Tuyến đường sắt trên cao đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có thể khởi hành vào năm 2015

Thứ Sáu, 01/04/2011, 18:53
Theo đánh giá của chủ đầu tư tính đến thời điểm hiện tại, dự án đường sắt trên cao đoạn Nhổn - ga Hà Nội không gặp nhiều khó khăn cũng như vướng mắc lớn từ việc giải phóng mặt bằng, nguồn vốn… Với việc đảm bảo được tiến độ của dự án, hy vọng đến năm 2015 những chuyến tàu đầu tiên sẽ được khởi hành.

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài xấp xỉ 12,5km. Trong đó đoạn trên cao dài 8,5km và đoạn đi ngầm dài 4km đi theo hướng tuyến cụ thể: Đoạn từ Nhổn đến đường vành đai 3 đi trên cao, theo QL32 (dự án này hiện đang thi công). Đoạn tuyến đi qua huyện Từ Liêm: Đoạn từ đường vành đai 3 đến đường vành đai 2 đi trên cao, lồng ghép với các đường Xuân Thủy - Cầu Giấy. Đoạn từ đường vành đai 2 đến khách sạn Daewoo là đoạn chuyển tiếp giữa đoạn trên cao và đoạn đi ngầm, dọc theo hồ Thủ Lệ đến nút giao Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã. Đoạn từ khách sạn Daewoo đến Ga Hà Nội (HRS) đi ngầm dưới đường Kim Mã, phố Cát Linh, phố Quốc Tử Giám, HRS và kết thúc ở điểm cuối là ga Hà Nội (đầu đường Trần Hưng Đạo).

Theo dự kiến thì đối với đoạn giữa Đại sứ quán Thụy Điển và phố Cát Linh sẽ được bố trí đi thẳng bên dưới khu vực xây dựng có thể thực hiện bằng máy đào hầm TBM được ưu thích hơn do có ưu điểm dễ vận hành và tạo sự tiện nghi hơn cho hành khách. Theo thiết kế thì đường sắt được sử dụng là đường khổ đôi 1.435mm với 8 nhà ga trên cao và 4 ga ngầm dưới đất. Phương tiện được lựa chọn sẽ là đoàn tàu vận hành theo cả 2 hướng và có khả năng quay đầu hoàn toàn với cabin lái ở cuối mỗi đầu. Chiều dài trung bình của toa xe xấp xỉ 20m với 4 cửa bên (ở mỗi bên toa) cho một toa. Đầu máy toa xe vận hành có tốc độ tối đa 80km/h, và tốc độ thương mại vào khoảng 37km/h. Với năng lực vận chuyển một đoàn tàu 4 toa có khả năng vận chuyển 916 người (760 chỗ đứng và 156 chỗ ngồi) và một đoàn tàu 5 toa với khả năng chuyên chở 1.155 hành khách (957 chỗ đứng và 198 chỗ ngồi)…

Mô hình tuyến đường sắt trên cao.

Theo dự kiến thì đoàn tàu 3 toa sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2015, đoàn tàu 4 toa khai thác cho năm 2030 và 5 toa khai thác sau năm 2040… Dự án này được triển khai nhằm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại hoá nhằm nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông… Tổng mức đầu tư của dự án là 18.408 tỷ đồng. Trong đó riêng về chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư là 435 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, đối với gói thầu số 4 - Công trình hạ tầng kỹ thuật đề pô, nhà thầu đã triển khai thi công cơ bản xong các công trình phụ trợ (lán trại, hàng rào tạm, đường tạm thi công, điện thi công…). Các hạng mục chính như: ép cọc cho bản cọc đỡ ray, san nền, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước sinh hoạt và cứu hỏa, đường nội bộ… nhà thầu đang tiếp tục triển khai.

Liên quan đến giải phóng mặt bằng và di chuyển công trình ngầm nổi, theo đại diện Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội, hiện đã giải phóng mặt bằng xong khu đề pô giai đoạn 1. UBND huyện Từ Liêm đang thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng để triển khai công tác giải phóng mặt bằng đường dẫn vào đề pô.

Ngày 31/12/2010, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư. Bên cạnh đó, cũng đã hoàn thành thi công di chuyển công trình chiếu sáng từ Xuân Thủy - Cầu Giấy - Kim Mã (tháng 8/2010). Đối với hệ thống thông tin bưu điện từ Cầu Diễn đến khách sạn Daewoo, gói thầu di chuyển đường dây 110kv tuyến Chèm - Giám tại nút Mai Dịch và gói thầu di chuyển đường dây 110kv tuyến Chèm - Hà Đông tại nút giao đường 32, đơn vị thi công đang triển khai.

Đại diện Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết thêm, hiện đơn vị đang tập trung triển khai Dự án "Tăng cường năng lực thể chế cho Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội" do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ và Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Hòa hợp môi trường và đô thị cho tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội" do Quỹ môi trường thế giới của Pháp (FFEM) tài trợ. Tổ chức đấu thầu các gói thầu: cung cấp thiết bị quan trắc môi trường; tư vấn quan trắc môi trường…

Theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, UBND TP Hà Nội đang xem xét phương án quy hoạch tổng mặt bằng tuyến phần ngầm, các ga ngầm theo đề xuất của Tư vấn Systra và Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội.

Thời gian vừa qua, Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội và Tư vấn đã nỗ lực giải trình với UBND thành phố và các sở, ngành, song do tại vị trí đặt các ga ngầm sẽ phải thực hiện giải phóng mặt bằng khu dân cư với khối lượng lớn. Đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng dân cư đang sinh sống ổn định sẽ buộc phải di dời, đồng thời phải thực hiện quy hoạch lại diện tích bên trên nhà ga ngầm sau khi xây dựng xong.

UBND thành phố và các sở, ngành liên quan đang xem xét kỹ lưỡng phương án thiết kế, quy hoạch trước khi quyết định… Bên cạnh đó, dự án cũng còn gặp một số khó khăn khác như trong giai đoạn triển khai thiết kế kỹ thuật có những thay đổi về nội dung và kế hoạch cũng đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ và quá trình thẩm định dự án…

Theo đánh giá của chủ đầu tư tính đến thời điểm hiện tại, dự án không gặp nhiều khó khăn cũng như vướng mắc lớn từ việc giải phóng mặt bằng, nguồn vốn… Với việc đảm bảo được tiến độ của dự án, hy vọng đến năm 2015 những chuyến tàu đầu tiên sẽ được khởi hành

Xuân Luận - Trần Huy
.
.
.