Trực diện với nguy cơ... "thủng" biển

Thứ Hai, 30/07/2007, 07:42
Cái cần nhất, chiến lược nhất là phát triển nghề cá vươn khơi, xa bờ. Thế nhưng ngư dân Quảng Ninh không thực hiện được với lý do: tàu nhỏ, giá nhiên liệu tăng cao, ngư cụ lạc hậu... Nên mới "thủng" biển ở ngư trường lớn, nhường chỗ cho các tàu cá nước ngoài.

Thiên nhiên ưu ái cho Quảng Ninh một vùng đất với biển bao bọc, liền kề với vịnh Bắc Bộ được coi là vựa cá lớn nhất miền Bắc, lại có nhiều bãi triều, sông suối, ao hồ rất đa dạng. Đây là những điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế thuỷ sản (KTTS) dưới mọi hình thức để trở thành một trong số ít ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Vậy nhưng đến thời điểm này, bức tranh KTTS của Quảng Ninh vẫn còn những khó khăn, bất cập.

Qua rồi thời "hoàng kim"

Đỉnh cao của ngành Thuỷ sản Quảng Ninh đạt được là giai đoạn từ năm 2000-2003. Thời đó, giá trị KTTS chiếm tỷ lệ tương đương với 1/3 so với tổng mức GDP địa phương. Riêng kim ngạch xuất khẩu đã là trên 20 triệu USD mỗi năm, chưa kể xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc chưa có số liệu thống kê.

Mặt khác, chuỗi tăng trưởng tự nhiên của ngành này cũng rất ấn tượng, các kỷ lục lập được từ năm trước, năm sau liền bị phá. Đi đâu trong tỉnh cũng nghe nói tới chuyện tàu bè, lưới, phao, đầm ao, cá mú... Đời sống ngư dân, kể cả nông dân quản canh cũng giàu lên trông thấy.

Thật không ai ngờ, từ đó đến nay, KTTS càng ngày càng chững lại. Đến năm 2007 thì có thể gọi là sa sút trầm trọng. Bằng chứng là kết quả kinh tế - xã hội của Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng của nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp chỉ tăng 0,5%. So với chỉ tiêu được giao từ 4-4,5% thì chỉ số đạt được không đáng gọi là kết quả.

Hàng loạt dự án về thuỷ sản trước nhộn nhịp bao nhiêu thì nay lặng lẽ bấy nhiêu. Thậm chí nhiều chủ dự án (nhất là lĩnh vực nuôi tôm xuất khẩu) đã âm thầm chịu cay đắng rút lui sau khi đã đầu tư tiền tỷ vào đầm vẫn liên tục thất bát.

"Thủng biển" - nguy cơ có thật

Nguyên nhân đầu tiên được đưa ra là tỉnh này thiếu quy hoạch căn bản và mang tính chiến lược về phát triển thuỷ sản. Nói cách khác, sự tăng trưởng ào ạt về giá trị KTTS trong những năm 2000-2003 chỉ là dấu hiệu của sự phát triển nóng. Kể từ đó, những cánh rừng ngập mặn, các vùng đồng trũng trước trồng cói làm nguyên liệu cung cấp cho ngành thủ công mỹ nghệ cũng dần dần biến mất.

Thay vào đó là hàng loạt ao đầm nhân tạo thi nhau mọc lên. Trên thực tế, mấy năm qua, ngành thuỷ sản Quảng Ninh cũng đã lao tâm khổ tứ với người dân đủ thứ chuyện, từ tư vấn kỹ thuật đến hỗ trợ con giống lẫn phòng ngừa dịch bệnh... nhưng hiệu quả vẫn không cao.

Đối với ngư dân "chính quy" cũng vậy. Cái cần nhất, chiến lược nhất là phát triển nghề cá vươn khơi, xa bờ, vừa thì chẳng mấy ai quan tâm. Nói đúng hơn là ngư dân không đủ sức thực hiện với những lý do: tàu nhỏ, giá nhiên liệu tăng cao, ngư cụ lạc hậu, thiết bị kỹ thuật không bảo đảm...

Cái giá của sự buông xuôi này là "thủng biển" ở ngư trường lớn, nhường chỗ cho các tàu cá nước ngoài. Trong khi vùng gần bờ ngày càng quá tải, cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản.

Theo Sở Thuỷ sản Quảng Ninh, mỗi năm, bằng nguồn ngân sách dự phòng đã mua để thả xuống môi trường tự nhiên biển hàng vạn con tôm, cua, cá giống với hy vọng chúng sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở mang lại nguồn lợi cho con người.

Nhưng theo một số liệu khác, cả tỉnh hiện có hơn 7.000 tàu khai thác thuỷ sản với hơn 30.000 ngư dân sống chủ yếu bằng nghề khai thác, song chỉ có hơn 300 tàu khai thác xa bờ mà thôi. Số quá lớn còn lại chỉ là các tàu khai thác ven bờ và tàu thu mua thuỷ sản.

Với cung cách đánh bắt, thu mua như vậy, chúng ta đang đối diện với nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản. Hậu quả sẽ rất khó lường

Lê Minh Triết
.
.
.