Tự hào đi lên ôi Việt Nam!

Thứ Sáu, 15/04/2005, 06:54
Vậy là giờ khắc linh thiêng mà triệu triệu người con đất Việt mong chờ đã đến. Hồn dân tộc mấy ngàn năm văn hiến đã sống dậy mạnh mẽ, lung linh hơn bao giờ hết khi bắt đầu màn trình diễn "Linh diệu muôn đời Đất Tổ" tại sân vận động thành phố Việt Trì (Phú Thọ) trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng (ngày 14/4).

Có lẽ đây là màn trình diễn hoành tráng nhất, huyền ảo nhất gồm 5 chương, 10 cảnh đã được 2.500 diễn viên và nghệ sỹ chắt lọc và chưng cất từ những gì độc đáo, tài hoa nhất dâng lên tiên tổ. Hai bức tranh lớn Rồng và Tiên trên sân khấu, giai điệu khúc tráng ca Phong Châu mở hội đã đưa người con đất Việt thả hồn về với truyền thuyết mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, phôi thai ra một dân tộc giàu lịch sử, hào hoa và trọng nghĩa khí. Con chim có tổ, con người có tông, tổ tiên là đây, giản dị và bền bỉ.

Đó là hình ảnh Hùng Vương trong buổi khai thiên lập địa đã dạy nhân dân mình trồng lúa, cày sâu cuốc bẫm; là hình ảnh Lang Liêu dâng bánh chưng xanh quện đầy tình cảm của bề tôi cung tiến vua; là hình ảnh Thánh Gióng nhổ tre, giúp dân đuổi giặc Ân khỏi bờ cõi... Khí thế hồn thiêng của dân tộc Việt Nam còn được phát huy, nối tiếp đến thời đại Hồ Chí Minh. Người dân khắp bốn phương trời, dù ở trong nước hay làm ăn ở nước ngoài, đến ngày này tâm hồn đều cùng bồi hồi sống dậy ánh sáng lấp lánh của văn hoá nguồn cội.

Cha ông ta từng tâm huyết cho rằng, mất bản sắc văn hoá là mất tất cả. Ngẫm điều thiêng liêng mang đậm cốt cách Việt Nam này càng thấy đúng trong ngày cả nước hướng lòng về ngày giỗ Tổ. Vì thế chăng mà bên cạnh những mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội lớn, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chúng ta tự hào khi tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước, vững chãi khẳng định mình khi hội nhập quốc tế, nhưng những thành tựu đó có bền bỉ hay không lại có gốc rễ từ văn hoá. Đất nước này có thể có nền kinh tế mạnh mẽ hơn đất nước khác, nhưng bản sắc văn hoá dân tộc mới là trường tồn với thời gian, là động lực phát triển đất nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương, đó cũng là sức mạnh và cốt cách của dân tộc Việt Nam. Một nhà văn hoá dân gian Phú Thọ, người suốt đời đau đáu trong nghiên cứu, tìm tòi, mong làm đầy đặn hơn nữa tư liệu về văn hoá Hùng Vương đã xúc động vô ngần khi nhận ra rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng lên từ bản sắc dân tộc trong văn hoá Hùng Vương một cách tuyệt vời để lãnh đạo nhân dân ta thắng lợi hai cuộc kháng chiến trường kỳ: Bọc trứng do mẹ Âu Cơ sinh thành chính là sự đại đoàn kết dân tộc, chân lý dựng nước nhưng phải giữ nước có cội nguồn từ hình ảnh Thánh Gióng "Ba năm chẳng nói chẳng cười", nhưng thấy đất nước lâm nguy đã vươn dậy, nhổ tre làng Ngà giết giặc...

Cho đến giờ, câu nói giản dị mà bất hủ của Bác Hồ vẫn lay động hàng triệu trái tim: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời dặn dò của Người đã hun đúc khí thế của triệu người lên đường đánh Pháp, đánh Mỹ, giải phóng đất nước, để rồi cùng chung vai xây dựng đất nước, vươn lên hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới. Năm 2005 và nhiều năm tiếp theo, giỗ Tổ Hùng Vương được Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể theo nghi lễ quốc gia, vừa để bày tỏ lòng biết ơn thành kính lên tiên tổ và các bậc tiền nhân đã có công khai phá, dựng nước, vừa  là dịp để mỗi người dân lắng đọng lòng mình hướng về nguồn cội.

Lòng tự hào dân tộc, yêu nước, yêu tổ tiên được bắt rễ bền chặt trong nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh vô song, để từ đây, Việt Nam sẽ đi lên và vươn ra thế giới. Trong thời khắc thiêng liêng ngày quốc lễ, hơn 80 triệu người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài cùng thổn thức về câu chuyện "50 con lên rừng, 50 con xuống bể" để cùng hoà tình cảm và trách nhiệm chung tay xây dựng đất nước Việt Nam

Đỗ Quỳnh Anh
.
.
.