UB Quốc phòng và An ninh: Mời chuyên gia tham gia các tiểu ban

Thứ Hai, 30/07/2007, 08:13
Ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, khẳng định sẽ lập các tiểu ban lâm thời để nghiên cứu, đề xuất, giám sát, thẩm tra… các công việc liên quan. “Chúng tôi cũng dự kiến mời các chuyên gia ở một số lĩnh vực tham gia vào các tiểu ban”.

Sau khi Quốc hội quyết định nhân sự bộ máy Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII, các Ủy ban đã bắt đầu phiên họp toàn thể lần thứ nhất để triển khai chương trình hành động. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ nhất chiều 28/7.

Tại cuộc họp này, lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh khóa XI tiến hành chuyển giao công tác cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh khóa XII.

Từ nay đến cuối năm 2007, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục chủ trì thẩm tra 2 dự án pháp lệnh: Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển và Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng. Hiện Bộ Quốc phòng đang soạn thảo dự án Pháp lệnh này.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng phối hợp thẩm tra 7 dự án luật, pháp lệnh khác như Luật Đặc xá, Luật Năng lượng nguyên tử, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự…

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị, trong hoạt động giám sát từ nay đến hết năm 2007, Ủy ban cần tiếp tục làm việc với Bộ GTVT, Bộ Công an và kiểm tra tại một số địa phương để hoàn thành báo cáo giám sát việc triển khai, thi hành pháp luật về an toàn giao thông, trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.

Uỷ ban Quốc phòng và An ninh họp phiên toàn thể lần thứ 1.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo CAND về hoạt động của Ủy ban trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Chủ nhiệm Lê Quang Bình cho biết, trong số 34 thành viên của Ủy ban, phần lớn là đại biểu mới tham gia Quốc hội lần đầu. Theo đó, để Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoạt động có hiệu quả, trước hết các thành viên của Ủy ban phải nghiên cứu và nắm vững pháp luật, nắm vững chức năng, nhiệm vụ từng thành viên và của Ủy ban.

- Thưa Chủ nhiệm, hướng hoạt động của Ủy ban trong thẩm tra dự án luật và giám sát chuyên đề về an ninh, trật tự sẽ có đổi mới nào, nhất là trong điều kiện thành viên kiêm nhiệm chiếm tỷ lệ cao. Ủy ban sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng như thế nào?

Chủ nhiệm Lê Quang Bình: Trong hoạt động các Ủy ban, Thường trực Ủy ban có vai trò rất quan trọng. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh sắp tới sẽ bàn với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an việc phối hợp công tác nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, phải đảm bảo với mỗi dự án luật, mỗi công việc đều có đội ngũ chuyên trách, tổ chức phù hợp để hoạt động.

Đối với các phiên họp của Ủy ban phải được chuẩn bị hết sức chu đáo, nhất là về nội dung, trong đó có nhiệm vụ của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh, chúng tôi sẽ gửi tới các thành viên để nghiên cứu trước. Tại phiên họp toàn thể cũng chuẩn bị các nội dung chính, làm sao việc thẩm tra phải thực hiện đúng nghĩa, đó là vừa phản biện, phát hiện ra những vấn đề, quy định hợp hiến, hợp pháp, đồng thời chỉ ra những quy định không hợp hiến, không hợp pháp trong dự án luật, pháp lệnh. Với mỗi Ủy ban hiện có vụ giúp việc, chúng tôi cũng nghiên cứu, chấn chỉnh lại tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan này.

- Thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh hầu hết là đại biểu thuộc lực lượng Quân đội và Công an, điều này có thuận lợi, khó khăn thế nào trong hoạt động của Ủy ban?

Chủ nhiệm Lê Quang Bình: Với các đại biểu có trình độ chuyên môn và nắm các hoạt động quan trọng trong lực lượng, rõ ràng thành viên của Ủy ban Quốc phòng và An ninh có thuận lợi trong hoạt động về mảng lập pháp, thẩm tra các dự án luật. Nhưng trong hoạt động giám sát cũng có những lúc không được thuận lợi. Thông thường với thành viên cùng ngành sẽ có tâm lý nể nang khi thực hiện giám sát lĩnh vực thuộc ngành đó.

Vì vậy, tôi muốn trong Ủy ban, ngoài thành viên là Công an, Quân đội còn có thêm thành viên thuộc lĩnh vực khác nhưng hiện chưa thực hiện được. Như vậy, thuận lợi là chuyên sâu trong lập pháp, còn khó khăn là sẽ có sự nể nang trong giám sát.

- Ủy ban có tính việc tăng cường đội ngũ chuyên gia giúp việc?

Chủ nhiệm Lê Quang Bình: Có, Ủy ban cần thành lập các tiểu ban để nghiên cứu, đề xuất, giám sát, thẩm tra… các công việc liên quan. Ngoài thành viên nòng cốt của Ủy ban, chúng tôi cũng dự kiến mời các chuyên gia ở một số lĩnh vực khác. Họ sẽ đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, thể hiện chính kiến thẳng thắn. Có thể mời họ tham gia vào các tiểu ban, tiểu ban đó hoạt động có tính chất lâm thời.

Ví dụ để chuẩn bị báo cáo Quốc hội về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tôi cũng định mời thêm các chuyên gia chuyên sâu về giao thông ở Bộ GTVT, Ủy ban ATGTQG.

Hay vấn đề công nghiệp quốc phòng, ngoài các thành viên trong Quân đội, chúng tôi cũng sẽ mời thêm các thành viên là chuyên gia thuộc các lĩnh vực ở Viện Nghiên cứu Công nghiệp, Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Những người được mời phải là chuyên gia giỏi.

- Vậy hai mảng Quốc phòng và An ninh sẽ phối hợp thế nào trong cùng một Ủy ban để tránh những định kiến ngành này, ngành kia?

Chủ nhiệm Lê Quang Bình: Đã là Ủy ban là làm việc bằng hội nghị và thảo luận, quyết định theo đa số. Do đó khi đã vào họp toàn thể Ủy ban thì không thể nói rằng đại biểu này là Quân đội, đại biểu kia là Công an, mà phải có cách nhìn tổng quát, khách quan trong phát biểu

PV - Trường - Tuấn
.
.
.