Trời nắng nóng, bệnh dại dễ bùng phát

Thứ Sáu, 19/06/2009, 14:25
Theo số liệu thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế, từ đầu năm 2009 đến nay, trên cả nước đã có 32 trường hợp bị tử vong do chó (mèo) mắc dại cắn. Con số này trong thời gian tới đây chắc chắn sẽ còn gia tăng thêm nếu công tác phòng, chống dịch bệnh dại không được đẩy mạnh hơn nữa…
>> Chữa vết chó dại cắn bằng nước lã và dầu gió

Lời cảnh báo không của riêng ai

Đầu tháng 8/2008, trong lúc chơi đùa ngoài cổng làng, cháu Nguyễn Văn N., 6 tuổi, trú tại xã Đông La, huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị con chó (giống chó ta) nhà hàng xóm nhảy lên cắn vào cánh tay trái. Khiến vùng da ở phía trên cánh tay này bị trầy xước và thâm tím. Khi phát hiện ra cháu N. bị chó cắn, gia đình liền đưa cháu về nhà rồi dùng khăn mặt nhúng nước lã rửa vết thương cho cháu. Đến tối hôm đó, khi thấy vết trầy xước trên vùng da bị sưng tấy, anh Nguyễn Văn P. - bố cháu N. liền lấy dầu gió xoa xung quanh chỗ mà cháu N. kêu đau.

Những ngày sau đó, cháu N. vẫn đi học bình thường, đến khi biết tin con chó trên tiếp tục cắn một số người khác trong xóm và đột nhiên chết không rõ nguyên nhân, vợ chồng anh P. đã đưa cháu N. đến cơ sở y tế để tiêm phòng dại. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, cháu đã không qua khỏi vì chứng bệnh dại đã phát.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), từ năm 2007 đến nay (tháng 6/2009), cả nước đã có trên 250 trường hợp bị tử vong do chó (mèo) dại cắn. Số trường hợp bị chó (mèo) dại cắn dẫn tới tử vong tập trung chủ yếu vào thời điểm mùa hè nắng nóng.

Cần chủ động phòng ngừa

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Đinh Kim Xuyến - Phó Chủ nhiệm Thường trực Dự án Phòng chống bệnh dại quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, bệnh dại là một chủng bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây nên, thường xảy ra ở động vật máu nóng.

Người bị nhiễm virus thường do con vật (chó chiếm 97%, các động vật khác chiếm 3%) dại cắn, cào, liếm hoặc do tiếp xúc với virus dại, qua da, niêm mạc bị tổn thương. Nguy cơ tử vong của người mắc bệnh này là rất cao nếu như không được theo dõi, chữa trị kịp thời. Đặc biệt, khi người đã bị lên cơn dại đều bị tử vong 100%.

Theo PGS.TS Đinh Kim Xuyến, từ đầu năm 2009 đến nay, cả nước đã có 32 trường hợp bị tử vong do chó dại cắn. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại là rất cao. Bởi trong những năm qua, tuy bệnh dại ở nước ta có giảm, song vẫn cao hơn so với mức trung bình trên thế giới. Đáng chú ý, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu về tỷ lệ người mắc bệnh dại. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2009, Hà Nội đã có 7 trường hợp bị tử vong do chó dại cắn.  

Cũng theo PGS.TS Đinh Kim Xuyến, đối với những trường hợp bị chó (mèo) cắn nghi là dại, cần phải nhanh chóng rửa thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng (hoặc nước muối) đặc, dội nước sạch nhiều lần. Rồi sau đó, bôi các chất sát khuẩn như cồn vào chỗ trầy xước của vết thương.

Tuy nhiên, trong quá trình sơ cứu, tuyệt đối không để vết thương bị trầy xước, bầm dập. Đặc biệt, không được tùy tiện sử dụng thuốc nam để điều trị. Mục đích của việc làm này nhằm xử lý tại chỗ vết cắn và làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập, tránh hệ lụy khôn lường xảy ra.

Sau khi sơ cứu, các gia đình cần nhanh chóng đưa người thân bị chó (mèo) cắn đến các cơ sở y tế để các bác sĩ nơi đây thăm khám, đưa ra các phác đồ điều trị. Bên cạnh đó, phải theo dõi con vật nghi dại trong khoảng thời gian từ 10-15 ngày. Để có cách điều trị, tiêm vacxin, huyết thanh kháng dại kịp thời.

Mặt khác, để đẩy lùi dịch bệnh dại nhất là vào thời điểm hiện nay, theo PGS.TS Xuyến đó chính là hạn chế việc nuôi chó, mèo. Nếu nuôi thì phải xích, nhốt rọ mõm lại, tránh để chó, mèo chạy rông, nuôi không có chủ quản lý. Khi có đợt tiêm phòng dại, các hộ dân phải đưa chó, mèo mà mình nuôi đến các cơ sở y tế đóng trên địa bàn để tiêm phòng.

Nghị định số 05/NĐ-CP của Chính phủ ra ngày 9/1/2007 về phòng, chống bệnh dại ở động vật cũng quy định rõ việc nghiêm cấm giết mổ động vật mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại (trừ trường hợp giết mổ để lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm theo hướng dẫn của cơ quan thú y). Chó đưa vào giết mổ phải có Giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh dại của cơ quan thú y có thẩm quyền. Người thường xuyên giết mổ, chế biến thực phẩm từ chó phải định kỳ tiêm phòng bệnh dại theo quy định của Bộ Y tế.

Như vậy, có thể thấy rằng, nếu ta không chú trọng, đề cao thông điệp "Hãy cùng nhau đẩy lùi bệnh dại" của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội Thú y thế giới (OIE) cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng hữu quan trong công tác quản lý vật nuôi thiếu chặt chẽ, chắc chắn dịch bệnh dại sẽ không ngừng gia tăng trong thời gian tới đây

Trần Huy
.
.
.