Tự tử - sự chạy trốn ích kỷ

Chủ Nhật, 13/03/2011, 12:26
"Chết là hết" đó là quan điểm của một số người… song thực tế ở những vụ tự sát này, họ đã khiến bao nhiêu người thân phải đau lòng, hổ thẹn. Nếu họ nghĩ đến những người xung quanh, ý thức được nỗi đau của con cái, cha mẹ, anh em sau cái chết của mình, chắc họ đã không làm thế.

Hơn tuần qua, vụ tự tử của cặp vợ chồng trẻ bằng than tổ ong, ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) là một tâm điểm, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Xung quanh vụ tự tử này, đã và đang có nhiều luồng dư luận trái chiều về những uẩn khúc dẫn đến hai cái chết thương tâm trên?

"Chết là hết" đó là quan điểm của một số người… song thực tế ở những vụ tự sát này, họ đã khiến bao nhiêu người thân phải đau lòng, hổ thẹn. Nếu họ nghĩ đến những người xung quanh, ý thức được nỗi đau của con cái, cha mẹ, anh em sau cái chết của mình, chắc họ đã không làm thế.

Bí ẩn vụ tự tử của đôi vợ chồng trẻ

Sự việc đau lòng trên được phát hiện vào sáng 4/3, bởi một người quen của vợ chồng nạn nhân, anh Ngô Minh Đức và chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (đều SN 1983, trú tại tầng 12 CT3-X2 khu Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Người phát hiện ra vợ chồng nạn nhân là một cô gái còn rất trẻ và theo một số thông tin phóng viên thu thập được rất có thể đây là người thứ ba trong mối quan hệ của vợ chồng nạn nhân.

Sáng 4/3, người phụ nữ tìm cách liên lạc với vợ chồng chị Hạnh, anh Đức nhưng cả điện thoại di động, rồi điện thoại bàn đều không có người nhấc máy. Lúc đó, linh tính mách bảo có điều gì đó không bình thường đã xảy ra, chị ta vội lao đến căn hộ nơi vợ chồng anh Đức, chị Hạnh sinh sống, khi ấy cửa bên trong vẫn khóa trái nhưng lay gọi mãi mà không có người trả lời. Chị ta vội thông báo cho bảo vệ tòa nhà, đồng thời liên lạc với trung tâm cấp cứu, nhưng đã quá muộn.

Khi cánh cửa căn hộ được bảo vệ tòa nhà mở ra, bên trong nồng nặc mùi khói than, vợ chồng anh Đức, chị Hạnh đã tử vong tại phòng ngủ. Khi thấy cảnh tượng thương tâm đó, người phụ nữ không giấu được lòng mình đã lao vào ôm anh Đức, khóc ngất…

Tại nơi vợ chồng nạn nhân tử vong, các lực lượng nghiệp vụ Công an TP Hà Nội, Công an phường Hoàng Liệt và Công an quận Hoàng Mai, phát hiện một bếp than tổ ong được để trên một đôn sứ, đặt trong chậu nhựa chứa nước. Các khe hở cửa sổ và cửa ra vào phòng ngủ đều được dán kín bằng băng dính.

Trên mặt bàn phòng ngủ của con gái họ có một bức thư tuyệt mệnh (nét chữ của chị Hạnh) với nội dung: Vợ chồng chị đã đến bước đường cùng, có vấn đề gì thì gia đình ít đau buồn. Trong lá thư, chị Hạnh bày tỏ lòng biết ơn với chị gái đã giúp đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời nhờ ông bà ngoại chăm sóc hộ đứa con nhỏ chưa đầy 2 tuổi, hiện đang ở với ông bà nội…

Căn cứ vào dấu vết hiện trường và chứng cứ thu thập, cơ quan Công an đi đến kết luận, vợ chồng chị Hạnh tự tử. Trước khi tìm đến cái chết, nạn nhân đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bởi bình thường chị Hạnh thường sử dụng bếp ga để đun nấu, chiếc bếp than tổ ong chỉ vừa được mua trước đó vài ngày. Hơn nữa, để tránh bếp than làm cháy sàn nhà bằng gỗ, gây hỏa hoạn, chủ nhân đã cẩn thận kê bếp lên đôn sứ để trong chậu nước trước khi tự tử…

Hơn một tuần đã trôi qua, nhưng vụ tự tử của vợ chồng anh Đức, chị Hạnh vẫn khiến nhiều người bàng hoàng, sửng sốt. Xung quanh cái chết thương tâm của đôi vợ chồng trẻ đang có nhiều luồng dư luận khác nhau. Một số cho rằng anh Đức có biểu hiện của việc đánh bạc nên rơi vào cảnh nợ nần, một số khác lại cho rằng, nguyên nhân của vụ tự sát là do sự xuất hiện của người phụ nữ  "thứ ba" nên hai vợ chồng đã tìm cách tự tử…

Nguyên nhân tại sao vợ chồng họ lại cùng nhau tìm đến cái chết, đó còn là câu hỏi ngỏ, không có lời giải đáp. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, anh Đức và chị Hạnh đều là những người có trình độ nhận thức, cả hai đều xuất thân trong các gia đình nề nếp, được giáo dục cẩn thận. Sau khi tốt nghiệp những trường đại học có tiếng trong nước, họ có công việc ổn định và thu nhập tương đối cao trong xã hội. Chính vì điều đó, trước khi tìm đến cái chết để giải thoát, chắc chắn cả hai đều ý thức được nỗi đau do họ gây ra cho cha mẹ, những người thân là không thể tả xiết bằng lời.

Nạn nhân Nguyễn Thị Tuyết Nhung khi được cấp cứu trong bệnh viện.

Cùng một lúc, cả hai gia đình mất đi hai người con... Và có lẽ tội nhất là cháu bé gần 2 tuổi, con gái của vợ chồng anh Đức, chị Hạnh. Cháu còn quá nhỏ, chưa đủ để hiểu được nỗi mất mát mà mình sẽ phải gánh chịu trong suốt cuộc đời. Với điều kiện của gia đình ông bà nội, ngoại thì chắc chắn con gái của anh Đức, chị Hạnh sẽ được mọi người chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi trưởng thành. Song dù tình yêu của những người thân có sâu sắc thế nào cũng không thể thay thế được tình mẫu tử, đó là thứ tình cảm thiêng liêng mà từ nay cháu không bao giờ còn được đón nhận. 

Mới đây, tại huyện Nam Sách (Hải Dương) cũng xảy ra vụ tự sát đau lòng mà nguyên nhân bắt nguồn từ khoản tiền 10 triệu đồng. Đối tượng đồng thời cũng là nạn nhân của vụ tự sát là chị Nguyễn Thị Phương Liên (ở số nhà 2 Mạc Đĩnh Chi, thị trấn Nam Sách) đã tử vong vào lúc 21h45' ngày 8/3, do vết bỏng quá nặng, còn chồng chị là anh Trịnh Thanh Bình cũng bị thương tích nặng, đang điều trị tại bệnh viện trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc".

Chị Liên và anh Bình kinh doanh dịch vụ cầm đồ từ nhiều năm nay, nhờ sự đảm đang, tháo vát của chị Liên nên kinh tế gia đình họ cũng vào diện có "của ăn, của để". Với 3 đứa con, hai trai, một gái đều ngoan ngoãn, đáng yêu, hình mẫu của gia đình chị cũng khiến nhiều người mơ ước. Trong cuộc sống hằng ngày, chị Liên là người mạnh mẽ nên mọi việc trong gia đình, từ lớn đến nhỏ đều do chị quyết đoán.

Vào cái ngày định mệnh đó (ngày 7/3), chị Liên kiểm tiền phát hiện bị mất 10 triệu đồng. "Một mất, mười ngờ", chị hết nghi ngờ chồng rồi tra hỏi con cái, khiến không khí gia đình vì thế mà vô cùng căng thẳng. Trong phút nóng giận, không kiềm chế, chị Liên đã không nghĩ đến hậu quả… Khi ngọn lửa bùng lên dữ dội, mọi người xông đến cấp cứu thì đã quá muộn. Chị Liên bị bỏng nặng rồi tử vong, còn người chồng thì tính mạng cũng vô cùng nguy hiểm.

Khi tìm đến cái chết, chị Liên chỉ thỏa chút bực tức, hờn giận của mình. Nhưng chính chị đã tự mình phá bỏ tất cả, toàn bộ cơ nghiệp mà chị gây dựng trong suốt bao nhiêu năm qua tan thành mây khói.

Và một điều thật lớn lao, không gì có thể bù đắp được là tình nghĩa vợ chồng, là một mái ấm gia đình mà bao năm qua chị đã bỏ công gây dựng. Rồi còn nữa, bản thân chị đã thiệt mạng, ba đứa con mất mẹ và sắp mất cả cha. Mẹ mất, bố đang trong cơn bạo bệnh, chúng trở thành những đứa trẻ côi cút, sống vào sự giúp đỡ của những người họ hàng, chờ mong cơ hội phục hồi của người cha.

Những bi kịch để lại

"Khi thấy ai tỏ ra quá bi quan, bế tắc, những người thân nên quan tâm chia sẻ, hỏi han, khuyên nhủ để họ nhận ra tự tử không phải là giải pháp hay”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ. Thực tế của các vụ tự sát trong thời gian qua cho thấy, nguyên nhân của các vụ tự tử thường bắt nguồn từ những lý do rất giản đơn, đều có thể giải quyết được nếu được tư vấn kịp thời.

Điển hình như vào lúc 16h45' ngày 5/3, tại cầu Long Biên, một phụ nữ chỉ vì mâu thuẫn với chồng đã định gieo mình xuống sông Hồng để kết thúc đời mình. Thật may mắn, người phụ nữ đã được cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, đang làm nhiệm vụ ở địa bàn kịp thời giải cứu. Vào thời điểm đó, nạn nhân đã bước qua lan can định lao xuống sông tự tử.

Người phụ nữ đó là chị Vũ Hoài T. (26 tuổi, hiện đang ở tại quận Long Biên, Hà Nội), sau khi được giải thích, T. đã bình tâm trở lại, chị nức nở kể lại nguyên nhân định tìm đến cái chết là do mâu thuẫn với chồng là anh Lâm Thanh Đ. (28 tuổi, ở Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên)…

Thực tế các vụ tự tử xảy ra trong thời gian qua cho thấy đa số đều bắt nguồn từ mâu thuẫn vợ chồng: Vì nghi ngờ chồng hoặc vợ ngoại tình; vì không trả được nợ nần…Trong các vụ tự tử này, chính sự ích kỷ của một trong hai người đã đẩy gia đình họ vào đường cùng. Và người thiệt thòi nhất trong các vụ án này chính là những đứa trẻ vô tội, trong phút chốc chúng trở thành những đứa trẻ không cha không mẹ. Thiếu bàn tay chăm sóc của gia đình, liệu chúng có đủ bản lĩnh để đứng vững trước những biến động của cuộc đời? Đó là câu hỏi khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Vụ án xảy ra vào ngày 3/3, tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội), khiến nhiều người bàng hoàng, chua xót. Kẻ thủ ác trong vụ án này là Nguyễn Đình Tuấn (43 tuổi, ở Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội), chồng cũ của nạn nhân. Tuấn và chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (41 tuổi) đã từng có hơn 20 năm tình nghĩa vợ chồng, và có với nhau hai đứa con chung…

Trong suốt ngần ấy năm chung sống, chị Nhung chưa được một ngày được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, cùng lúc chị phải chịu cả nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Đã không biết bao nhiêu lần, chị phải chịu những trận đòn "thừa sống, thiếu chết" của chồng… Và ngay cả khi đã ly hôn, Tuấn vẫn không buông tha cho chị.

Sự ích kỷ, đớn hèn khiến anh ta có hành động điên rồ, là viết thư tự sát, sau đó lập kế hoạch để giết người vợ cũ. Nếu lúc đó, kẻ ích kỷ, người đàn ông thiếu trách nhiệm đó hiểu rằng, hai đứa con của hắn cần lắm vòng tay chở che của mẹ chúng, thì hắn đã không thực hiện hành vi tàn ác đó.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ:

Cuộc sống hiện đại gây ra rất nhiều áp lực về tâm lý cho con người, vì thế số người bị stress, bị tâm thần, điên, tự tử ngày càng gia tăng không chỉ ở nước ta mà cả nhiều nước phát triển trên thế giới. Đặc biệt Hàn Quốc gần đây có số người tự tử cao nhất, trong số đó các "sao" trong lĩnh vực công nghiệp giải trí chiếm tỷ lệ khá cao. Đến nỗi có người gọi là "hội chứng tự tử" và nó lây lan như một bệnh dịch.

Ở nước ta thời gian gần đây, các thành phố lớn như trên địa bàn Hà Nội, số người tự tử cũng tăng. Nạn nhân hầu hết là những người rơi vào cảnh bế tắc do chính họ đưa mình đến bước đường cùng. Kẻ làm ăn thua lỗ nợ nần không trả được tìm cách chạy trốn cuộc đời. Người phạm pháp nghiêm trọng tìm cách thoát tội bằng cái chết. Kẻ thất bại trong tình yêu, cờ bạc chán đời không thiết sống.

Nói chung tất cả họ đều có những bước đi sai lầm trong cuộc đời, dẫn đến hành vi liều lĩnh và tìm cách giải thoát bằng cái chết. Họ không nghĩ đến ai ngoài chính họ. Bởi vậy họ là những kẻ ích kỷ và hèn nhát. Để lại xung quanh cái chết của họ bao nhiêu người thân phải đau lòng, hổ thẹn. Nếu họ nghĩ đến những người thân, ý thức được nỗi đau của con cái, cha mẹ, anh em sau cái chết của họ, chắc họ đã không làm thế.

Những người tự tử cũng là những người không có mối quan hệ thân thiết thật sự với ai, không chia sẻ được nỗi lòng với ai, khiến họ đã bế tắc lại càng bế tắc, sinh ra quẫn trí. Nếu họ nhận được những lời khuyên chân tình của người thân hay lời tư vấn của những người hiểu biết chắc chắn họ sẽ không làm như vậy. Vì thế khi thấy ai tỏ ra quá bi quan, bế tắc, những người thân nên quan tâm chia sẻ, hỏi han, khuyên nhủ để họ nhận ra tự tử không phải là giải pháp hay.

Trong đời ai cũng có lúc rơi vào tình thế tưởng như không còn lối thoát nhưng nếu tỉnh táo khôn ngoan, hiểu biết sẽ tìm ra được những giải pháp thích hợp để vượt qua. Nhiều người từng nghĩ đến tự tử nhưng vượt qua được sau này nghĩ lại đều nhận thức ra mình từng có lúc nghĩ đến cái chết như một kẻ chạy trốn đớn hèn, ích kỷ.

Xuân Mai
.
.
.