Ứng dụng “bảng tương tác”: Nhiều nỗi lo từ các nhà quản lý giáo dục

Thứ Tư, 13/11/2013, 09:54
Đại diện một trường học tại TP HCM đưa ra câu hỏi: Để mua một bộ thiết bị bảng tương tác có giá là 181 triệu, trong khi tôi thấy, nhiều trường mầm non hiện nay còn chưa được trang bị đồ chơi đầy đủ theo quy định tối thiểu của Bộ GD&ĐT...

Tọa đàm “Đổi mới trang thiết bị trường học, những vấn đề được đặt ra” đã được tổ chức tại TP HCM sáng 12/11 thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý giáo dục (GD), cụ thể là các trưởng phòng GD của 24 quận huyện. Chủ đề bàn thảo xoay quanh Đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp” và Đề án “Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi” với việc trang bị bộ thiết bị giảng dạy đa chức năng (bảng tương tác) cho học sinh tiểu học và mầm non đã được thực hiện tại TP HCM vừa qua.

Theo đó, toàn TP sẽ trang bị cho 412 trường mầm non (412 bộ), 194 trường tiểu học với số lượng 582 bộ (mỗi trường 3 bộ thiết bị), với tổng kinh phí mua sắm là 179,914 tỉ đồng (mỗi bộ trị giá 181 triệu đồng), trong đó ngân sách sẽ chi 50%, 50% còn lại các trường sẽ thu từ phụ huynh học sinh theo phương thức xã hội hóa. Ngay khi chương trình được thực hiện đã nhận được khá nhiều luồng dư luận khác nhau từ phía phụ huynh và nay là ý kiến chính thức từ phía Phòng GD các quận huyện, sau thời gian “thử nghiệm” tại các trường.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đề xuất: Thay vì để các trường mua bằng 50% ngân sách và 50% xã hội hóa, thành phố nên cho mua bảng bằng 100% ngân sách. Làm theo hướng này chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thiếu bảng tại các trường, nhưng theo bà Điệp, nếu thấy hay, có tác dụng tốt, phụ huynh sẽ tự động đóng tiền mua cho đủ. Vì nếu thực hiện liền và giao kinh phí này cho phụ huynh trong khi chưa thấy được tác dụng, “e sẽ khó vận động” .

Ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD quận 1 cũng băn khoăn:  “các trường Mầm non hiện nay là có nhiều điểm lẻ, một trường có tới 4 - 5 địa điểm dạy, trong khi chỉ có 1 bảng, vậy bảng này sẽ đặt ở địa điểm nào cho phù hợp? Hơn nữa, chỉ cho trẻ 5 tuổi sử dụng thì việc thu hồi kinh phí rất lâu, vì số lượng học sinh lớp 5 tuổi rất ít, hiện quận 1 đặt ra quy định lớp nào sử dụng sẽ phải đóng tiền”.

Ứng dụng thí điểm bảng tương tác vào giảng dạy tại một trường tiểu học ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

Đại diện một trường khác đưa ra câu hỏi: Để mua một bộ thiết bị bảng tương tác có giá là 181 triệu, trong khi tôi thấy, nhiều trường mầm non hiện nay còn chưa được trang bị đồ chơi đầy đủ theo quy định tối thiểu của Bộ GD&ĐT, có nhiều trường nói rằng tại sao không dùng số tiền 90 triệu đồng (50% ngân sách chi) này để mua những bộ đồ chơi cho các cháu thay vì mua bảng tương tác và bảng tương tác có nhất thiết phải đưa vào mầm non, tiểu học không?

Trong khi đó, bàn về kinh phí cho bảng tương tác, đại diện Phòng GD quận 2 cho biết, ở bậc tiểu học nếu thu hồi đủ số tiền cho 1 bảng tương tác thì phải mất 2 năm với mỗi tháng 1 học sinh đóng 15.000đ. Tuy nhiên quận sẽ miễn phí số tiền này cho các học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Huyện Bình Chánh cũng nêu quan điểm, số học sinh quá ít, sử dụng bảng sẽ không hiệu quả, đa số phụ huynh thuộc diện khó khăn không thể huy động tiền bạc, nếu được thì thành phố nên cấp 100% kinh phí.

Đại diện nhiều quận, trường cho rằng mặc dù đã được cấp bảng tương tác nhưng do chưa được tập huấn kĩ về cách sử dụng cũng như “vướng” kinh phí nên chưa thể phân bổ hết số bảng. Như Trường Mầm Non Vàng Anh cho biết trong bảng tương tác có rất nhiều chức năng, nhưng mẫu giáo ( 5 tuổi) chỉ sử dụng 1- 2 chức năng chủ yếu là tạo hình và tạo âm thanh, còn những chức năng khác không sử dụng tới. Hay Phòng GD huyện Bình Chánh cho biết, được trang bị 49 bảng cho 29 đơn vị nhưng chỉ trang bị được 5 trường mầm non nhận 5 bảng và 21 bảng ở trường tiểu học. Do có nhiều vùng sâu, vùng xa khó huy động phụ huynh, nếu được ngân sách 100% thì hiệu quả cao hơn.

Tương tự, quận Phú Nhuận được “cung cấp” 42 bảng tương tác nhưng các đơn vị chỉ đăng ký nhận 28 bộ, một số trường mầm non đề nghị không nhận vì không có phòng chức năng để sử dụng bảng. Quận 7 được thành phố giao cho 44 bộ nhưng các trường chỉ có “nhu cầu” 23 bộ (trong số 18 trường mầm non chỉ 11 trường nhận bảng tương tác).

Đại diện quận 2 cho rằng, hiện quận 2 được giao 30 bộ trong đó mầm non 12 bộ, tiểu học 18 bộ, có 12 trường mầm non đã được phân bổ, 8 trường tiểu học mỗi trường 2 bộ, trường đông hơn được trang bị 3 bộ. Tuy nhiên vì 1 trường chỉ có 1- 2 bảng nên có trường đã để bảng di động có thể chuyển từ lớp này sang lớp khác.

Một số câu hỏi khác cũng được đưa ra như: theo chỉ đạo mỗi trường chỉ trang bị 1- 4 bảng, trường nhiều nhất có 4 bảng, nhưng trong một năm có rất nhiều lớp học, trung bình mỗi lớp chỉ học 1- 2 tiết, như vậy chỉ sử dụng được 20 phút, vậy Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã tính đến hiệu quả từ việc chỉ học 1 - 2 tiết này hay chưa? tại sao bảng tương tác lại được trang bị cho tiểu học, mầm non, mà không trang bị cho học sinh THCS, THPT?...

Ghi nhận thực tế trên cho thấy, chủ trương xã hội hóa thực hiện Đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp” với việc đưa bảng tương tác vào giảng dạy tại TP xem ra còn nhiều bất cập nên không chỉ phụ huynh (người phải chi trả 50%), mà cả nhà quản lý GD (không phải chi trả tiền) cũng còn chưa thật sự đồng tình, và trên thực tế con số nhà trường tại TP Hồ Chí Minh còn e dè khi tiếp nhận là không nhỏ?

H.Nga
.
.
.