Trung tâm bảo trợ xã hội: Quá tải!.

Thứ Tư, 17/09/2008, 13:56
Điều mà chính quyền và ngành chức năng TP Cần Thơ lo ngại là hiện Trung tâm bảo trợ xã hội đã quá tải. Toàn trung tâm chỉ có 38 người, trong khi đó nhu cầu cho công tác chăm sóc, quản lý trực tiếp phải là 120 người. Càng khó hơn khi công việc chăm sóc các đối tượng xã hội này hiện chưa có trường đào tạo mà chủ yếu là nghề dạy nghề, lấy tình nhân ái, bao dung của mình ra xử sự với đối tượng là chính.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có khoảng 3.000 người bị bệnh tâm thần với các mức độ khác nhau và có khá đông người lang thang, không nơi nương tựa. 

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ thì cập nhật con số mới nhất với PV Báo CAND rằng, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và người tâm thần thuộc Sở đang quản lý 272 người (206 nam, 64 nữ, 2 thiếu nhi) bệnh tâm thần và 111 người (74 nam, 20 nữ và 14 thiếu nhi) lang thang. Đây là con số cao nhất kể từ thành lập Trung tâm này đến nay.

"Đổ bộ"...

Nhiều người dân Cần Thơ mấy ngày qua đã chứng kiến cảnh có một người bị bệnh tâm thần thường lân la tại góc đường Mậu Thân - 3/2 và thỉnh thoảng lại… leo lên bục dành riêng cho lực lượng CSGT để... nhìn trời, nhìn đất, thậm chí chốc lát lại đứng dậy dùng tay... điều khiển giao thông. Điều đáng nói là anh này hay "xuất hiện" tại vị trí trên vào giờ cao điểm với tình trạng toàn thân chỉ vận có chiếc... quần đùi. 

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, một số khu vực trung tâm TP Cần Thơ mà người bị bệnh tâm thần, đi lang thang thường xuất hiện gồm: Bến phà Cần Thơ, Bến Ninh Kiều, Quảng trường Công viên sông Hậu, đại lộ Hòa Bình, trước một số khách sạn lớn trên địa bàn quận Ninh Kiều. 

Cạnh đó là tình trạng người ăn xin… chuyên nghiệp. Khu vực Bãi Cát và Bến Ninh Kiều hiện có khá nhiều người đi ăn xin. Tôi từng tận mắt chứng kiến một khách du lịch nước ngoài tại khu vực nhà lồng cổ gần bến Ninh Kiều bị một người ăn xin tuổi trạc 50 chửi vì bà ta chìa nón mà không được cho tiền. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số người ăn xin chuyên nghiệp đã tự chia địa bàn ra để họat động. 

Khi nghe PV Báo CAND kể lại thực tế này, bà Lâm Nhật Phượng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ cho biết, chính bà cũng từng nghe lãnh đạo UBND TP kể và tỏ thái độ lo ngại trước dấu hiệu ngày càng có nhiều người tâm thần, người lang thang trên đường phố khu vực trung tâm trong thời gian gần đây.

Cách nay chưa lâu, bà cũng từng nghe có một xe ôtô dừng lại tại khu vực ngã ba Đầu Sờu, trên xe bước xuống toàn là người có dấu hiệu tâm thần (?). Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng tiến hành xác minh thì không phát hiện được gì.

Một cán bộ thuộc Chi cục Phòng chống TNXH thì kể lại chuyện anh tận mắt chứng kiến có một phòng trọ trên địa bàn phường Thới Bình, quận Ninh Kiều chứa đến cả chục phụ nữ lớn tuổi và nói giọng Bắc. Sáng nào cũng vậy, họ túa ra để đi ăn xin. Tuy nhiên, có lẽ sợ bị người ta dòm ngó, nhóm người này đã trả phòng, di chuyển đến nơi nào khác không rõ.

Khó khăn chất chồng...

Khi trò chuyện với PV Báo CAND, cả lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm Bảo trợ đều cho rằng, công tác quản lý các đối tượng xã hội trên địa bàn đang gặp không ít khó khăn là có nhiều nguyên nhân. "Người ta từ nơi khác đến, tìm thuê chỗ trọ để đi ăn xin thì mình đâu thể viện lý do gì để cấm, hay thu gom họ vào Trung tâm bảo trợ" - bà Lâm Nhật Phượng nói.

Còn đối với người lang thang, người bị bệnh thần, liệu mình có đủ lực lượng để làm ngày, làm đêm?. Và nếu có lực lượng, để gom một đối tượng vào Trung tâm, mình đảm bảo đúng trình tự, thủ tục pháp lý.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, khi lực lượng chức năng phát hiện, nghi ngờ người nào bị bệnh tâm thần thì đi kèm đó là người này phải có hành vi nguy hiểm cho xã hội mới đưa họ vào "tầm ngắm" thu gom; còn nếu người ta chưa có biểu hiện gì thì... huề cả phường.

Khi tạm tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm, cấp có thẩm quyền phải lập ngay Hội đồng để xác định đối tượng có bị bệnh tâm thần hay không; nếu không thì "thả" họ trở ra ngay nhưng nếu bệnh thì ở mức độ nào? Điều mà chính quyền và ngành chức năng lo ngại là hiện Trung tâm bảo trợ đã quá tải.

Q.Giám đốc Lê Trọng Hùng cho biết, theo Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ, diện tích phòng ở của đối tượng phải từ 6 - 8m2/người nhưng hiện tại chỉ 2m2/người. Đội ngũ phục vụ của Trung tâm lại hụt hẫng đáng ngại.

Toàn trung tâm, tính cả Q.Giám đốc mới được 38 người, trong khi đó nhu cầu cho công tác chăm sóc, quản lý trực tiếp phải là 120 người. Càng khó hơn khi công việc chăm sóc các đối tượng xã hội này hiện chưa có trường đào tạo mà chủ yếu là nghề dạy nghề, lấy tình nhân ái, bao dung của mình ra xử sự với đối tượng là chính.

Không phải chỉ thường xuyên tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm trên cơ thể đối tượng mà đã có nhiều nhân viên của trung tâm bị đối tượng đánh, cắn, gây trầy xước, chảy máu.

Ông Hùng kể thêm, hiện tại Trung tâm, người có HIV (có hồ sơ quản lý) là trên 30 và con số thực tế có thể gần gấp đôi. Không phải lúc nào đối tượng vào đây cũng được xét nghiệm, đôi khi phải chờ tới đợt, phải theo tỉ lệ ấn định... Mỗi năm, có khoảng 10 người tại Trung tâm ra đi vì AIDS giai đoạn cuối....

Bà Lâm Nhật Phượng cho biết, giải quyết cho "trôi" đối với các đối tượng xã hội không phải là chuyện đơn giản. Khó nhưng đáng mừng là tập thể cán bộ, nhân viên tại Trung tâm đã chung tay vượt khó bằng nội lực, tấm lòng của mình, điều trị hàng trăm đối tượng phục hồi sức khỏe tâm thần, giúp họ làm quen, học các lớp nghề như sửa xe gắn máy, gia công mộc, làm nhang... Đã có nhiều đối tượng trở lại, tái hòa nhập với cộng đồng...

Binh Huyền
.
.
.