Từ cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” đến chuyện khai thác đại lộ Thăng Long: Không cần thu phí của người dân

Chủ Nhật, 23/02/2014, 09:01
Câu chuyện thu hay không thu phí đại lộ Thăng Long đã trở thành đề tài tranh biện chưa có hồi kết; dư luận còn đánh giá cao việc tỉnh Bình Dương khánh thành Trung tâm hành chính với tổng mức đầu tư lên tới 1.400 tỷ đồng mà không cần đến ngân sách Nhà nước. Hai vấn đề khác nhau nhưng thực ra nó đều có gốc gác từ chủ trương “đổi đất lấy hạ tầng” Chính phủ đã cho phép và luôn cổ vũ cho các địa phương thực hiện. Nêu vấn đề như thế, để thấy rằng dù có chung chủ trương, cùng mục đích nhưng với cung cách quản lý khác nhau đã dẫn tới kết cục rất khác nhau ở chỗ, một bên là phải thu phí của dân để duy trì con đường và một bên là bằng cơ chế linh hoạt xây dựng Trung tâm hành chính đồ sộ bậc nhất Việt Nam mà không cần dùng ngân sách.

Lấy đất công, không trả hạ tầng

Trở lại quá trình đầu tư đường Láng - Hòa Lạc, nay là đại lộ Thăng Long. Chủ trương của Chính phủ cho phép Bộ Giao thông vận tải và TP Hà Nội thực hiện đầu tư con đường này bằng nguồn lực khai thác chủ yếu theo cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”. Trong số 7.500 tỷ đồng tổng mức đầu tư toàn tuyến, chỉ có 1.800 tỷ đồng từ nguồn vốn do Trung ương cấp; vốn ngân sách của TP Hà Nội (trước thời điểm mở rộng địa giới) được khai thác từ quỹ đất là 1.658 tỷ đồng; vốn khai thác từ quỹ đất trên địa bàn tỉnh Hà Tây khi đó là 4.028 tỷ đồng. Nhưng thực tế, ngoài nhà đầu tư là Tổng Công ty Vinaconex được giao đất đổi lấy tiền đầu tư vào công trình, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng UBND tỉnh Hà Tây đã giao đất cho các đơn vị không phải là nhà đầu tư đường Láng-Hòa Lạc với tổng diện tích 746,8 ha, gồm: Khu đô thị Nam An Khánh, đô thị Sơn Đồng, Dương Cốc, Quốc Oai... khi chưa xác định đủ quỹ đất để tạo vốn xây dựng đường Láng - Hòa Lạc. Việc làm này không đúng với chủ trương và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 3758/VPCP-CN ngày 22-8-2001 của Văn phòng Chính phủ và Quyết định số 22/2003/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.

Đại lộ Thăng Long được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách.

Nhắc lại điều này, để bạn đọc thấy rõ rằng, cách làm đó một mặt đã làm thất thoát cả ngàn tỷ đồng lẽ ra có thể bù đắp cho nguồn vốn ngân sách hạn hẹp để đầu tư cho tuyến đường. Nguồn lợi đó có được chính là từ lợi thế thương mại do việc đầu tư xây dựng tuyến đường Láng-Hòa Lạc tạo ra. Vì thế, dù  các nhà đầu tư phải hoàn trả tiền đất với mức xứng với lợi thế thương mại của các khu đất được giao để đầu tư trở lại con đường cũng là hợp với lo-gic và nguyên tắc tài chính. Mặt khác, việc giao 746,8 ha đất cho các nhà đầu tư làm đô thị mà bỏ qua trách nhiệm góp vốn làm đường Láng-Hòa Lạc đã tạo sự không công bằng trong môi trường thu hút đầu tư, trong khi ngân sách thì bị thất thu đúng như đánh giá của Thanh tra Chính phủ. Cần phải nói thêm rằng, không chỉ 746,8ha đất đã nói trên được hưởng lợi thế thương mại do tuyến Láng - Hòa Lạc tạo ra, mà còn cả ngàn ha đất hai bên đường trong đó có cả các hộ dân vốn sinh sống tại các địa phương dọc tuyến cũng được hưởng lợi. Nếu khai thác tốt quỹ đất hai bên đường đó một cách khoa học, đúng quy hoạch, thì rõ ràng một nguồn lực không hề nhỏ cho phát triển Thủ đô và kinh tế vùng đáp ứng kỳ vọng của người dân và Chính phủ.

Không thu phí đại lộ, vẫn có tiền đầu tư

Không phải vô tình nói đến nguồn lực đầu tư đường Láng-Hòa Lạc ở thời điểm hiện nay. Vì chính nguồn vốn đầu tư có can hệ trực tiếp tới việc áp dụng các quy định của pháp luật để đi đến quyết định được phép thu phí hay không thu phí tuyến đại lộ này. Nếu căn cứ vào nguồn lực đầu tư cho tuyến đường (trong đó có gần 5.700 tỷ đồng vốn ngân sách của Hà Nội), chiểu theo quy định tại Thông tư 197 về quản lý, sử dụng phí đường bộ của Bộ Tài chính trong đó có nội dung không cho phép thu phí đường bộ đối với các tuyến đường được đầu tư bằng tiền ngân sách, thì đề xuất thu phí trên đại lộ Thăng Long của Hà Nội là khó thuyết phục. Bởi lẽ, người tham gia giao thông đã nộp phí đường bộ qua đầu phương tiện rồi thì không lý gì khi đi trên đường họ lại phải nộp thêm một khoản phí khác (qua trạm thu) nữa. Hơn nữa, chính thành phố cũng đã nhiều lần lên tiếng kiến nghị bỏ một số trạm thu phí trên các tuyến cửa ngõ vào trung tâm nhằm nâng cao năng lực thông qua giao thông, tiết giảm chi phí cho vận tải, đặc biệt là hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông vốn nhức nhối nhiều năm qua. Đáp lại mong muốn này, nhiều trạm thu phí xung quanh Hà Nội đã lần lượt được dỡ bỏ và tình hình giao thông đã cải thiện đáng kể.

Vậy lý gì mà Hà Nội vẫn đề xuất thiết lập trạm thu phí trên đại lộ Thăng Long? Theo diễn giải của lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thì việc thu phí nhằm vào những đối tượng tham gia giao thông muốn có dịch vụ chất lượng cao (chạy xe tốc độ cao, dịch vụ thông tin về tình trạng giao thông trên đường...), còn ai không muốn trả phí thì cứ việc đi trên hệ thống đường gom. Nhưng bản chất vấn đề theo tìm hiểu của chúng tôi, đề xuất trên xuất phát từ áp lực cần nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông của thành phố hiện rất cấp thiết (khoảng 5000 tỷ đồng mỗi năm). Mặt khác, vận hành một tuyến đại lộ lớn như vậy hết sức tốn kém thì lẽ đương nhiên là cần một khoản tiền không nhỏ cho duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

Như thế, việc thu phí trên đại lộ Thăng Long là không dễ quyết bởi nguồn đầu tư tuyến này bằng vốn ngân sách trong khi Nghị định 18 của Chính phủ về thu phí bảo trì đường bộ và Thông tư 197 của Bộ Tài chính đang có hiệu lực pháp luật. Vấn đề đặt ra, là nguồn tiền không chỉ đầu tư cho hạ tầng giao thông mà trước mắt để duy tu bảo dưỡng đại lộ Thăng Long sẽ lấy từ đâu? Tiến sĩ Doãn Minh Tâm, chuyên gia cao cấp về giao thông đường bộ cho rằng: Đại lộ Thăng Long được đầu tư từ ngân sách, khác hẳn so với các tuyến đường xây dựng theo cơ chế đầu tư - khai thác - chuyển giao. Vì thế, không thể áp dụng việc thu phí trên đại lộ Thăng Long giống như việc vận hành thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình gần đây được.

Muốn có nguồn tiền để duy tu bảo dưỡng vận hành đại lộ Thăng Long, Hà Nội cần phải trở về với cội rễ của cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Hanh bày tỏ. Sở dĩ Chính phủ cho phép và cổ vũ các địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo trong khai thác các nguồn lực hiện có của từng địa phương trong đó quan trọng là nguồn quỹ đất, không chỉ do nguồn ngân sách hạn hẹp, mà chính là vì nhìn thấy giá trị to lớn của đất đai trong công cuộc đổi mới. Nhưng đất đai chỉ trở thành nguồn lực lớn, nếu biết quy hoạch, sử dụng nó một cách khoa học, hiệu quả. Việc xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương không dùng tiền ngân sách là một ví dụ điển hình. Còn tại Hà Nội, trước thời điểm mở rộng địa giới hành chính, đã có tới 750 dự án trong đó cả trăm dự án được cấp phép chóng vánh đã để lại hậu quả như thế nào thì đã thấy rõ! Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp hữu ích nên bắt đầu từ văn bản của Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, UBND thành phố Hà Nội phối hợp kiểm tra, tính toán và yêu cầu các chủ đầu tư dự án đã được giao đất dọc đại lộ Thăng Long góp vốn đã khai thác từ quỹ đất được giao để đầu tư cho hạ tầng giao thông, trong đó có duy tu bảo dưỡng tuyến đường này. Làm như thế, vừa tránh được thất thu cho Nhà nước, đảm bảo sự công bằng và không phải thu thêm một lần phí làm ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người dân

Khánh Chi
.
.
.