Từ chối 7.000 cây vàng để giữ vườn cò

Thứ Hai, 25/10/2010, 10:13
Thương đàn cò mồ côi bị người ta đặt bẫy, giương súng hạ sát hằng ngày, ông dang tay đón chúng về. Cũng vì thương cò mà lúc đứng trước cao điểm khó khăn với mẹ cha già yếu, vợ mọn con đau cần tiền để trang trải cuộc sống, thuốc men và việc học nhưng ông thẳng thắn khước từ số tài sản kếch xù, gần 7.000 cây vàng mà các vị đại gia ra giá, để được sở hữu vườn cò.

Ông là Nguyễn Văn Ký, thường gọi "Hai Ký", chủ nhân vườn cò Hồng Ký ở phường Long Thạnh Mỹ, quận Thủ Đức, TP HCM.

Ở tuổi 72 nhưng ông Ký trông rất tráng kiện, cơ bắp săn chắc, thao tác hoạt bát, động thái dứt khoát, mạnh mẽ. Nói chuyện ngày cò về, ông Hai nhớ lại: "Để cải thiện cuộc sống gia đình, khoảng năm 1980, tôi cải tạo 2,5ha ruộng lúa lớp làm ao cá, lớp trồng cây ăn trái. Khi hàng chục gốc dừa đơm trái thì cũng là lúc đàn cò cả trăm con không biết từ đâu về làm tổ trên ngọn dừa. Theo thời gian cò về ngày một nhiều, chúng đậu trắng trên các đọt dừa nên tôi lo lắm. Tôi sợ chúng phá hoại vườn dừa, bắt sạch ao cá nhưng điều lạ là đàn cò rất ngoan, chúng không hề làm tôi và nhiều hộ dân xung quanh phiền lòng gì cả".

Qua tìm hiểu, ông Ký mới biết đàn cò mồ côi hàng trăm con là "cư dân" của nông trường dừa nằm cách mảnh vườn của gia đình ông khoảng 2km. Nhưng do vườn dừa bị người ta quậy quá, cò sợ nên chúng tản đi tìm nơi ở mới.

"Trước tình cảnh của đàn cò, từ ý định xua đuổi, vợ chồng tôi bàn với nhau giữ cho đất lành để chúng yên tâm tề tựu. Đây cũng là lúc nhiều người ở gần xem đàn cò là mồi nhậu, là nguồn thu nhập đầy hứa hẹn. Khuyên tôi bắt cò bán cho quán nhậu không xong, rồi họ càn quấy giăng bẫy, giương súng vào đàn cò… Phá ban ngày không được thì người ta chờ đêm đến ra tay"- bà Hồng, vợ ông Ký, nhớ lại.

"Đàn cò côi cút, có bĩ cực, lâm nguy mới tìm đến mình nhờ cậy, vậy mà tại nơi ở mới chúng cũng không được yên thân. Nếu không được bảo vệ, rồi số phận chúng sẽ ra sao". Càng nghĩ, ông Hai Ký càng thương đàn cò nhưng với biện pháp bảo vệ như hiện tại, vợ chồng ông biết khó có thể gìn giữ sự bình yên cho chúng.

Ông Hai, kể chuyện với giọng cười khùng khục: "Qua quan sát, tôi thấy dân săn cò chủ yếu là kiếm mồi nhậu, nên hễ có người lén vào vườn săn cò bị bắt quả tang, tôi không la lối, kiện tụng gì mà nhẹ nhàng mời họ vào nhà uống nước, rồi phân tích cho họ thấy cái sự tội nghiệp của đàn cò. Tôi bỏ nhỏ với họ khi nào cần rượu, cần mồi cứ qua nhà tôi mà lấy. Cá sẵn dưới ao đấy, chỉ việc bủa chài, thả lưỡi câu xuống mà lai rai thôi… Với chiêu này, những phường săn ngày nào bất ngờ và chẳng bao lâu sau họ gác kiếm vì không nỡ làm vợ chồng tôi buồn lòng, thất vọng".

Từ những cánh cò lạc lối, được ông Hai Ký "cưu mang", đàn cò nay phát triển thành bầy lớn.

Cảm nhận sự chở che của vợ chồng nông dân Hai Ký nên đàn cò rủ bạn về ngày một đông. Thời gian đầu chỉ có cò trắng, cò bợ, cò vàng nhưng sau đó có sự góp mặt của nhiều loài chim cò khác như chim nước, giáng se, cò ruồi, cò Java, cò quắm... Ngoài ra còn có sự hiện diện của một số loài chim rừng như đại bàng, diều hâu, chim cú…

Trên chiếc xuồng ba lá thả trôi giữa dòng sông Tắc trong trời chiều lộng gió đặng ngắm cò về, ông Hai khoe: "Năm 2005, nhiều chuyên gia nước ngoài đến tham quan, khảo sát vườn cò và ước chừng có khoảng 20.000 con. Bây giờ, chắc con số ấy bị bỏ xa nhiều lắm. Quanh đây bà con nuôi cá nuôi tôm ầm ầm nhưng chúng chẳng bao giờ xâm phạm, chỉ đi kiếm ăn xa. Có những lúc bị trọng thương, chúng cũng kè nhau bay về đây để được chăm sóc".

Giữa thành phố náo nhiệt nhất nước có khu vườn cò sinh thái thơ mộng, bình yên đã thu hút nhiều cư dân thành phố và nhiều tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh… đến tham quan. Khách đến tham quan vườn cò còn được vợ chồng ông Hai khoản đãi bằng những câu chuyện kỳ thú liên quan đến tập tính của từng giống cò. "Cò là loài hiền lành, sống có ý thức kỷ luật bầy đàn rất cao. Chúng không có kiểu mạnh hiếp yếu, cướp tổ, cướp trứng… như những loài khác. Khi có một con trong đàn bị trọng thương, chúng sẽ cố kè đồng đội về vườn để lánh nạn. Lúc cò con đến kỳ tập bay, chưa có hiệu lệnh của mẹ mà cò con đập cánh, nó sẽ bị trừng phạt rất nghiêm khắc bằng những cú mổ chí mạng" - ông Hai hào hứng kể chuyện.

Trời về chiều, từ những phương trời xa, những đàn cò sau ngày dài bươn chải về tổ. Chúng tụ bầy trông xa như những áng mây trắng... Có đắm mình trong khung vi diệu ấy mới hiểu vì sao đã có lúc ông Hai thẳng thắn khước từ lời ngỏ mua lại vườn cò giá 7.000 cây vàng của một đại gia.

Nhắc lại chuyện này, ông Hai nheo mắt cười: "Tiền thì ai hổng ham nhưng tui nghĩ họ bỏ tiền là để mua đàn cò chứ không phải mua miếng vườn bởi giá trị đất khi ấy chẳng là bao. Cứ nghĩ khi mình bán đi rồi, chẳng biết số phận đàn cò sẽ ra sao, chúng sẽ bị người ta xáo măng hết sạch hay rồi họ sẽ rào chắn lại, bán vé thu tiền, khi ấy, chỉ những người giàu có mới được quyền thăm cò, còn dân nghèo như tôi thì biết đời nào vào được… Và vì những lý do ấy, tôi từ chối lời đề nghị. Khi ấy ai cũng bảo tôi khùng nhưng cái tôi được rất lớn. Tuy không giàu có gì nhưng đàn cò đã cho gia đình tôi cuộc sống bình yên với mô hình vườn du lịch sinh thái, với những người bạn yêu thiên nhiên, yêu những cánh cò hiền lành, thơ mộng"

T.D.
.
.
.