Trợ giảng làm cô giáo

Thứ Hai, 24/11/2008, 12:09
Nhiều năm qua, học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi khó tiếp thu kiến thức vì không nắm vững tiếng phổ thông. Gần đây, ngành Giáo dục Quảng Ngãi áp dụng sáng kiến tuyển dụng nhân viên hỗ trợ giáo dục làm "thông ngôn" cho giáo viên đứng lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi, nhất là với học sinh mới vào lớp 1.

Theo chân cán bộ ở Phòng Giáo dục huyện Sơn Hà, chúng tôi đến điểm trường tiểu học ở làng Dộc, thôn Bồ Nung, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Đang giờ học, trên bục giảng có đến 2 cô giáo. Thầy Nguyễn Đức Huy, Hiệu trưởng cho biết, đây là lớp học do cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền giảng dạy, còn người trong trang phục dân tộc H’re là cô là Đinh Thị Biểu, nhân viên hỗ trợ giáo dục.

Cả lớp có 20 học sinh đều là con em đồng bào dân tộc H're, trong khi đó cô giáo là người Kinh, không biết tiếng của đồng bào nên việc giảng dạy khó khăn, mà học trò cũng không tiếp thu được kiến thức. Năm trước, có em đã hết học kỳ I mà nghe chưa rõ tiếng Kinh. Từ khi có cô Biểu làm trợ giảng, chuyện học hành trôi chảy hơn nhiều. Đặc biệt, vào mùa mưa các em hay bỏ học, cô Đinh Thị Biểu đến tận nhà vận động cho được các em ra lớp đầy đủ.

Công việc của nhân viên hỗ trợ giáo dục là dịch lời giảng của cô giáo từ tiếng Kinh sang tiếng dân tộc thiểu số và ngược lại. Với học sinh lớp 1, công việc còn vất vả nặng nhọc hơn nhiều, đầu buổi sáng phải đón các em, hướng dẫn từng ly từng tí, từ việc cất áo mưa, xếp hàng vào lớp, bố trí chỗ ngồi… Giờ lên lớp, nhân viên hỗ trợ giáo dục giúp các thầy cô hướng dẫn học sinh cách đánh vần, tập viết.

Mặc dù đời sống còn khó khăn, bận rộn việc gia đình, nương rẫy nhưng khi được tuyển dụng công tác tại trường tiểu học thôn Bồ Nông, dù tiền lương ít ỏi nhưng cô Đinh Thị Biểu vẫn tích cực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cô tâm sự: "Ngoài việc học hành của các em trong lớp, với những em học yếu thì buổi tối chúng em đến tận nhà để chỉ bảo cho các em học thêm để cho các em tiến bộ hơn".

Cũng như Đinh Thị Biểu, cô Đinh Thị Thư người dân tộc H’re, ở xã Sơn Tinh, huyện Sơn Hà vừa xong trung học phổ thông nhưng vì nhà nghèo, không có điều kiện để theo học đại học. Khi được tin địa phương tuyển dụng nhân viên hỗ trợ giáo dục, Đinh Thị Thư nộp đơn tình nguyện ngay.

Đinh Thị Thư bày tỏ:"Em thích công việc này bởi vì em rất yêu trẻ. Em có thể giúp cho giáo viên diễn đạt lại những gì mà các em nói giáo viên không hiểu và ngược lại, bởi vì giáo viên chủ yếu là người dưới xuôi lên chưa hiểu rõ hết tiếng dân tộc trên này và cả thói quen của học sinh nữa. Trong khi các em học sinh lại rất ít nói tiếng Kinh, chủ yếu nói tiếng dân tộc trong giao tiếp. Em còn giúp giáo viên duy trì sĩ số học sinh. Như sáng nay mưa to, em phải đến từng nhà chở các em đi học"

Ngoài việc phụ giảng trên lớp, các nhân viên hỗ trợ giáo viên ở huyện Sơn Hà tỉnh Quảng Ngãi còn đi đến từng thôn bản vận động bà con đưa các em ra lớp. Vì vậy, tình trạng học sinh lớp 1 người dân tộc thiểu số bỏ học giữa chừng hoặc học "giã gạo"- một thực trạng phổ biến ở huyện miền núi Sơn Hà giảm đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Hà nhận xét: Có thể nói, đội ngũ nhân viên hỗ trợ giáo viên thực hiện nhiệm vụ đã mang lại những hiệu quả rất thiết thực. Họ đã giúp cho các em học sinh yêu thích, phấn khởi, tự tin hơn khi đến trường, đặc biệt là các em học sinh lớp 1, giảm được đáng kể số học sinh bỏ học. Điều quan trọng là họ còn giúp cho phụ huynh  học sinh hiểu được rõ hơn tầm quan trọng của việc học đối với con em mình.

Đến nay tỉnh Quảng Ngãi có 210 nhân viên hỗ trợ giáo viên người dân tộc H're, Ca Dong, Kor có trình độ lớp 9 trở lên, tham gia trợ giảng cho học sinh lớp 1 năm học 2008-2009. Yêu nghề, mến trẻ, các cô đã góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ các thầy, cô giáo dạy cái chữ cho học sinh con em dân tộc thiểu số. Đây là mô hình cần được nhân rộng

Hồng Lĩnh
.
.
.