Giải pháp ổn định đời sống cho người dân tộc thiểu số vùng cao su ở Tây Nguyên:

Tuyển dụng nguồn lao động tại chỗ

Thứ Sáu, 08/09/2006, 13:00
Tuy diện tích cao su tương đối lớn, nhiều năm qua giá mủ tăng nhưng cuộc sống người dân vùng cao su ở một số địa phương vẫn chưa thật sự ổn định.

Tính đến nay, trên địa bàn 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk có khoảng trên 100.000ha cao su thuộc các doanh nghiệp quản lý. Trong đó, Gia Lai là địa bàn có diện tích cao su lớn nhất, hơn 60.000ha do 4 công ty  cao su thuộc Tổng Công ty Cao su Việt Nam và các đơn vị thuộc Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng quản lý…

Vì cuộc sống chưa ổn định nên tình trạng trộm cắp mủ cao su vẫn còn xảy ra nhiều, gây thất thoát lớn cho Nhà nước, làm ảnh hưởng chung đến tình hình ANTT ở địa phương. Có đợt cao điểm, hàng trăm người dân vào lô cao su trộm cắp mủ. Đáng chú ý là một số công nhân lao động có hành vi bớt xén, lấy cắp, mua bán mủ cao su trái phép... Chỉ tính trong vòng từ cuối tháng 7/2006 đến nay, trên địa bàn các huyện Đức Cơ, Ia Grai, tỉnh Gia Lai, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý hàng chục trường hợp mua bán, vận chuyển mủ trái phép, thu giữ hàng tấn mủ các loại…

Về phía Binh đoàn 15 cũng nhận thấy rằng, năng lực chuyên môn của lực lượng làm công tác bảo vệ còn yếu, công tác quản lý, giáo dục của một số cấp ủy, chỉ huy các cấp còn hạn chế nên việc để xảy ra lấy cắp và tiếp tay cho tư thương mua bán trái phép sản phẩm cao su của một số công nhân lao động ở các đơn vị vẫn còn. Trong thời gian tới, các công ty cao su thuộc Binh đoàn 15 sẽ khắc phục những hạn chế, tuyển dụng nguồn lao động tại chỗ hợp lý để phát triển ổn định đời sống kinh tế người dân tộc thiểu số tại địa phương, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn đứng chân.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - Phạm Thế Dũng đánh giá việc phát triển cây cao su trên địa bàn Gia Lai là đúng hướng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn miền núi. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ xin Chính phủ chuyển đổi thêm 50.000ha rừng nghèo và không xung yếu sang trồng cao su, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người dân tộc thiểu số ở địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các công ty cao su, đặc biệt là các công ty thuộc Binh đoàn 15 cần khắc phục nhanh những hạn chế trong việc quản lý tài sản và sử dụng lao động tại chỗ.

Trong thời gian tới, các công ty cao su cần ký hợp đồng dài hạn với người lao động là công nhân đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng thời phải thực hiện quyền thừa kế vườn cây theo quy định, đảm bảo và minh bạch các chính sách, quyền lợi của người lao động theo quy định. Các công ty cần ưu tiên đào tạo người dân tộc thiểu số tại chỗ để củng cố nguồn lực cán bộ cơ sở, ưu tiên giao khoán vườn cây ở vùng gần làng đồng bào dân tộc thiểu số cho người dân địa phương nhằm bảo đảm việc bảo vệ, chăm sóc vườn cây tốt hơn, đảm bảo cuộc sống lâu dài ổn định cho người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân cao su.

Đặc biệt, các công ty cao su phải xử lý tận gốc tình trạng trộm cắp, buôn bán, bớt xén mủ trái phép, muốn vậy phải làm trong sạch nội bộ từng công ty, xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công nhân sai phạm để làm gương, nhằm góp phần răn đe giáo dục, phòng ngừa chung.  

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai, Nguyễn Việt Hường cho biết, các công ty cao su thuộc Binh đoàn 15 đóng chân trên địa bàn Gia Lai trong thời gian qua sử dụng lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là hợp đồng ngắn hạn nên cuộc sống người dân không ổn định… Về lâu dài, các công ty cao su phải kí hợp đồng dài hạn với công nhân, phải tiến hành việc tổ chức kết nghĩa thật hiệu quả giữa công ty, nông trường, đội sản xuất với buôn làng… nhằm không chỉ giải quyết tốt vấn đề phát triển kinh tế mà còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.

Ngọc Như
.
.
.