"Trọng" toán, "khinh" sử

Thứ Sáu, 28/03/2008, 08:33
Ở nhiều nước dù khoa học công nghệ phát triển như vũ bão nhưng môn lịch sử lại được xem là môn học bắt buộc vô cùng quan trọng, vì đó là bó đuốc đưa học sinh của nước họ đi đến tương lai. Còn ở ta, rất nhiều trường phổ thông, môn lịch sử xem như môn học phụ, học để gọi là có thôi.

Ngày 27/3, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bộ GD&ĐT cùng một số trường ĐH lớn đã tổ chức Hội thảo "Thực trạng việc dạy và học lịch sử trong trường phổ thông". Hội thảo khoa học lớn lần này với sự tham dự của hầu hết các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, giáo viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sử học đã trở thành sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Môn lịch sử 1 tiết/tuần, môn toán 6 tiết/tuần

"Phan Đình Phùng là anh trai Phan Đình Giót", "Nhật Pháp đánh nhau Việt Nam vớ bở"… Đó là những kiến thức lệch lạc của rất nhiều học sinh. Có sinh viên Trường ĐHDL Văn Lang không biết quốc hiệu thời Vua Hùng là gì; thậm chí, trong nhiều bài thi môn lịch sử năm vừa qua, có em không làm được bài thi đã hạ bút giãi bày: "Em là học sinh dốt nhất trong trường nên đã chọn thi khối C. Em không làm được bài lịch sử cho nên em đã cho mình là đứa dốt nhất trong những đứa dốt nhất". Những câu sử ngô nghê, vô nghĩa và cả những nỗi niềm thành thật của học trò đã được đưa ra tại hội thảo càng khiến chúng ta day dứt hơn và quyết liệt hơn trong việc tìm giải pháp cho môn học quan trọng này.

Ở nhiều nước dù khoa học công nghệ phát triển như vũ bão nhưng môn lịch sử lại được xem là môn học bắt buộc vô cùng quan trọng, vì đó là bó đuốc đưa học sinh của nước họ đi đến tương lai. Còn môn lịch sử ở ta thì sao?

PGS.TS Phạm Xanh, Khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã thẳng thắn đưa ra nhận xét, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng "xuống dốc" của môn lịch sử là do sự đối xử không công bằng đối với môn lịch sử; ở rất nhiều trường phổ thông, môn này xem như môn học phụ, học để gọi là có thôi.

Vì quan niệm đó mà ít thầy cô tâm huyết, học trò thì gần như vô cảm với lịch sử (trừ những năm môn này được chọn thi tốt nghiệp). Nhìn vào tỷ lệ học sinh đăng ký học ban A và ban C, ban cơ bản hiện nay sẽ thấy rằng, xấp xỉ 90% học sinh đăng ký ban A, cơ bản, thậm chí có trường đã "triệt tiêu" hẳn ban C. Tỷ lệ học sinh dự thi các khối A, B, D luôn áp đảo khối C…

Có trường như THPT Mari Quyri, thời lượng dành cho môn sử chỉ dao động từ 1,5 - 2 tiết/tuần, trong khi môn toán là 6 tiết. Cán cân chênh lệch đó đã đẩy môn lịch sử vào thế yếu và kiến thức về lịch sử trong đầu óc học trò ngày càng hời hợt.

Kiến thức khó và ôm đồm, học trò lơ mơ

Trong tất cả những lý giải, cắt nghĩa để giúp nhìn rõ thực trạng về môn lịch sử (ví như về đội ngũ người thầy, về hình thức thi cử, về phương pháp dạy), thì CT - SGK lịch sử được nhiều đại biểu đề cập một cách riết róng.

TS. Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã đưa ví dụ cụ thể: Học sinh lớp 4 bắt đầu được học lịch sử và địa lý, lứa tuổi đó còn quá non nớt hiếu động nhưng cuối CT của lớp 4 đã có yêu cầu lập bảng thống kê các sự kiện, nhân vật tiêu biểu của mỗi thời kỳ lịch sử Việt Nam từ buổi đầu dựng nước đến giữa thế kỷ XX.

Như vậy là "quá tải"! Mở đầu sách lịch sử lớp 6 là những câu hỏi lớn: "Lịch sử là gì, học lịch sử để làm gì?", sẽ rất hiếm học sinh trả lời được câu hỏi đó. Rồi hàng loạt những câu sử "tráng ngôn, khô cứng" dành cho học sinh lớp 6, trong khi người lớn chưa chắc đã trả lời chính xác?

Thu Phương
.
.
.