Quốc hội chính thức xem xét đồ án quy hoạch chung thủ đô

Trung tâm Chính trị quốc gia ở Ba Đình

Thứ Năm, 03/06/2010, 08:27
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình báo cáo này trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết: Về phân bố không gian đô thị, Thủ đô được xây dựng phát triển bền vững theo mô hình: đô thị trung tâm hạt nhân kết nối với 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn khác thuộc khu vực nông thôn. Đây là mô hình phù hợp khi tốc độ tăng GDP của Hà Nội sẽ vào khoảng 8% trong thời kỳ 2020 - 2030, GDP bình quân đầu người vào năm 2030 khoảng 11.000 USD.

Không để “các nhóm lợi ích” tác động

Cũng vào năm 2030, dân số Thủ đô đạt khoảng 9 - 9,2 triệu người; đất xây dựng nông thôn cần từ 39.000 - 40.000ha…

Bản Đồ án Quy hoạch đã phác thảo nên các trục không gian hướng Đông Tây như trục Thăng Long, trục quốc lộ 32, Láng - Hòa Lạc, trục quốc lộ 6… Trong đó, trục Thăng Long kết nối từ đường Hoàng Quốc Việt đến quốc lộ 21, kết nối Ba Vì với khu vực Hồ Tây, với vai trò chính là trục giao thông nhưng cũng là trục hành lang hạ tầng kỹ thuật chính. Báo cáo Quốc hội lần này, thuyết minh Đồ án khẳng định vị trí Trung tâm Chính trị quốc gia vẫn được xác định tại quận Ba Đình. Đồng thời, dành khu đất dự trữ tại Ba Vì để sau năm 2050 xây dựng các cơ quan Chính phủ. Tổng kinh phí xây dựng hạ tầng khung từ 2010 - 2030 là khoảng 60 tỷ USD, đến 2050 tăng thêm khoảng 29,9 tỷ USD, trong đó giao thông chiếm khoảng 16,8 tỷ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, lần này Chính phủ trình bản Đồ án để Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp thu và yêu cầu liên danh tư vấn hoàn thiện quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2010.

Đại biểu Quốc hội xem mô hình quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tránh để xáo trộn về tâm lý và gây đột biến giá đất

Trình bày ý kiến của Ủy ban Kinh tế về bản Đồ án này, Chủ nhiệm Ủy ban Hà Văn Hiền đề nghị: Quá trình thực hiện Đồ án cần bảo đảm đúng quy định của Luật Quy hoạch đô thị về việc công bố lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện Đồ án. Mặt khác, cần nghiên cứu biện pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giải thích những định hướng của Đồ án để cơ quan, tổ chức và nhân dân nhận thức đúng, qua đó tránh sự xáo trộn về tâm lý của nhân dân, tránh lợi dụng, tạo đột biến về giá đất, về thị trường bất động sản. Đặc biệt, cần đề phòng những tác động không đúng đắn của các nhóm lợi ích ảnh hưởng tới các định hướng của Đồ án quy hoạch. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ hơn nữa "tính Hà Nội" và làm nổi bật định hướng bảo tồn bản sắc các vùng, khu vực trong Thủ đô.

Về Trung tâm Hành chính quốc gia mới, một số thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ cơ sở quy hoạch trung tâm này tại Ba Vì, trong khi Trung tâm Chính trị vẫn ở Ba Đình. "Nếu đặt Trung tâm Hành chính quốc gia tại Ba Vì thì không phù hợp cả về yếu tố lịch sử, văn hóa và quốc phòng an ninh"- Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế lên tiếng.

Ủy ban Kinh tế cũng tỏ ra băn khoăn khi đề nghị cần làm rõ ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng trục Thăng Long, nhất là cần đặt trong quy hoạch các trục giao thông chính song song và gần với trục Thăng Long và diện tích đất nông nghiệp cần thu hồi để làm đường. Theo lý giải của Ủy ban Kinh tế thì hiện nay đã có khá nhiều trục song song với trục này (trong đó, chỉ cách trục 4km có đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, QL 32). Về con số 90 tỷ USD tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2010 đến 2050, cơ quan thẩm tra cho rằng cần tính toán kỹ hơn nữa. Phải căn cứ vào những công việc cần phải làm để đạt được mục tiêu của quy hoạch chứ không phải căn cứ vào những nội dung có thể làm được.

Để bảo đảm Đồ án quy hoạch này được thực hiện nghiêm và không ảnh hưởng đến đời sống, đến đầu tư phát triển sản xuất trong quá trình thực hiện quy hoạch, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có văn bản riêng quy định về việc quản lý thực hiện Đồ án quy hoạch này theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Cần hết sức chú ý vấn đề quản lý triển khai sau khi quy hoạch được duyệt, khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý, kỷ luật không nghiêm, tính nhiệm kỳ, dễ dàng điều chỉnh trong tổ chức thực hiện quy hoạch, gây lãng phí tiền của của Nhà nước.

Hôm nay 3/6, Quốc hội sẽ dành 1 buổi chiều để thảo luận ở tổ về bản Đồ án quy hoạch này.

Các trục hướng tâm và hệ thống đường chính đô thị

Bản đồ án phác thảo các trục không gian hướng Đông Tây có trục Thăng Long, trục quốc lộ 32, trục Láng - Hòa Lạc, trục quốc lộ 6 như sau:

Trục Thăng Long: được xây dựng kết nối từ đường Hoàng Quốc Việt đến quốc lộ 21, kết nối Ba Vì với khu vực Hồ Tây - Ba Đình. Trục Thăng Long với vai trò chính là trục giao thông phục vụ cho các loại phương tiện đi lại, cũng là trục hành lang hạ tầng kỹ thuật chính (gồm hệ thống ngầm như: cấp nước, thoát nước và các hệ thống cáp kỹ thuật…); hỗ trợ các tuyến Láng Hòa Lạc, quốc lộ 32 phát triển các đô thị vệ tinh Sơn Tây dân số >18 vạn người và Hòa Lạc dân số khoảng 60 vạn người. Kết nối với các tuyến giao thông Bắc Nam như: đường Hồ Chí Minh, đường 21, đường cảnh quan Bắc Nam, đường vành đai 4… phát triển các vùng Sơn Tây, Phúc Thọ, Ba Vì, Quốc Oai; kết nối các đô thị vệ tinh và sinh thái rút ngắn sự chênh lệch về kinh tế giữa trung tâm thành phố với các khu vực ngoại thành; kích cầu phát triển kinh tế dịch vụ, hàng hóa, vận chuyển nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp ở phía Tây thành phố. Ngoài ra sẽ hỗ trợ phát triển vùng phía Tây Bắc thuộc Vĩnh Phúc, Phú Thọ theo các hướng kết nối Bắc Nam. Ngoài ra trục Thăng Long cũng kết nối văn hóa Thăng Long - Hà Nội với văn hóa xứ Đoài.

Đoạn đi qua chuỗi khu đô thị mới phía Đông dọc đường vành đai 4 sẽ xây dựng một số công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử, giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có đài Độc lập và hệ thống công viên cảnh quan… Kết thúc trục Thăng Long là khu vực đất dự trữ xây dựng các công trình của Chính phủ sau năm 2050, bao gồm trụ sở của các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, các công trình văn hoá và sẽ có các khu dân cư. Trung tâm Chính trị quốc gia vẫn ở khu Ba Đình (gồm Trụ sở Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội). 

- Các trục không gian Bắc Nam: có trục quốc lộ 3, trục quốc lộ 1A, quốc lộ 1 mới, trục Nhật Tân - Nội Bài…; Trục không gian phía Đông Bắc: có trục quốc lộ 5 nối đường Nguyễn Văn Cừ qua trung tâm quận Long Biên… sẽ hình thành các cụm tổ hợp công trình phục vụ công cộng, văn phòng theo hướng kiến trúc hiện đại, tạo điểm nhấn đô thị.

- Các trục cảnh quan: dọc các sông lớn, trong khu vực hành lang xanh, các trục không gian trong đô thị nối kết các trung tâm lớn của thành phố với các khu di tích có giá trị. Ví dụ trục kết nối từ Đền thờ Hai Bà Trưng - đầm Vân Trì - Cổ Loa - Phù Đổng; trục Hồ Tây - Cổ Loa khai thác các khu chức năng công cộng, văn hóa giải trí lớn của thành phố.

5 đô thị vệ tinh của Hà Nội

- Đô thị Hòa Lạc với động lực phát triển là: khoa học công nghệ, du lịch nghỉ dưỡng, trọng tâm là Đại học Quốc gia Hà Nội và khu Công nghệ cao Hòa Lạc, dân số dự kiến khoảng 60 vạn người. Đô thị Hòa Lạc là cửa ngõ phía Tây của Hà Nội, được gắn kết với đô thị hạt nhân bằng hệ thống giao thông tốc độ cao là đường Láng-Hòa Lạc và trục Thăng Long, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện Thạch Thất, Ba Vì và các huyện phía Đông của tỉnh Hòa Bình.

- Đô thị Sơn Tây với thành cổ Sơn Tây và làng cổ Đường Lâm là đô thị văn hóa lịch sử, với động lực phát triển là: du lịch, dịch vụ, y tế, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp sinh thái. Đô thị Sơn Tây là cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội, có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng, hỗ trợ khu vực Ba Vì, Việt Trì và Nam Vĩnh Phúc phát triển, kết nối với đô thị hạt nhân thông qua tuyến quốc lộ 32 và trục Thăng Long. Dân số dự kiến khoảng >18 vạn người.

- Đô thị Xuân Mai với động lực phát triển là: dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Đây là cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Tây Bắc thông qua hành lang quốc lộ 6, dân số dự kiến khoảng 22 vạn người.

- Đô thị Phú Xuyên - Phú Minh với động lực phát triển là: công nghiệp-đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ y tế cho cả vùng phía Nam của Hà Nội thông qua tuyến hành lang kinh tế Bắc Nam - quốc lộ 1A, dân số dự kiến khoảng 12,7 vạn người.

- Đô thị Sóc Sơn với động lực phát triển là: công nghiệp, dịch vụ, khai thác tiềm năng cảng hàng không Nội Bài. Là cửa ngõ phía Bắc Hà Nội, nối kết đô thị trung tâm hạt nhân với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc bằng hành lang quốc lộ 3. Dân số dự kiến khoảng 25 vạn người, phát triển đô thị gắn với bảo tồn khu vực núi Sóc.

Nhóm PVTS
.
.
.