Trở thành tỷ phú nhờ học nghề ở cơ sở giáo dục

Chủ Nhật, 31/12/2006, 08:35
Trong thời gian cải tạo tại cơ sở giáo dục Bến Giá (Trà Vinh) – Cục V26, Bộ Công an, anh N.V.K. đã được học nghề nuôi trồng thủy sản. 5 năm sau, anh trở thành một doanh nhân nuôi trồng thủy sản thành đạt ở Trà Vinh với khối tài sản trị giá vài tỷ đồng.

Cách thị xã Trà Vinh khoảng 50km, thuộc địa bàn xã Long Hữu, huyện Duyên Hải là Cơ sở giáo dục (CSGD) Bến Giá - Cục V26, Bộ Công an. Nơi những con người một thời lầm lỗi  đang cố gắng học tập và rèn luyện để chuẩn bị cho một ngày mới.

Đồng hành với hành trình hướng thiện của họ là những người thầy - chiến sĩ quản lý cơ sở, ngày đêm tận tâm, hết mình giúp đỡ, cảm hóa… giúp họ vứt bỏ quá khứ để vươn lên trong cuộc sống.

Tiền thân của CSGD Bến Giá là Trại giáo hóa Bến Giá. Tháng 7/1996, Bộ Công an quyết định đổi tên thành Cơ sở giáo dục, với chức năng nhiệm vụ quản lý giáo dục rèn luyện người bị xử lý vi phạm hành chính ở các tỉnh ĐBSCL.

Đến nay, sau 10 năm đi vào hoạt động, 6 năm CSGD đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, 4 năm là Đơn vị Tiên tiến. Riêng năm 2006, toàn đơn vị có 110 chiến sĩ đạt danh hiệu tiên tiến, 15 đồng chí đạt danh hiệu thi đua cấp cơ sở và đơn vị đang được đề nghị công nhận danh hiệu Đơn vị Quyết thắng năm 2006.

CSGD Bến Giá nằm trên địa bàn có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt hơn những vùng khác, quanh năm đất nhiễm mặn, phèn không thể sản xuất nông nghiệp được, thế nhưng lại có điều kiện thuận lợi khác. Sau nhiều năm thử nghiệm, đến nay toàn bộ diện tích đất của cơ sở đã được cải tạo nuôi trồng thủy, hải sản, đem lại hiệu quả, giúp đơn vị nâng cao đời sống và cải thiện bữa ăn cho trại viên.

Với diện tích 200,7ha đất nuôi trồng thủy, hải sản là điều kiện thuận lợi để phát triển tăng gia sản xuất cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ và trại viên. Năm 2006, CSGD Bến Giá đã nuôi trồng thủy sản và thu lãi đạt trên 1,123 tỷ đồng. Ban Giám đốc cơ sở quyết định cải thiện đời sống, phụ cấp thêm tiền ăn cho trại viên mỗi ngày 3.000 đồng, những trường hợp trại viên đau ốm, được cấp thêm tiền ăn mỗi ngày 7.000 đồng.

Thượng úy Trần Vĩnh Lợi, Đội trưởng Đội Tổng hợp, cho biết: "Trong những năm qua, dựa vào ưu thế có diện tích đất nuôi trồng thủy sản, Ban Giám đốc CSGD Bến Giá đã liên kết với Khoa Thủy sản, Đại học Trà Vinh mở nhiều lớp dạy nghề cho các trại viên về quy trình kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, cử nhiều cán bộ theo học các chương trình đại học, trung học về nuôi trồng thủy sản và xây dựng, từ đó các cán bộ có trình độ chuyên môn tiếp tục giảng dạy lý thuyết và trực tiếp thực hành tại chỗ cho các trại viên”. Đến nay sau 10 năm thành lập, CSGD Bến Giá đã tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp cho hơn 8.000 trại viên.

Thiếu tá Nguyễn Văn Bé Ba, Đội trưởng Đội Quản lý lao động - Hướng nghiệp, dạy nghề, tâm sự: "Chúng tôi dạy cho trại viên cái nghề, khi họ ra trường mình cứ dõi theo, mong muốn họ phát huy những gì đã học, thành đạt trong cuộc sống, có kinh tế gia đình ổn định. Tôi rất mừng vì có nhiều trại viên đã đứng dậy, khẳng định được mình nhờ cái nghề từ CSGD này mà nên".

Một câu chuyện thú vị, khi chúng tôi đến CSGD Bến Giá, tình cờ cũng có "vị thượng khách" của cơ sở đến thăm, đó là anh N.V.K. (xin được giấu tên). Anh K. là một trong những người được xếp hạng về nuôi trồng thủy sản thành đạt ở Trà Vinh.

Nghe K. khoe với các cán bộ là tài sản của anh giờ cũng có được vài tỷ đồng. Thật bất ngờ, anh K. từng là trại viên ở CSGD Bến Giá cách đây gần 5 năm. "Từ lúc về với cộng đồng, tôi nhận ra rằng mình "dư" được hai thứ đó là nghề nuôi tôm và lý tưởng sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội mà các cán bộ chỉ dạy" - anh K. tâm sự.

Một câu chuyện khác cũng rất cảm động, đó là trường hợp của vợ chồng anh Q. và chị Y. Cách đây 3 năm, anh Q. vì không có nghề nghiệp ổn định, tối ngày uống rượu gây rối trật tự địa phương, sau nhiều lần giáo dục không được, chính quyền địa phương quyết định cưỡng bức lao động đối với anh.

Khi anh Q. đến CSGD Bến Giá, chị Y. thương chồng cũng khăn gói theo đến ở gần cơ sở, dựng lều bán nước giải khát và để có điều kiện thuận lợi thăm và động viên chồng cố gắng chấp hành giáo dục tốt.

Sau 24 tháng quản lý giáo dục, anh Q. được học nghề sửa chữa máy nổ. Khi trở về với cộng đồng, hai vợ chồng quyết bám trụ trên mảnh đất Long Hữu, nơi có cơ sở giáo dục làm thay đổi tính tình anh Q. Được biết, hiện nay anh Q. là một trong những thợ sửa máy nổ nổi tiếng của vùng nuôi tôm này và hai vợ chồng cũng vừa cất được căn nhà khá to đẹp.

Thượng tá Lê Sơn Điền, Giám đốc CSGD Bến Giá, tâm sự: "Trong 10 năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc cơ sở luôn xác định mục tiêu ngoài quản lý giáo dục, rèn luyện các trại viên thì công tác đào tạo dạy nghề là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Bởi những người lầm lỗi đa phần không có nghề nghiệp ổn định. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm dạy cho họ những nghề phù hợp để khi hòa nhập cộng đồng, họ có cơ hội tự vươn lên trong cuộc sống, không tái phạm nữa"

Nam Giao
.
.
.