Trồng rừng ở "đồi cát bay, cát nhẩy"

Thứ Bảy, 16/04/2016, 23:28
Nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 20km, đồi cát Mũi Né trở thành một điểm tham quan du lịch rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nơi được mệnh danh là “Thiên Đường của nắng - gió và cát”.


Đồi cát Mũi Né còn có tên gọi là “đồi cát bay, cát nhảy” bởi những cơn gió bão luôn làm thay đổi hình dạng đồi cát liên tục, tạo nên những hình thù kỳ ảo khác nhau, đôi khi chỉ trong một ngày… 

Người dân Mũi Né còn cho biết, cát biển, cát đồi có khoảng 18 sắc màu khác nhau, tạo ra nguồn nguyên liệu vô giá tự nhiên cho những người làm tranh cát và là nguồn cảm hứng vô tận cho những nhiếp ảnh gia, thi sĩ, họa sĩ đến đây. 

Những ngày nắng lửa chang chang đồi cát như một hoang mạc lấp loáng mờ ảo tựa như hoang mạc sahara, loáng thoáng trong chảo lửa ấy là mờ mờ bóng cây xanh nhòa nhòa, ẩn ẩn… 

Nhưng khi bình minh ló rạng hoặc bóng đổ gần về phía hoàng hôn thì chính là thời điểm lý tưởng tuyệt vời nhất để ngắm nghía đồi cát và khám phá với những trò chơi, trò thể thao như trượt cát, leo đồi, việt dã… với nhiều cung bậc mạo hiểm khác nhau.

Đã có rất nhiều du khách đến đây tự hỏi: Với những đồi cát chập chùng kia làm sao có những cây xanh sống được? Người dân Phan Thiết thì ai cũng biết, có loài cây xương rồng, keo tràm và phi lao là các loại cây có thể sống rất khỏe giữa cát nóng bỏng xứ này mặc cho bao nhiêu giông gió, bão bùng làm rung mặt cát, thay hình dạng các đồi cát. 

Ngày trước, những ngày từ giáp Tết Âm lịch kéo dài đến hết tháng 4, người dân chiến khu Lê Hồng Phong tại các xã Hồng Phong, Hòa Thắng từ 9 giờ sáng đến nửa đêm hứng những trận “bão cát” quất vào mặt rát bỏng. 

Nhà nhà đều đóng cửa im lìm, chỉ sử dụng cửa hướng Tây ra vào, còn trời đất thì luôn mịt mù cát bụi. Những nơi bão cát quất qua, mọi cây lá đều te tua, héo hắt, còn con người thì tìm đủ mọi thứ để che chắn, để tồn tại qua mùa gió bấc. 

Từ năm 2011, người dân khu Lê Hồng Phong đã bắt tay vào việc trồng rừng để ngăn chặn gió cát và kiềm chế sự thay đổi, dịch chuyển “đồi cát bay” về phía ruộng, rẫy và các khu dân cư. 

Nếu không có quyết định đúng đắn này, chưa ai dám chắc chắn rằng chỉ trong vài thập niên, có thể nơi đây sẽ biến thành đồi cát bay. 

Du lịch Bình Thuận - Đồi cát, Bàu Trắng.

Ông Lê Châu Thành, Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Lê Hồng Phong cho biết, trong 5 năm qua (2011-2015), nơi đây đã trồng trên 3.500 ha rừng, tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng là 15.999 ha/255 hộ. 

Và tương lai không xa, đồi cát bay nằm phía xa xa kia sẽ trở nên xanh ngát do cây rừng phủ xanh đồi trọc. 

Đến đây, khi đứng bên này Bàu Trắng, Bàu Sen nhìn lên đồi cát trắng khổng lồ như dãy núi tuyết bên kia Bàu đã có thể thấy thấp thoáng những bóng cây xanh, bàu nước đầy sen nở hoa mát rượi, không chỉ làm xua tan cảm giác nóng bức mà còn gợi nên ý tưởng về một bức tranh tuyệt vời, sống động nơi đây và hứa hẹn sẽ là một thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng…

Rừng phi lao, keo lưỡi liềm trồng trên đồi cát Bàu Trắng từ năm 2009 là một kỳ tích, bởi nó không giống với bất cứ nơi đâu về khí hậu, thổ nhưỡng và những điều kiện khắc nghiệt rất đặc biệt. 

Kỹ sư Thái, một chuyên gia kỹ thuật dày dạn kinh nghiệm trồng rừng cho biết về sự lạ này: “Loại cát ở Bàu Trắng này lạ lắm, không giống bất kỳ nơi nào. 

Cát ở đây khô cong, không kết dính với nhau nên chỉ gió lớn độ vài tiếng đồng hồ là cồn cát đang cao ngút bỗng thấp xuống lè tè vì bao nhiêu cát bay sạch. Những năm trước, trồng cây ở Bàu Trắng khó lắm”. 

Khó chính là chọn thời điểm nào thích hợp nhất và đảm bảo tỷ lệ cây con khi trồng xuống sống nhiều nhất. Với người dân ở đây, mỗi khi nghe đài báo, thấy thời tiết sắp có mưa bão là tất cả rạo rực chuẩn bị… trồng rừng.

 Trồng rừng ngay trong những ngày mưa bão, những ngày mà cuộc sống của người dân Hồng Phong, Hòa Thắng luôn phải đối mặt với muôn vàn lo toan về vụ mùa, về thiên tai… 

Còn ở nơi đây, mưa bão là thời điểm thích hợp nhất để trồng rừng. Cát nằm im, giẻ mịn, cây phi lao, keo tràm cắm xuống lỗ sâu bắt đầu bám đất, ra rễ. Những ngày này, trên những đồi cát từng là đồi cát bay, hàng trăm người dân và máy cày, ngày ngày háo hức trồng rừng, chạy tiến độ mùa mưa bão.

Từng là một chiến khu cách mạng kiên cường mang tên lãnh tụ cộng sản Lê Hồng Phong, từng là một nơi khắc nghiệt nhất của thời tiết khí hậu quanh năm khát nước ngọt, nơi duy nhất có loài giông cát sinh sôi trở thành món đặc sản cho Bình Thuận hôm nay.

Ngày nay khu Lê Hồng Phong còn được đánh giá là nơi sa mạc hóa diễn ra nhanh nhất mà cũng là nơi người dân trồng rừng chống lại biến đổi khí hậu, chống hiện tượng sa mạc hóa, “stop” những đồi cát bay, cát chạy thành công và hiệu quả mới chỉ hơn 5 năm qua để mở ra một triển vọng phát triển kinh tế, du lịch từ mảnh đất khắc nghiệt chưa từng có này.

Nam Yên
.
.
.