Từ vụ bê bối kết quả xét nghiệm ở BVĐK Hoài Đức: Trông đợi vào lương tâm “từ mẫu”

Chủ Nhật, 11/08/2013, 14:30
Sau sự việc nhân bản kết quả xét nghiệm cho hàng nghìn người tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hoài Đức, Hà Nội, dư luận một lần nữa choáng váng vì mức độ vi phạm không có giới hạn của những người vốn được mệnh danh là “từ mẫu”. Điều làm dư luận lo lắng hơn cả là hiện nay BVĐK Hoài Đức không phải là trường hợp đơn lẻ, mà những việc tưởng như hoang đường trong ngành y này có thể xảy ra ở nhiều nơi.
>> Xử lý nghiêm sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức
>> Vi phạm cả chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp

Sai phạm động trời bởi thiếu lương tâm

Đã từng nghe đến nhiều hiện tượng tiêu cực trong ngành y, nhưng tiêu cực dạng này là điều mà Thầy thuốc ưu tú Đỗ Minh Quang – nguyên Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (BV Quân y 354) không thể ngờ đến. Bằng kinh nghiệm trong nghề, BS. Quang nhận định: với kiểu gian lận này, một người không thể làm nổi, mà phải có tổ chức từ trên xuống. Nhằm trục lợi từ bảo hiểm, họ làm hồ sơ cho bệnh nhân có xét nghiệm, nhưng thực chất không hề làm để gian lận tiền hóa chất.

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, cũng cho rằng: Việc làm vi phạm này thường chỉ xảy ra ở tuyến huyện, xa xôi, chứ tuyến trung ương sẽ hiếm gặp, vì các bác sĩ đều có trình độ và hiểu rất rõ hậu quả. Ông cũng cho rằng, hoàn toàn có thể kiểm tra và phát hiện, khi các kết quả đều có lưu lại ở phòng xét nghiệm, do đó, vấn đề ở chỗ công tác kiểm tra có chặt chẽ không.

"Tôi rất sốc khi biết tin này. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy điều trái với lương tâm người thầy thuốc đến mức ấy" - PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình

Với kinh nghiệm nhiều năm từng làm Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, TS. Nguyễn Văn Phi, Giám đốc TTYT huyện Từ Liêm, Hà Nội cũng nhận định: Với các bệnh viện, không phải không thể giám sát và ngăn chặn tình trạng gian dối trên. Theo chế độ, phòng xét nghiệm phải báo cáo lượng hóa chất đã sử dụng và số còn lại, trên cơ sở đó sẽ biết được dùng bao nhiêu. Bên cạnh đó, bệnh viện có thể tiến hành kiểm tra đột xuất, hoặc thường kỳ để biết lượng hóa chất có khớp với số lượng xét nghiệm đã làm không. Hiện nay, các máy xét nghiệm hiện đại đều có ghi rõ số lượng các xét nghiệm đã làm, vì thế, cùng với các biện pháp trên, có thể kiểm định máy đột xuất.

Từ những điều này có thể thấy, vi phạm ở Bệnh viện Hoài Đức phải đợi tố cáo mới bị phát hiện, chỉ bởi vì người không có lương tâm không chỉ có một, mà là một tập thể người.

Kết quả xét nghiệm ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe người dân. Ảnh minh họa.

Người bệnh làm thế nào để tránh bị lừa?

Tại các bệnh viện nhà nước, nơi có đầy đủ các ban bệ giám sát, vi phạm động trời vẫn ngang nhiên xảy ra khiến người dân càng lo lắng về chất lượng tại các phòng khám tư nhân. Trao đổi với Báo CAND về điều này, Thầy thuốc ưu tú Đỗ Minh Quang cho rằng: Phòng khám tư nhân không dám làm việc đó, bởi bác sỹ điều trị là người chịu trách nhiệm trực tiếp về tính mạng bệnh nhân, sẽ không bao giờ chấp nhận một kết quả xét nghiệm giả. Tuy nhiên, họ vẫn trục lợi được từ việc lấy phí cao và cả từ việc chỉ định làm nhiều xét nghiệm không cần thiết (và trong thực tế thường bỏ qua không xét nghiệm).

TS Nguyễn Văn Phi cũng nhận định: Việc sử dụng xét nghiệm khống để móc túi bệnh nhân hoặc bảo hiểm y tế diễn ra ở khu vực y tế tư nhân nhiều hơn cơ sở y tế Nhà nước, và đó là 2 lần móc túi người bệnh.

Trao đổi với Báo CAND, GS. TS.NGND. Đặng Hanh Đệ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực (BV Việt Đức), người được biết đến rất nhiều với vai trò là một chuyên gia phẫu thuật tim nổi tiếng, học trò xuất sắc của cố GS. Tôn Thất Tùng, người đầu tiên xây dựng Khoa Tim mạch của BV Việt Đức… cũng cho rằng: Không những khó để người bệnh phát hiện ra, mà còn thật khó có cách giám sát cho chặt.

“Nhiều người nói quy trình cần chặt chẽ hơn, nhưng tôi thấy quy trình giám sát đủ cả đấy chứ. Tỉ mỉ đến độ như có một số ý kiến đề xuất là xét nghiệm phải có thêm một cán bộ đứng kèm, thì chúng ta lấy đâu ra người, tiền của mà làm việc đó? Làm nghề là vì lương tâm. Nếu người ta không còn lương tâm gì nữa thì họ có nhiều cách lắm, khó có thể lường được. Chặt đến mấy cũng khó”.

Trả lời câu hỏi có cách nào để ngăn chặn tốt hơn việc lạm dụng xét nghiệm, chỉ định bừa bãi để trục lợi từ người bệnh không, các bác sỹ đầu ngành đều thừa nhận rất khó. Không thể có ba-rem nào cho việc dấu hiệu này thì làm xét nghiệm nào được. Tất cả đều phụ thuộc vào tay nghề và đặc biệt là lương tâm thầy thuốc – thứ mà đối với người bệnh, ngày càng trở nên mong manh.

Làm thế nào để phát hiện kết quả xét nghiệm thật – giả?

Theo một quan chức trong ngành y tế, để ngăn chặn việc bị làm giả kết quả xét nghiệm, người bệnh nên mang kết quả xét nghiệm lần trước đi để đối chiếu (dĩ nhiên là không để nhân viên y tế biết). Song, điều này chỉ có thể áp dụng được với người đã từng làm xét nghiệm, còn người lần đầu thì đành chỉ còn trông chờ vào lương tâm của người thầy thuốc mà thôi. Một lời khuyên nữa dành cho người bệnh là, sau khi xét nghiệm rồi, nên đến một cơ sở khác để tư vấn cho yên tâm, bởi nếu các kết quả khác nhau, tư vấn cũng sẽ khác.

Vi phạm ngoài sức tưởng tượng của cả những người trong ngành y

Cả cuộc đời làm nghề của tôi, tôi chưa từng nghe điều gì quái quỷ như thế. Đối với người làm nghề y, đây là một việc không thể tin nổi, một sự dối trá không thể chấp nhận được, vì nó ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

Nghề y là nghề cứu nhân độ thế, mà anh lại đi làm một việc vô đạo đức như thế. Nếu là một cán bộ xét nghiệm vi phạm đã đành một nhẽ, đây lại còn có sự chỉ đạo từ trên xuống, lừa hàng nghìn người nữa thì tôi không thể hiểu nổi.

Ở thời của tôi, cũng làm trái đấy, nhưng chỉ ở mức chẳng may làm sai rồi ỉm đi, không dám nói cho ai biết, chỉ lương tâm mình cắn rứt thôi. Còn cái việc cố tình vi phạm trong suốt một thời gian dài như thế này chỉ vì tiền, thì thật khó tưởng tượng” – Nhà giáo nhân dân, GS. TS Đặng Hanh Đệ.

Tin thêm về vụ “nhân bản phiếu xét nghiệm máu” ở Bệnh viện Hoài Đức: Ghi trên 1.000 phiếu khống để chiếm đoạt 60 triệu đồng tiền bảo hiểm y tế

Sáng 10/8, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, sau khi khởi tố vụ án hình sự về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (theo điều 281 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), quá trình điều tra và chứng cứ thu thập được, xác định đơn tố giác tội phạm là đúng.

Bước đầu cho thấy tài liệu để căn cứ điều tra là 66 quyển sổ theo dõi kết quả xét nghiệm, 33 quyển sổ theo dõi chữa bệnh, 41 hồ sơ bệnh án, 52 phiếu xét nghiệm… 446 phiếu in kết quả xét nghiệm huyết học cùng nhiều lời khai của số người liên quan, phát hiện từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013, khoa xét nghiệm bệnh viện này đã có 1.037 phiếu khống, số phiếu xét nghiệm huyết học khống nêu trên cấp cho bệnh nhân ngoại trú có bảo hiểm y tế (BHYT).

Việc làm vi phạm này nhằm thanh toán lấy tiền BHYT chuyển về bệnh viện. Số tiền mà Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức được  BHYT thanh toán tương ứng với số xét nghiệm khống nêu trên khoảng 60 triệu đồng.

Được biết, quan điểm của cơ quan CSĐT Công an Hà Nội là khẩn trương điều tra triệt để xử lý nghiêm minh những cá nhân có hành vi sai phạm nghiêm trọng này gây dư luận về y đức của người thầy thuốc, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, đồng thời vi phạm quy trình công tác ngành Y tế.

Đào Minh Khoa

Hành vi trả kết quả xét nghiệm giả bị xử lý thế nào?

Việc “nhân bản” phiếu xét nghiệm này là hành vi vi phạm quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh. Đây là hành vi bị cấm theo quy định tại Khoản 10 Điều 6 Luật Khám chữa bệnh. Hành vi này thì tùy vào ý thức chủ quan của người vi phạm mà có thể xử lý theo hai trường hợp dưới đây:

Nếu những sai phạm này là lỗi vô ý do cẩu thả của đội ngũ bác sĩ thì các cá nhân liên quan có thể bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh” – Điều 242 Bộ luật Hình sự. Nếu những sai phạm này là do cố ý: Do các cá nhân liên quan đều là viên chức – những người có chức vụ, quyền hạn và việc xét nghiệm cho người khám bệnh là thực hiện hoạt động công vụ. Với vi phạm này thì các cá nhân liên quan có thể bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” – quy định tại Điều 281 Bộ luật Hình sự. Hành vi này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Nếu phạm tội có tổ chức, hoặc phạm tội nhiều lần, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

Ngoài trách nhiệm hình sự như nêu trên, nếu có ai đó bị thiệt hại do hành vi vi phạm này của các bác sĩ Bệnh viện Hoài Đức thì có thể làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.

Luật sư Hoàng Văn Thạch – VPLS số 5 Hà Nội

Thanh Hằng – Vũ Hân
.
.
.