Tuyên dương 5 cá nhân dũng cảm cứu người trong vụ chìm đò ở Quảng Hải

Thứ Ba, 03/02/2009, 19:15
Chiều 3/2, tỉnh Đoàn Quảng Bình đã tổ chức giao lưu, tặng bằng khen cho các cá nhân dũng cảm cứu người trong vụ chìm đò Quảng Hải, Quảng Trạch, Quảng Bình.
>> Tang thương bao trùm Quảng Hải

Buổi giao lưu đã thu hút hàng trăm đoàn viên, thanh niên của Công an tỉnh Quảng Bình, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, và các trường học trên địa bàn thành phố Đồng Hới đã đến dự.

Tại buổi giao lưu, 5 thành viên dũng cảm cứu người trong vụ chìm đò gồm: Trần Quang Thắng, Mai Thanh Phong, Mai Văn Luyện, Hoàng Út, Trần Quốc Hoàn đã làm xúc động hết thảy mọi người bằng câu chuyện hành động dũng cảm của họ. Trong dòng nước lạnh băng, khi gặp đò bị nạn cả 5 người đã quên cả bản thân mình, họ lao vào nơi mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc để cứu người bị nạn.

Bí thư tỉnh Đoàn Quảng Bình trao tặng bằng khen cho 5 người dũng cảm cứu người.

Thông thường nhưng người khi sắp chết đuối, gặp bất cứ người nào, vật gì họ đều cố bám víu hết sức, chính vì vậy rất nhiều trường hợp cứu người đã bị chết đuối. Quên bản thân vì người khác, hành động dũng cảm của 5 người dân nghèo Luyện, Thắng, Út, Phong, Hoàn rất đáng biểu dương khen ngợi.

Anh Luyện tâm sự: Khi thấy đò gặp nạn, anh lao vào nơi có hàng trăm cánh tay cầu cứu của người dân mà quyên mất cả đứa con trai là Phong. Chỉ khi anh bị 3 người gặp nạn tỳ, đè xuống tận sâu của dòng nước xiết, anh mới thảng thốt nghĩ về Phong, đưa được nạn nhân vào bờ, anh hốt hoảng đưa mắt tìm Phong, thì thấy đứa con trai nhỏ thó của mình đang cố nhoài người trên mặt sông để đưa hai em nhỏ vào bờ.

Nhìn dáng người nhỏ thó, khuôn mặt đầy thơ ngây của cậu bé 17 tuổi Mai Thanh Phong, ít ai ngờ chính Phong đã cứu sống được 11 người trong vụ chìm đò thương tâm ở Quảng Hải. Nhà nghèo, Phong phải nghỉ học từ lớp 10 để phụ giúp cha mẹ và 3 em đang học. Khi giao lưu với các bạn học sinh phổ thông, Phong nhìn xa xăm và nói lên ước mơ của mình là được trở lại trường tiếp tục học chữ.

Đại diện đoàn thanh niên Công an Quảng Bình gặp gỡ giao lưu với những người đã cứu người.

Câu chuyện cứu người của em Trần Quốc Hoàn (19 tuổi) đã làm cho cả khán phòng giao lưu lặng im vì xúc động: Hoàn kể: Khi thấy hai người phụ nữ đang bám víu vào nhau, kéo nhau xuống dòng sông sâu, kinh nghiệm sông nước cho em biết, họ sẽ chết cả hai nếu không cứu kịp thời.

Hoàn lao đến, và 2 người phụ nữ bám chặt vào em, một chị thều thào bên tai: “Em cứu con chị với, chị vừa cưới chồng mới mang thai”. Lời cầu khẩn đầy chất nhân văn của người phụ nữ như tiếp thêm sức mạnh cho Hoàn.

Hoàn gào lên, hai người cứu bám vào vai em, vật lộn với dòng nước cuối cùng Hoàn đã đưa được cả hai người phụ nữ vào bờ an toàn. Không kịp nhìn rõ mặt, cũng chẳng kịp biết tên, Hoàn lại lao vào dòng nước…

Trong số những người dũng cảm cứu người trong vụ chìm đò, anh Hoàng Út là người có cuộc sống vất vả nhất, anh làm thuê nghề đi biển đánh cá, vợ nay ốm mai đau, đứa con đầu mới học lớp 5, đứa thứ lớp hai, còn đứa út đang bi bô tập nói.

Út thật lòng: “Khi cứu người có nghĩ chi đến bản thân, cứ nghĩ mần răng cứu được nhiều người là tốt. Nhưng khi tối về thấy 3 đứa con mắt tròn xoe nhìn cha ướt sũng mới chạnh lòng nghĩ; nếu khi cứu người không may mình chết thì tội các con quá”.

Được biết, trong những ngày tết, tất cả những người dũng cảm cứu người trong vụ chìm đò đều không kịp chuẩn bị tết, và họ đã đến bến đò thắp hương cho những người xấu số mà họ không kịp cứu. Anh Luyện buồn buồn: “Tui nghĩ không đón tết ni thì còn tết khác, còn bà con đã mất thì họ vĩnh viễn mất tết thì răng, còn tâm trạng mô mà vui tết”…

Hành động nhanh chóng, kịp thời gặp mặt tuyên dương 5 người dũng cảm cứu người của Tỉnh Đoàn Quảng Bình cũng thật đáng khen ngợi

Dương Sông Lam
.
.
.