Triển khai thận trọng chiến dịch tiêm phòng sởi – rubella lớn nhất

Thứ Tư, 01/10/2014, 04:36
Theo GS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Giám đốc Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Chủ nhiệm Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia: Những năm gần đây, số người mắc rubella tăng cao, để lại nhiều hậu quả nặng nề, cùng với dịch sởi khá lớn những tháng đầu năm 2014, khiến nhiều trẻ tử vong và nhiều trẻ bị di chứng. Điều đáng lo ngại là biểu hiện của sởi và rubella gần giống nhau, nên khi dịch bùng phát, rất khó chẩn đoán thông thường để có thể phân biệt được sởi và sởi rubella.

Tại cuộc họp với báo chí về kết quả bước đầu của chiến dịch tiêm phòng sởi –rubella, tổ chức tại Hà Nội ngày 30-9, Bộ Y tế cho biết: Theo ước tính của Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), mỗi năm, Việt Nam có hơn 6.000 người mắc hội chứng rubella bẩm sinh. Mà đây là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, dễ lan thành dịch. Riêng năm 2011, cả nước có 7.200 ca mắc rubella tại 59 tỉnh, thành, tập trung ở nhóm trẻ em, thanh niên và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Trong khi, thực tế, số mắc còn cao hơn nhiều lần, do nhiều người không đến cơ sở y tế. Trong những năm 2012-2013, tại BV Nhi TW, BV nhi đồng I, BV Nhi đồng II cũng đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc rubella bẩm sinh với các dị tật bẩm sinh, trong đó, 90% mắc tim bẩm sinh với các dị tật phức tạp nghiêm trọng, hơn 45% đục thủy tinh thể, gần 40% bị lách to, hơn 12% chậm phát triển cùng nhiều trẻ bị bại não, xuất huyết não vv… Hơn 80% mắc rubella bị từ 2 dị tật trở lên. Với phụ nữ mang thai, bệnh rubella càng hết sức nguy hiểm, vì trẻ sinh ra bị dị tật suốt đời. Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu nếu mắc rubella, 90% sẽ bị sảy thai, thai chết lưu, thậm chí, trẻ bị tử vong. Bệnh còn nguy hiểm vì khoảng 50% số trường hợp mắc bệnh không có dấu hiệu điển hình của bệnh, nên nhiều phụ nữ có thai mắc rubella đã không được phát hiện, gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe, đối với cả mẹ và thai nhi.

Vì sự nguy hiểm và những di chứng khôn lường của bệnh sởi –rubella, nên hiện nay,  Chính phủ và Bộ Y tế đặc biệt quan tâm đến việc triển khai chiến dịch tiêm phòng bệnh sởi –rubella. Bởi, tiêm vaccine vẫn là cách tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt là phụ nữ trước khi quyết định mang thai. GS.TS. Nguyễn Trần Hiển cam đoan vaccine tiêm phòng sởi –rubella lần này hết sức an toàn, do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng hỗ trợ tài chính, thông qua UNICEF đưa về. Hiện ở 15 tỉnh đang triển khai chiến dịch tiêm phòng sởi –rubella, đãcó 368.031 trẻ được tiêm và số trẻ đến tiêm nhưng chưa được tiêm là trên 11.000 cháu, có 210 cháu có phản ứng nhẹ sau tiêm vaccine và không có trường hợp nào bị phản ứng nặng. Các điểm tiêm chủng đều thực hiện đầy đủ qui trình an toàn tiêm chủng.

Với chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đang quyết tâm để 95% trẻ em được tiêm phòng bệnh. Tất cả các trẻ vãng lai, dù có hay không có hộ khẩu ở địa phương, nhưng cứ đang sinh sống tại địa bàn là được tiêm phòng. Những trẻ chưa được tiêm do có phản ứng, hoặc đang điều trị tại BV, phải hoãn tiêm, sẽ được y tế cơ sở theo dõi để tổ chức tiêm vét.

Tại cuộc họp, đại diện của WHO nhận định rằng, lần triển khai này, Bộ Y tế đã không tổ chức ồ ạt, mà tiến hành thận trọng, nhằm đảm bảo trẻ được khám sàng lọc đầy đủ, không bị tai biến. Những trẻ bị phản ứng nhẹ cũng hoãn tiêm. Do đó, số trẻ đến tiêm chủng hiện mới là 85%. Đại diện của WHO nhấn mạnh việc tổ chức tiêm phòng ở vùng núi, vùng xa, vùng sâu là rất quan trọng. Như vậy, vai trò của y tế cơ sở và cả giáo viên, càng quan trọng để có thể quản lý được trẻ chưa tiêm, cũng như huy động các gia đình đưa trẻ đến tiêm.

Bộ Y tế cho biết: Trong chiến dịch tiêm chủng với qui mô lớn nhất từ trước tới nay, do Thủ tướng chỉ đạo, lực lượng Công an và Quân đội đã được huy động tham gia tích cực, để cùng các ngành, địa phương huy động các gia đình đưa trẻ đi tiêm phòng. Lực lượng Công an cơ sở đã vào cuộc để hỗ trợ ngành y tế điều tra số trẻ trên địa bàn, kể cả trẻ vãng lai lẫn có hộ khẩu tại địa phương. Bộ Quốc phòng triển khai việc tuyên truyền, vận động người dân tại các khu vực đóng quân, nhất là vùng núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người để người dân tin tưởng đưa con đi tiêm chủng. Lực lượng Quân đội cũng triển khai các hoạt động tiêm chủng, hỗ trợ nhân lực và chuyên môn cho những vùng khó khăn về y tế. Trong quá trình tiêm chủng ở các tỉnh, lãnh đạo Bộ Y tế, các Viện vệ sinh dịch tễ, Viện Paster và Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã phối hợp với các đơn vị liên quan, thành lập các đoàn kiểm tra, để giám sát và rút kinh nghiệm.

GS.TS. Nguyễn Trần Hiển hy vọng, chiến dịch tiêm chủng lần này được thực hiện tốt, sẽ góp phần làm giảm tỉ lệ mắc bệnh, giảm gánh nặng bệnh sởi –rubella và hội chứng rubella bẩm sinh trong cộng đồng

Thanh Hằng
.
.
.