Trường THPT Vân Tảo - Kỳ thi “không thầy Khoa”

Thứ Tư, 02/06/2010, 16:55
Chuyện “căng thẳng” nhất xảy ra tại hội đồng thi Vân Tảo chỉ là một số thí sinh không mang đủ giấy tờ hợp lệ. Cô giáo Đỗ Thị Thu Thảo, Phó chủ tịch hội đồng thi, tất tả gọi điện cho gia đình những thí sinh ấy. Cô nói như phân trần, “nếu để lỡ vì những lý do như vậy thì là một điều rất đáng tiếc cho các em. Thế nên nhiều điều không có trong quy định nhưng hãy cứ làm theo những gì mình tin là đúng”.

Không hiểu do ngẫu nhiên hay được sắp đặt từ trước mà ngay trước kỳ thi THPT toàn quốc, chuyện thầy Khoa làm đơn xin thôi việc lại được thông tin và bình luận khá nhiều trên báo chí. Tuy nhiên, mọi chuyện đã đổi thay nhiều so với trước đây hơn 4 năm. Có người vẫn coi thầy Khoa như một người hùng, nhưng cũng có những thông tin xác thực về khả năng chuyên môn, động lực chống tiêu cực và những hạn chế trong cuộc sống của thầy Khoa.

Chúng tôi có mặt tại trường THPT Vân Tảo khi các em học sinh bắt đầu tập trung để vào phòng thi. Có lẽ không có “sự kiện” thầy Khoa, trường THPT Vân Tảo đã không trở nên nổi tiếng như thế. Tuy nhiên, trái ngược với cuộc tranh luận nóng bỏng trên báo chí, trường THPT Vân Tảo hôm nay đã trở lại đúng với không khí của một mái trường: bình yên và nghiêm túc.

7h đúng, các thí sinh tới nhận phòng thi. Ảnh: Trang Dũng.

Thầy hiệu trưởng Lê Xuân Trung cho biết năm nay hội đồng thi THPT Vân Tảo tiếp nhận 432 thí sinh chia thành 18 phòng thi. Đây là những thí sinh đến từ 4 trường THPT Nguyễn Trãi, THPT Thường Tín, THPT Vân Tảo và THPT dân lập Phùng Hưng. Để kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy định không chỉ giáo viên trong trường mà các lực lượng chức năng đã chuẩn bị hết sức chu đáo. Công tác vận động phòng chống tiêu cực trong thi cử thậm chí đã được chính quyền phối hợp với nhà trường tuyên truyền đến từng hộ dân. Không ai muốn và không thể để xảy ra tình trạng lộn xộn như 4 năm về trước.

Trước kỳ thi, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã làm đơn xin không tham gia công tác coi thi với lý do đang làm đơn xin nghỉ công tác. Lá đơn này đã được nhà trường chấp nhận.

Buổi thi đầu tiên tại trường THPT Vân Tảo đã diễn ra nghiêm túc. Mọi việc được thực hiện đúng trình tự, đúng giờ với một tinh thần có trách nhiệm cao từ phía Hội đồng coi thi cũng như phụ huynh học sinh và các thí sinh.

Lực lượng Công an có mặt từ rất sớm. Lượng phụ huynh đưa con đi thi không nhiều và đứng ở bên kia đường, cách bức tường nhà trường cả chục met. Đáng ngạc nhiên hơn là sau môn thi đầu tiên, trên sân trường cũng như ngoài cổng không hề thấy bóng dáng những “phao thi”.

Chỉ có một số em học sinh đứng rải tác trong sân trường bàn luận về đề thi văn. Đề thi được coi là phù hợp với chương trình học, có kiến thức cơ bản, có câu hỏi dành cho tư duy xã hội và cho phép thí sinh có thể lựa chọn những gì phù hợp với sức học. Cả Hội đồng thi tại THPT Vân Tảo không có thí sinh nào vi phạm. Chỉ có ba thí sinh nghỉ thi trong đó một thí sinh có phụ huynh đưa đơn đến xin nghỉ với lý do là đi viện cấp cứu.

Ông Phạm Xuân Thưởng, người bảo vệ đã gắn bó từ khi trường thành lập năm 1998 cho biết, sau vụ việc ầm ĩ năm 2006, mọi kỳ thi tại Vân Tảo đã diễn ra nghiêm túc như thế. Các giám thị đều thực hiện công việc với tất cả trách nhiệm. Không hề có thêm bất kỳ một tiêu cực nào, một hiện tượng đáng tiếc nào. Công việc của ông chỉ là bảo vệ cổng. Và không giống trước kia, giờ các phụ huynh đứng rất xa cánh cổng ấy. Không có ai vượt qua cánh cổng ấy. Và không có tài liệu nào được chuyển vào trường.

Chuyện “căng thẳng” nhất xảy ra tại hội đồng thi Vân Tảo chỉ là một số thí sinh không mang đủ giấy tờ hợp lệ. Cô giáo Đỗ Thị Thu Thảo, thư ký hội đồng, Phó chủ tịch hội đồng thi, đã tất tả gọi điện cho gia đình những thí sinh ấy. Cô nói như phân trần, “nếu để lỡ vì những lý do như vậy thì là một điều rất đáng tiếc cho các em, thậm chí nó có thể làm thay đổi cả số phận của một con người. Thế nên nhiều điều không có trong quy định nhưng hãy cứ làm theo những gì mình tin là đúng”. Dù sao, gia đình những thí sinh này cũng đưa giấy tờ đến kịp và không có thí sinh nào bỏ lỡ kỳ thi.

Giờ đây, những ầm ĩ quanh chuyện thầy Khoa dường như đã thuộc về quá khứ. Trường THPT Vân Tảo sau những gì đã xảy ra đã tìm thấy quỹ đạo chuyển động của mình dù tỉ lệ tốt nghiệp năm ngoái chỉ đạt hơn 70%, một tỉ lệ khiêm tốn so với trước kia và được liệt vào dạng thấp của thành phố Hà Nội. Và cũng có một điều khác hết sức khiêm tốn. Đó là thu nhập của những giáo viên, những người đồng nghiệp với thầy Khoa. Thầy hiệu trưởng Lê Xuân Trung cho biết mỗi giáo viên chỉ được lĩnh khoảng 2 - 2,5 triệu đồng một tháng. Tức là nếu mỗi ngày tiêu cho nhu cầu cá nhân khoảng 50 nghìn đồng thì mỗi tháng họ chỉ còn dư ra khoảng 1 triệu đồng cho gia đình và các khoản chi như ma chay, cưới xin… Như thế, tức là khó có thể mua sách, khó có thể nghe nhạc, khó có thể hưởng thụ văn hóa. Chưa kể khi ốm đau, khi có việc…

Nếu năm 2006, chuyện của thầy giáo Khoa không được các phương tiện truyền thông và cả xã hội quan tâm, chắc hẳn đã không thể có một Vân Tảo nghiêm túc như hôm nay. Nhưng khi đã đạt tới sự nghiêm túc ấy, liệu có cần thêm những chuyện ồn ào, những tuyên bố mạnh mẽ, những lời lẽ cao xa? Bản thân môi trường giáo dục vốn cần sự yên tĩnh và sự tận tâm cho công việc giảng dạy những thế hệ tương lai.

Tại thời điểm này, có sự xuất hiện của “Người đương thời” Đỗ Việt Khoa hay không chẳng còn là chuyện quan trọng nữa. Hội đồng coi thi Vân Tảo vẫn làm hết trách nhiệm của mình. Chuyện tiêu cực trong thi cử nói riêng và trong giáo dục nói chung giờ đã không còn được nhắc đến ở trường Vân Tảo nữa.

Những thí sinh đang ngồi trong kia, những cô bé, cậu bé trong lứa tuổi chuẩn bị chập chững vào đời, chỉ quan tâm đến những gì họ học được, chỉ quan tâm đến nội dung đề thi tốt nghiệp. Và quan tâm tới những hành trang mà các em có thể mang đến tương lai

Thanh Tùng
.
.
.