tiền mua xi-măng, sắt thép về vẫn để trong nhà kho...

Tìm hiểu gia cảnh, mới hay gia đình ông Tráng cũng là một trong số hộ nghèo khó của xã Duy Trinh. Vợ ông là bà Phan Thị Quyên bị bệnh nặng qua đời năm ngoái, để lại cho ông người con trai tên Hùng bị tai nạn giao thông nằm liệt một chỗ... Nhưng, dù sống trong cảnh khó khăn, ông Tráng vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội.

Hỏi đến mơ ước trong ngày xuân, gương mặt già nua của ông Tráng chùng hẳn xuống. Ông nói rằng, cái xóm bé nhỏ của ông bị cô lập bởi nhánh sông Thu Bồn. Vì thế, dù tuổi đã gần đất xa trời ông vẫn luôn khao khát về một cây cầu bê-tông để xóm Vạn Buồng không còn là ốc đảo... 

Long Vân
.
.
.