Tuyên dương và trao thưởng học sinh đoạt giải quốc gia môn Sử

Chủ Nhật, 05/05/2013, 14:05
Ngày 4/5, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức trao thưởng và tuyên dương các em học sinh đoạt giải quốc gia môn Sử năm học 2012 – 2013.

Theo Ban tổ chức, tổng số học sinh đoạt giải năm nay là 206 em, trong đó có 5 giải nhất, giải nhì 34, giải ba 78, giải khuyến khích là 89. Năm giải nhất thuộc về các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và Quảng Bình, trong đó Nam Định giành được 2 giải nhất.

Tại lễ trao giải, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: “Trong tình hình chung, giáo dục môn lịch sử trong các trường phổ thông chưa được cải cách và phần lớn học sinh vẫn chưa tìm thấy hứng thú trong học sử thì những học sinh tự nguyện thi môn sử và đạt kết như trên rất đáng biểu dương. Đó là nỗ lực lớn của các em, cố gắng tự tạo ra nhiều hứng khởi, tự tìm đọc thêm sách báo tham khảo để nâng cao hiểu biết, rèn luyện tư duy sử học. Đó cũng là sự quan tâm của một số thầy cô giáo đầy tâm huyết trong cải tiến phương pháp giảng dạy, tìm tòi mọi cách để dẫn dắt học sinh đi vào thế giới sử học một cách hấp dẫn, khơi dậy tinh thần học sử một cách chủ động, thông minh. Kết quả trên cho thấy, học sinh không thích môn sử, thậm chí chán môn sử, hoàn toàn không phải do học sinh, không phải do bản thân môn sử hay nói cách khác là nội dung lịch sử, mà là do sách giáo khoa và phương pháp dạy sử hiện nay”.

Các đại biểu và 5 em học sinh xuất sắc được trao giải.

GS Phan Huy Lê đã thẳng thắn chia sẻ thêm hai vấn đề “mang tính thời sự”: Trong số 211 HS đoạt giải năm 2012 được miễn thi và được tuyển thẳng vào các khoa có môn sử (khối C), thì số em đăng ký vào Khoa Lịch sử của ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ có 9, ĐH Sư phạm Đà Nẵng có 3, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) có 1…

Theo GS Phan Huy Lê, điều này cũng đáng buồn vì ngay các trường ĐH cũng chưa tạo nên sự hấp dẫn, lựa chọn của HS giỏi môn sử. Nhưng xét trong toàn bộ hệ thống giáo dục thì cần phân biệt rạch ròi giữa yêu cầu giáo dục môn sử phổ thông với việc đào tạo chuyên ngành lịch sử bậc ĐH. Trong giáo dục phổ thông, như kinh nghiệm nhiều nước tiên tiến trên thế giới, môn sử phải được coi là một trong những môn cơ bản, bắt buộc

Thu Phương
.
.
.