Tử vong vì chữa dị ứng

Thứ Sáu, 19/12/2008, 08:57
Khi y tá điều dưỡng Nam tiêm hết ống thuốc chống sốc, bệnh nhân chữa dị ứng Dương Thị Phượng lên cơn co giật. Bạn Phượng thắc mắc: "Bạn em đang bị sốc thuốc, anh xem thế nào?". Nam vẫn nói: "Do nó sợ quá thôi!". Đến khi thấy Phượng mắt nhắm nghiền, cơn co giật dữ dội hơn, Nam đi gọi bác sỹ Luận, bác sĩ chính của phòng khám “không phép” Việt - Nhật…

Mấy ngày qua, dư luận tỉnh Vĩnh Phúc xôn xao về việc một nữ sinh viên đi khám chữa bệnh ở Phòng khám đa khoa tư nhân Việt - Nhật, nhưng hậu quả lại bị tử vong.

Còn gia đình chị Dương Thị Phượng, 19 tuổi, trú tại xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), sinh viên khóa 58, lớp kế toán 2, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải khi nhận được tin báo về cái chết của con gái vẫn chẳng thể tin đấy là sự thật. Họ đã làm đơn đề nghị cơ quan pháp luật làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan.

Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đã có mặt tại Vĩnh Phúc và trao đổi với các cơ quan chức năng về vụ việc trên.

Được biết, 15h ngày 14/12, chị Phượng thấy bị mẩn ngứa ở mặt và chân tay nên nhờ 2 người bạn học là chị Lê Thị Thu và anh Nguyễn Công Truyền đưa đến Phòng khám đa khoa tư nhân Việt - Nhật, có địa chỉ tại 120 Bà Triệu, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Tại đây, chị Phượng được bác sỹ trực chính là Nguyễn Thiện Luận, 35 tuổi, công tác tại Trung tâm Chữa trị bệnh xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc khám và kết luận bị bệnh mề đay cấp. Sau đó, bác sỹ Luận ghi đơn thuốc và chỉ định cho các y tá thực hiện.

Y tá Nguyễn Thị Hoa cho bệnh nhân uống 1 viên thuốc chống dị ứng, sau đó y tá điều dưỡng là Trần Duy Nam, 22 tuổi, truyền chai dịch đầu tiên cho bệnh nhân. Khi đang truyền, Nam tiêm tiếp 1 ống thuốc chống sốc cho bệnh nhân. Được 2/3 ống thuốc, chị Phượng đã nói thấy người khó chịu, đau đầu. Nhưng y tá Nam vẫn không báo bác sỹ ngay mà trấn an bệnh nhân và người nhà là do chị Phượng lần đầu truyền nên hồi hộp thôi.

Khi Nam tiêm hết ống thuốc, Phượng lên cơn co giật. Chị Thu thắc mắc: "Bạn em đang bị sốc thuốc, anh xem thế nào?". Nam vẫn nói: "Do nó sợ quá thôi!". Đến khi thấy Phượng mắt nhắm nghiền, cơn co giật dữ dội hơn, Nam mới bảo Hoa đi gọi bác sỹ Luận.

Lúc này, y tá Nguyễn Văn Hoàng ở phòng khám bên cạnh nghe ồn ào chạy sang, bảo Nam rút dây chuyền ra thì cậu này vẫn chần chừ vì "để nhỡ phải cấp cứu, đỡ phải lấy ven lại". Anh Hoàng rút dây chuyền ra, kiểm tra thấy nạn nhân đã bị trụy mạch. Vừa lúc đó, bác sỹ Luận có mặt, thấy bệnh nhân tím tái toàn thân, tổ chức cấp cứu bằng cách lấy đờm, thổi ngạt, ép tim bằng phương pháp thủ công nhưng bệnh nhân đã tắt thở.

Vì thế, khi bác sỹ Luận bảo các y tá đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cũng không cứu vãn được gì.

Theo kết luận ban đầu của các cơ quan chức năng, bệnh nhân Phượng bị chết do sốc thuốc. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là Phòng khám đa khoa tư nhân Việt - Nhật chưa hề có giấy phép hoạt động của Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo Sở Y tế tỉnh cho biết, ông Khổng Trọng Nghị, bác sỹ Viện Quân y 109 đã nghỉ hưu đứng lên thuê nhà số 120, kết hợp với bác sỹ Nguyễn Thiện Luận tổ chức khám, chữa bệnh.

Tháng 9/2008, ông Nghị đã có tờ trình xin thành lập phòng khám nhưng chưa được Sở Y tế chấp thuận cấp phép bởi 2 lý do: Bác sỹ Luận chưa đủ 5 năm thực hành ở cơ sở chữa bệnh và phòng khám chưa có đủ điều kiện vệ sinh, môi trường theo quy định của ngành Y tế (chưa có hợp đồng xử lý chất thải y tế).

Mặc dù vậy, đầu tháng 11/2008, ông Nghị vẫn cho mở phòng khám "chui", trương biển khá to thu hút người bệnh. Sau khi sự việc xảy ra, ông này và các nhân viên lại vội vàng hạ biển, đóng cửa phòng khám.

Hiện vụ việc đã được giao cho Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh tiến hành điều tra

Hòa Bình
.
.
.