"Tử thần” rình rập những chuyến đò ngang

Thứ Năm, 13/12/2012, 01:14
Từ nhiều năm nay, hàng ngàn người dân của hai xã Quảng Hòa thuộc huyện Đắk GLong, tỉnh Đắk Nông và Đạ Ra Sal thuộc huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng vẫn thường xuyên qua lại giao thương với nhau bằng những chuyến đò qua sông Đắk Rmăng nối liền hai xã. Biết đi đò là nguy hiểm bởi nó được làm một cách sơ sài, không có bất kỳ một phương tiện đảm bảo an toàn nào nhưng vì nhu cầu cuộc sống nên hàng ngày họ vẫn phải “đánh cược” tính mạng của mình trên những chuyến đò chông chênh, phập phồng lo sợ.

Trên địa bàn xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong hiện có 2 bến đò chở người cũng như hàng hóa qua lại trên sông Đắk Rmăng và đều là những bến đò tự phát, các chủ đò chưa được cấp giấy phép hoạt động, lái thuyền chưa được đào tạo nghiệp vụ, ghe thuyền thì đóng hết sức sơ sài. Trong đó, chỉ có một bến đò tại thôn 10 được Ban An toàn giao thông huyện Đắk Glong trang bị áo phao, phao cứu sinh cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì chủ đò và cả người đi đò cũng không quan tâm cho lắm bởi trong 10 chiếc áo phao và phao cứu sinh được trang bị thì chỉ có 5 chiếc được để trên đò nhưng không ai mặc, số còn lại được “cất” ở trong trại của chủ đò.

Một chuyến đò qua sông Đắk Rmăng.

Anh Vi Văn Thuộc, Trưởng Công an xã Quảng Hòa bộc bạch: “Thời gian qua, lực lượng Công an xã thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an cấp trên tuyên truyền, nhắc nhở chủ đò và người lái đò phải chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn khi vận chuyển hành khách, hàng hóa trên sông. Tuy nhiên, do bản tính chủ quan của người dân nên họ vẫn không quan tâm cho lắm, chỉ khi xảy ra tai nạn thì hối hận đã muộn”. 

Đầu năm 2010, người dân đôi bờ sông Đắk RMăng đón nhận tin vui khi UBND huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông triển khai xây dựng chiếc cầu bê tông bắc qua sông Đắk Rmăng. Tuy nhiên, từ niềm vui, đến sự mong đợi, rồi thất vọng vì công trình thi công quá lâu. Điều mà người dân đôi bờ sông Đắk RMăng đang mong chờ nhất hiện nay là chiếc cầu sớm hoàn thành để hàng ngày họ không còn phải nơm nớp nỗi lo qua đò

Minh Quỳnh – Minh Tín
.
.
.