Truyền thông góp phần vào việc đầu tư, quản lý hạ tầng giao thông minh bạch, hiệu quả

Thứ Năm, 05/09/2019, 06:11
Ngày 4-9, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng”. Tại đây, vấn đề cung cấp thông tin, tuyên truyền về hạ tầng giao thông đã được các chuyên gia, nhà đầu tư và đại diện các cơ quan báo chí-truyền thông chỉ ra.


Thiếu chế tài xử lý với BOT

Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực, báo chí cũng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để nhân dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Trên thực tế, có nhiều góc nhìn khác nhau về những câu chuyện liên quan đến hạ tầng giao thông. Đặc biệt, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, tin giả tràn lan, dư luận đã nhiều phen dậy sóng... khiến nhiều vụ việc bị đẩy đi quá xa. Điều đó dẫn tới hệ lụy cho những “người trong cuộc” (từ các nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư tới các doanh nghiệp, người dân…).

Dự án BOT hầm Đèo Cả.

Đứng về phía hiệp hội, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam nhìn nhận, các dự án PPP triển khai trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều vướng mắc về thể chế, chính sách. Theo ông Chủng, các vấn đề vướng mắc chủ yếu là công tác lựa chọn nhà đầu tư, quy định về quản lý sử dụng vốn đầu tư, chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa nhà nước và các nhà đầu tư còn xung đột mà chưa có chế tài khắc phục.

Ngoài ra còn có các vướng mắc về vay vốn tín dụng và đặc biệt là bất cập của các trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án, giá của dịch vụ đã gây ra nhiều xung đột dẫn đến những đánh giá chưa thực sự khách quan về các loại dự án BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) đã hoàn thành. "Chính vì vậy, việc vi phạm hợp đồng BOT xảy ra khá nhiều trong thời gian qua mà không có chế tài xử lý. Tôi đề nghị cần có bộ phận chuyên nghiệp và có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm để tập trung thương thảo và chuẩn bị các hợp đồng", ông Chủng nói.

Về chế tài xử lý, ông Chủng thẳng thắn: "Chúng ta thường nói với nhau thích thì kiện ra tòa, nhưng không phải cứ lôi nhau ra tòa khi nào cũng được. Tôi đề nghị Luật PPP sắp tới có thể đưa thiết chế hòa giải tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam khi có tranh chấp trong các hợp đồng BOT rói riêng và hợp đồng theo phương thức PPP nói chung''.

Trước ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GTVT – Lê Đình Thọ cho rằng, một trong những giải pháp huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông là PPP. Hình thức PPP đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng (đặc biệt là các nước đang phát triển).

Hiện Việt Nam có trên 500.000km đường quốc lộ và mỗi năm làm mới 500km, còn lại tích tụ theo lịch sử, đến nay có mạng lưới giao thông hoàn chỉnh và chất lượng các tuyến đường, nhưng mới đạt 35% theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đưa ra. Nếu không huy động vốn BOT thì khó hoàn thành được 2 con đường huyết mạch là QL14 và QL1. Ông Thọ cũng cho rằng, hiện chúng ta đang có 2 hình thức thu phí là thu phí hở và kín.

Thu hở phải áp dụng những đường hiện hữu khi được nâng cấp, không mang tính chất tuyệt đối được, rất cần nguyên tắc về chia sẻ thu kín như đầu tư đường cao tốc, phương tiện đi kilômet nào trả tiền kilômet đó và họ có sự lựa chọn, tuyệt đối hơn “Một con đường hiện hữu nhưng chưa được đầu tư nâng cấp cải tạo, nếu không áp dụng BOT rất khó, nếu trông chờ ngân sách không biết đến bao giờ mới có con đường như hiện nay”, ông Thọ nhấn mạnh.

Cần môi trường chính sách ổn định

Đại diện nhà đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã chỉ ra những khó khăn bất cập của BOT, đặc biệt việc thường xuyên thay đổi cơ chế chính sách đầu tư BOT theo hướng quản lý của vốn ngân sách Nhà nước gây ảnh hưởng lớn đến quản lý dự án và không phù hợp với thông lệ quốc tế, không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Còn theo TS kinh tế Trần Đình Thiên, môi trường chính sách của Việt Nam chưa được ổn định, việc chỉnh sửa vẫn còn xung đột với nền tảng cũ, gây khó khăn cho các nhà đầu tư dẫn đến rủi ro. Do đó, cần phải thay đổi tư duy làm luật vì không thể điều chỉnh điều này điều kia để được lợi ở dự án này, nhưng có thể sẽ làm hỏng các dự án khác. Những dự án BOT được coi là sứ mệnh quốc gia, nhưng hiện nay vẫn mạnh ai nấy làm không có tính quốc gia, chia sẻ.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đa số đại biểu cùng tham dự hội thảo cho rằng, các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng cần thông tin rộng rãi chủ, chính sách, pháp luật, định hướng phát triển hạ tầng giao thông (trong đó, chú trọng đến chính sách đầu tư, cơ chế công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án ở Việt Nam) để nhân dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

“Mặt khác, đội ngũ người làm báo cần nhận thức rõ, việc huy động vốn theo hình thức đối tác công-tư là chủ trương đúng đắn, góp phần giải quyết vấn đề hiệu quả thấp của đầu tư công, vấn đề về vốn trong đầu tư toàn xã hội. PPP đã mở ra cơ hội, điều kiện huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước”, ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Đặng Nhật
.
.
.