"Trồng người" trên đỉnh Cao Sơn

Thứ Hai, 21/11/2011, 12:25
Các thầy giáo "lên Son" chưa ai xây dựng gia đình nên ở chung một căn nhà gỗ được chia thành 3 gian. Gian giữa làm văn phòng, hai gian bên làm phòng ở và một chái bếp để nấu ăn. Trường chỉ có hai phòng học tranh tre, dột nát.

Lâu nay, việc đảm bảo sĩ số học sinh ở các lớp học vùng cao luôn là vấn đề được quan tâm, với nhiều câu chuyện đến bản vận động học sinh đến lớp của các thầy, cô giáo cắm bản. Nhưng có một nơi cao sơn heo hút, nhưng các học sinh người Thái lại rất hiếu học, đến lớp chuyên cần. Đó là đỉnh núi cao quanh năm mây mù bao phủ, gần như cô lập giữa bạt ngàn rừng núi trùng điệp, mang tên cụm bản nhỏ Son Bá Mười (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa), nơi có gần 160 hộ dân người Thái của các dòng họ Ngân, Vi, Hà, Bùi sinh sống.

Vùng đất cao này nằm riêng biệt hẳn với các làng bản khác dưới chân núi. Khí hậu ở đây về mùa hè ôn hòa nhưng vào mùa thu, mùa đông thì cực kỳ khắc nghiệt, mây mù bao phủ suốt ngày. Đường đi lên Son Bá Mười hiểm trở, con đường được coi là gần và dễ đi nhất, cũng khiến chúng tôi mồ hôi ướt đẫm hai lần áo rét, mất nửa ngày leo trèo mới lên được tới nơi.

Đêm, gió núi gầm rít ầm ào bên các liếp nhà sàn với cái rét thấu da thịt. Thế nhưng, trên góc học tập chập chờn ánh điện đỏ kéo lên từ thủy điện mini dưới suối, mấy đứa cháu của ông Hà Hoàng Nhi vẫn cắm cúi học bài. Già làng Hà Hoàng Nhi (người Thái, 70 tuổi) bảo: "Do giá lạnh, cây lúa thì mất 9 tháng, cây sắn thì phải 2 năm mới cho thu hoạch, ngô cũng chỉ trồng được một vụ trong năm. Dù giá rét thế nào, chưa ngày nào những đứa cháu của ông bỏ học, vẫn mỗi sáng sớm í ới gọi bạn cùng xóm đến trường khi sương còn mù đặc đỉnh núi".

Điểm Trường THCS Son Bá Mười (thuộc Trường THCS Lũng Cao) nằm trên quả đồi rộng. Thầy giáo Trịnh Đình Phúc (quê gốc ở tận xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc) lên giảng dạy tại khu lẻ Son Bá Mười này đã được mấy năm. Do địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, nên "lên Son" phải là những thầy giáo trẻ, nhiệt huyết. Ngoài thầy giáo Phúc, ở cụm bản có trường THCS và tiểu học này còn có ba thầy giáo trẻ nữa là thầy Nguyễn Ngọc Tịnh (24 tuổi), quê ở huyện Thạch Thành, thầy Lê Đức Hùng (26 tuổi), ở huyện Cẩm Thủy, thầy Lê Văn Dương (25 tuổi) cũng đã đứng trên bục giảng ở đây nhiều năm.

Các thầy giáo chưa ai xây dựng gia đình nên ở chung một căn nhà gỗ được chia thành 3 gian. Gian giữa làm văn phòng, hai gian bên làm phòng ở và một chái bếp để nấu ăn. Trường chỉ có hai phòng học tranh tre, dột nát. Hai lớp học chung một phòng, buổi sáng lớp 6 học, buổi chiều học sinh lớp 7 lên lớp. Cứ như vậy, 4 thầy giáo hằng ngày chia nhau lên lớp dạy chữ cho 83 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 của cả 3 bản hiện nay đang theo học.

Học sinh vùng cao còn gặp nhiều khó khăn khi đến lớp.

Thầy giáo Trịnh Đình Phúc cho biết: "Mùa đông, có những hôm nhiệt độ xuống rất thấp, chỉ khoảng 2-4 độ C, nhưng các em đều đến lớp đầy đủ từ rất sớm, khiến chúng tôi rất cảm động. Sau mỗi đêm, tất cả bàn ghế bảng đều bị sương mù giá lạnh làm ướt hết, nên ngay trong lớp học, thầy trò đành phải đốt một đống lửa to để vừa sưởi ấm phòng học vừa hong bảng và bàn ghế. Cứ thế, các em ngồi học cho đến khi có nắng, sương tan dần, mới đọc rõ được chữ viết trên bảng. Hôm nào không có nắng, quần áo của cả thầy trò chỉ có thể khô được nhờ huơ trên bếp lửa, nhưng trong trường vẫn ê a tiếng trẻ học bài".

Ở Son Bá Mười, em Hà Văn Hậu (bản Son) là niềm tự hào của cả cụm bản, bởi em là sinh viên đại học duy nhất đang học tại Trường Đại học Hồng Đức. Con đường đi học của Hà Văn Hậu gian nan nhưng cũng rất tự hào. Tiểu khu Cao Sơn thành lập từ 1966, khối THCS cũng đã có từ 1978, nhưng tồn tại không lâu vì thiếu giáo viên. Đến năm 2003 mới mở lại và năm học 2008- 2009 mới có lứa học sinh lớp 9 đầu tiên. Hết cấp học, lại phải đi bộ 7-8km sang bên huyện Tân Lạc (Hòa Bình) xin đi học tiếp, vì trở về trường huyện quá xa.

Đường lên Son Bá Mười đang được tỉnh Thanh Hóa đầu tư khai mở, từ nguồn vốn của Chương trình 135. Con đường ấy sẽ nối "Sa Pa Trung Bộ" gần lại với các địa phương khác. Con chữ và sự nghiệp "trồng người" trên đỉnh Son Bá Mười theo đó cũng đỡ nhọc nhằn hơn

Gia Linh
.
.
.