Từ 1/7/2006: Bắt đầu áp dụng "sổ hồng"

Thứ Ba, 20/06/2006, 08:59

Từ ngày 1/7, Luật Nhà ở có hiệu lực. Một trong những nội dung được chú ý nhất là thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng).

Theo quy định, trên "sổ hồng" sẽ thể hiện các thông tin về hiện trạng nhà ở (diện tích, tầng cao, kết cấu chính), diện tích thửa đất, tên chủ sở hữu... và được coi là có giá trị pháp lý đối với việc xác định tình trạng căn nhà. Hồ sơ xin cấp và mẫu "sổ hồng" đều do Bộ Xây dựng ban hành và được áp dụng thống nhất trên cả nước. Sự khác biệt chính giữa việc cấp "sổ hồng" theo Luật Nhà ở so với giấy chứng nhận cấp theo Luật Đất đai hiện nay là nhà ở (tài sản trên đất) được chứng nhận quyền sở hữu thay vì được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Khi Luật Nhà ở có hiệu lực, những quy định trong Nghị định 95/CP cũng về việc cấp sổ hồng sẽ được bãi bỏ. "Sổ đỏ" cấp theo Luật Đất đai hiện hành vẫn sẽ có giá trị ghi nhận tài sản trên đất, nhưng nếu muốn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất trong trường hợp có nhu cầu giao dịch, thế chấp người dân sẽ phải xin cấp thêm giấy chứng nhận mới. Những trường hợp đã được cấp sổ hồng theo Nghị định 60/CP và theo Nghị định 95/CP hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi nhận nhà ở theo quy định của pháp luật về đất đai trước đây sẽ vẫn có giá trị sử dụng, tuy nhiên nếu có nhu cầu cũng sẽ được cấp lại.

Đối tượng được cấp “sổ hồng” là các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam có nhà ở được tạo lập thông qua đầu tư xây dựng, mua, được tặng, được thừa kế hoặc đổi nhà ở. Cá nhân đề nghị cấp giấy sẽ nộp hồ sơ và kinh phí cho cơ quan có thẩm quyền, trong đó có bản sao giấy tờ về tạo lập nhà ở, bản vẽ sơ đồ nhà đất.

Đối với nhà ở đã được tạo lập từ trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành, cá nhân xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà phải có giấy tờ về tạo lập hợp pháp nhà ở. Đó có thể là giấy phép xây dựng nhà ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi nhận tài sản trên đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định theo Luật Đất đai hoặc có tên trong sổ địa chính đối với nhà đã được xây dựng trước ngày 1/7/2004.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp quận, huyện phải thực hiện việc cấp “sổ hồng” cho chủ sở hữu. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày ký giấy chứng nhận, phòng quản lý nhà cấp quận, huyện phải gửi thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu biết các nghĩa vụ tài chính phải nộp theo quy định pháp luật. Trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về các nghĩa vụ tài chính, chủ sở hữu phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính đó.

Quá thời hạn, hồ sơ đã nộp mặc nhiên hết giá trị, nếu có nhu cầu cấp giấy chủ sở hữu sẽ phải làm lại hồ sơ. Kinh phí cấp giấy chứng nhận lần đầu là 100.000 đồng/giấy, các lần sau là 50.000 đồng/giấy.

Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) sẽ không còn hiệu lực pháp lý trong các trường hợp nhà ở bị tiêu hủy hoặc bị phá dỡ; nhà ở bị tịch thu hoặc trưng mua theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; nhà ở được xây dựng trên đất thuê đã hết thời hạn thuê đất mà không được ai gia hạn thuê tiếp hoặc không được chuyển sang hình thức giao đất để sử dụng ổn định lâu dài; nhà ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nhưng bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi do cấp không đúng thẩm quyền, người được cấp giấy chứng nhận không đúng đối tượng, nhà ở được ghi trong giấy chứng nhận không đúng với hiện trạng khi cấp giấy hoặc nhà ở xây dựng trong khu vực đã bị cấm xây dựng nhà ở; nhà ở có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nhưng đã được cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở khác một cách hợp pháp

A.V.
.
.
.