Ý kiến của các nhà khoa học về bài học quy hoạch phát triển cây xanh ở Thủ đô:

Trong quản lý đô thị, điều quan trọng là tầm nhìn, sự đồng thuận và minh bạch

Thứ Ba, 24/03/2015, 08:42
Quyết định dừng việc chặt hạ cây xanh của Chủ tịch UBND TP Hà Nội phần nào đã đáp ứng tức thời nguyện vọng gìn giữ một đô thị xanh của người dân, song vẫn còn rất nhiều điều cần bàn phía sau bản đề án.
>> Lãnh đạo Công ty cây xanh phủ nhận chuyện chở gỗ vào làng Chuông

Theo TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, phân tích tác dụng của cây xanh đô thị: “Cây xanh có tác dụng tạo môi trường cảnh quan, che nắng, che mưa và giữ đa dạng sinh học cho đô thị. Ngoài ra, cây xanh còn mang giá trị tinh thần, tạo nên một phần chất lượng của cuộc sống, làm cho con người gần gũi với sự sống, tạo ra bản sắc đô thị. Hiểu được tác dụng của cây xanh để từ đó đặt ra vấn đề quy hoạch và quản lý đô thị”.

Theo TS Phạm Sĩ Liêm, quy hoạch bao giờ cũng có phần đã có và sẽ có. Chúng ta cần quan tâm tới cái sẽ có và sửa cái đã có, chứ không phải xóa băng cái đã có. Tức là quy hoạch dựa trên tinh thần phát huy giá trị của  cây cũ ở Hà Nội và trồng thêm cây mới, chứ không phải là chặt bỏ. Trong quản lý đô thị, điều quan trọng là vấn đề tầm nhìn, sự đồng thuận và trách nhiệm giải trình, minh bạch.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam nhận định: “Tôi có may mắn được đi 30 thủ đô các nước. Không có thủ đô nào rộng hơn Hà Nội. Thủ đô chúng ta quá lớn, rất đẹp, bởi có hồ nước và cây xanh. Trước đây chúng ta đã mất nhiều hồ, gây ngập lụt. Bây giờ đau đớn là cây xanh bị mất. Việc Hà Nội không quan tâm đến các nhà khoa học, nhân dân là khó hiểu. Theo tôi, cần phải thanh tra việc triển khai thực hiện đề án này”.

Theo lời khẳng định của Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên cây xanh Hà Nội, toàn bộ số gỗ được chuyển về kho nguyên vẹn, không thất thoát.

Về cây trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm hay cây gỗ mỡ, TS Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam khẳng định, đó là cây gỗ mỡ. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Chúng ta không cần thiết phải phân tích xem đó là cây gì, bởi cây gỗ mỡ hay vàng tâm đều không thích hợp trồng ở đô thị. Nếu cây vàng tâm có mọc được thì chắc chắn 10 năm nữa không có bóng mát”.

Hà Nội đã chặt rất nhiều cây xanh, và cũng đã dừng lại, vấn đề là làm gì để giải quyết hậu quả của việc chặt cây và tương lai sẽ tiếp tục xử lý ra sao, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết. TS.KTS Phó Đức Tùng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lâm nghiệp đô thị, Đại học Lâm nghiệp, nêu quan điểm, một trong những mảng quan trọng là cây đường phố cần chuyên gia nhưng không nhất thiết là cần chuyên gia thực vật học, mà vấn đề là công nghệ, phải có phòng thí nghiệm và nghiên cứu lâu dài. Bởi kỹ thuật trồng cây đô thị khác với trồng ở nơi khác. Cây đô thị không có thổ nhưỡng tự nhiên, mà phải trồng trong môi trường nhân tạo. Ông nhấn mạnh, “phải có công nghệ và có quy hoạch từ đầu”. 

TS Nguyễn Tiến Hiệp cũng cho rằng, Hà Nội cần phải có quy hoạch vườn ươm, có cả vườn ươm vệ tinh để ươm cây theo quy hoạch của Hà Nội. Ông Phan Thanh Giang, kỹ sư cao cấp về Lâm nghiệp đô thị thì tán thành phải có phương án quy hoạch cây xanh đô thị, phải cải tạo hệ thống cây xanh Hà Nội. Nhưng thời điểm quy hoạch và cách làm như thế nào thì phải có cân nhắc.

Nhóm PVKTXH
.
.
.