Triều cường tại TP HCM: Nhiều vùng trũng ngập trắng

Thứ Hai, 29/10/2007, 09:35
Triều cường lên làm hàng chục hộ dân nuôi cá tai tượng ở quận Thủ Đức (TP HCM) trở tay không kịp; cá theo dòng nước thoát hết ra ngoài. Khốn khổ nhất là các chủ hộ trồng mai tại quận Thủ Đức và quận 12. Hàng trăm ngàn gốc mai chậu và mai vườn bị ngập úng trong nước...

Đến chiều 28/10, các tuyến bờ bao bị vỡ  tại các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 12, Hóc Môn, Củ Chi… đang được chính quyền và  người dân cố gắng khắc phục để chống lại đợt triều cường cuối ngày.

Đến 15h ngày 28/10, một số khu vực vùng trũng tại các quận trên, nước vẫn còn ngập hơn 0,5m. Mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra trên mặt nước và tài sản bị hư hại chưa thống kê được.

Liên tục báo động… vỡ bờ bao

Dù rằng đài khí tượng thủy văn và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão đã đưa ra đỉnh triều cường cao nhất vào chiều 28/10 là 1,49m nhưng trong những ngày qua, mực triều cường đo được tại trạm Phú An dao động từ 1,48 -1,50m. Do đó, hàng loạt các tuyến bờ bao xung yếu đã bị phá vỡ, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn hộ dân tại các quận huyện.

Tại quận Thủ Đức, buổi sáng 25/10, một đoạn bờ bao dài khoảng 6m tại KP6, phường Hiệp Bình Phước bị nước phá tung.

Hàng trăm hộ dân bàng hoàng khi nước tuôn về cuốn trôi các vật dụng trong nhà. Đang cố gắng khắc phục đoạn bờ bao bị vỡ thì hàng loạt các điểm bờ bao khác của quận Thủ Đức đồng loạt bị vỡ.

Một đoạn bờ bao rạch Năm Sóc thuộc KP5 vỡ làm hàng trăm ngôi nhà bị ngập sâu 0,5m. Bờ bao rạch Đĩa KP2 cũng bị đứt một đoạn và đã được gia cố kịp thời nhưng nước vẫn lấp ló muốn vượt qua. Khúc bờ bao Ụ Ghe dài hơn 7m vỡ tối 26/10 được khắc phục bằng 200 cây cừ tràm, bao chứa cát, đất sình nhưng toàn bộ số cừ tràm trên bị dòng nước xiết phá vỡ.

Còn nhiều đoạn bờ bao xung yếu quanh khu vực bị nước tràn qua có nguy cơ bị phá vỡ. Theo UBND phường Hiệp Bình Phước, chính quyền địa phương đã huy động hơn 100 công nhân, hàng chục ghe cát, hơn 1.000 cây cừ tràm để hàn gắn các điểm vỡ.

Tại quận 12, hàng trăm mét bờ bao thuộc dự án bờ hữu sông Sài Gòn gồm rạch Ba Đương, bờ bao sông Vàm Thuật, phường An Phú Đông, quận 12 bị phá vỡ. Nặng nhất là các phường Thạnh Lộc và Thạnh Xuân có đến 8 đoạn bờ bao bị vỡ dài gần 50m.

Trong sáng 28/10, 8 điểm trên đã được các lực lượng gia cố khắc phục. Bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh, một đoạn bờ bao ngay rạch Cầu Cống, phường 28 dài hơn 15m bị vỡ làm các tuyến đường, hẻm bị ngập úng.

Chưa thống kê được thiệt hại

4h ngày 28/10, tại chân cầu chữ U, phường 14, quận 8, triều cường dâng cao làm các tuyến đường Bình Đông, Phạm Thế Hiển, bến Mễ Cốc… nước dâng ngập các tuyến tràn vào nhà dân.

Nước từ kênh lò Gốm, từ lỗ cống tràn vào mặt đường bốc mùi hôi thối. Hàng hóa của các hộ buôn bán bị trôi lềnh bềnh trong nước.

Tại Thủ Đức lúc 14h, con đường Tam Bình, phường Hiệp Bình Chánh vẫn còn ngập trong nước. Nhiều hộ dân dùng bao cát để chắn cửa nhà tát nước ra ngoài nhưng không thể tát được hết nước.

Mực nước trong các hẻm của các tổ 45, 46, 47, 48 vẫn còn ngập từ 0,3 - 0,5m, nhiều hộ dân phải kê tài sản của mình lên nóc tủ, gác các thanh đả để chứa đồ đạc.

Triều cường lên làm hàng chục hộ dân nuôi cá tai tượng nơi đây trở tay không kịp nên cá theo dòng nước thoát hết ra ngoài. Hộ nhà ông Thiêm mất hơn 20.000 con cá tai tượng. Ông Phạm Văn Hóa, tổ trưởng tổ 48, mất trắng hơn 1.500 con cá tai tượng, cá hú loại 1,5 kg/con, ông than thở: "Nước vào nhanh quá! Mấy cha con tôi dàn lưới xung quanh bờ ao nhưng chẳng kịp. Quăng lưới kiếm được  ký nào hay ký đó nhưng chẳng thu lại bao nhiêu!".

Khốn khổ nhất là các chủ hộ trồng mai tại quận Thủ Đức và quận 12. Hàng trăm ngàn gốc mai chậu và mai vườn bị ngập úng trong nước.

Ông Thanh, nhà khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước cho biết: "Hơn 100 gốc mai đã vào chậu và trên 2.000 gốc mai trồng vườn coi như đi đời! Qua đợt ngập nước này, ít nhất một nửa số mai trong chậu của tôi bị nở sớm. Tết này lại khổ!".

Người dân trong các vùng trũng vẫn còn phải hứng chịu đợt triều cường này trong một hai ngày kế tiếp. Khả năng các tuyến bờ bao xung yếu tại các quận trên sẽ tiếp tục bị vỡ khi đỉnh triều cường hoành hành tối 28/10.

Phía lãnh đạo các quận thì khẩn trương kiểm tra khắc phục sự cố làm giảm bớt thiệt hại cho người dân. Nhưng cái chính mà các hộ dân ở đây lo lắng là "Bao giờ không còn cảnh chạy triều cường nữa!"

Minh Đức
.
.
.