Triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão và mưa lớn

Thứ Hai, 26/09/2011, 09:23
Chiều 25/9, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, cơn bão số 4 mang  tên quốc tế là Haitang đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và tiếp tục mạnh lên.

Dự báo, sáng 26/9, vị trí tâm bão sẽ ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Bình - Quảng Nam khoảng 250 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Sang đến ngày 27/9, bão số 4 sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, vị trí tâm bão sẽ cách bờ biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế khoảng 170km về phía Đông.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Khu vực quần đảo Trường Sa, vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 và có mưa dông mạnh. Biển động. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và Bắc Tây Nguyên từ trưa và chiều nay (26/9), sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Tăng, điều quan trọng nhất là đang có một cơn bão khác có tên quốc tế là Resat đang hoạt động ngoài biển Đông. Khi bão số 4 đổ bộ, thì cơn bão Resat sẽ vào biển Đông. Diễn biến bão này đang rất phức tạp, chưa rõ có ảnh hưởng đến nước ta hay không. Trong khi còn chưa rõ sức ảnh hưởng của bão số 4, hiện nay vẫn còn 92 tàu cá đang hoạt động trên quần đảo Trường Sa, hơn 26.000 tàu thuyền gần bờ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lo lắng, hiện nay khu vực Hoàng Sa đang rất nguy hiểm với 36 tàu và hơn 300 lao động còn trên biển. Ông Phát đề nghị Bộ Ngoại giao liên hệ với Trung Quốc để đưa ngư dân lên đảo. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương quyết liệt gọi tàu thuyền đang trên biển vào bờ.

Ngay trong chiều 25/9, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã ký công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk cùng các Bộ, ngành liên quan, yêu cầu phải khẩn trương bằng mọi biện pháp trong ngày 25 và 26/9 liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão biết các thông tin để chủ động đối phó; yêu cầu chủ các phương tiện nhanh chóng thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; chủ động tìm nơi tránh trú an toàn, đặc biệt lưu ý các tàu thuyền đang hoạt động ở vùng Hoàng Sa và ven bờ.

Công điện nêu rõ, các địa phương  phải triển khai các phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ (lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm...) sẵn sàng đối phó với các tình huống khi có mưa, lũ lớn, sạt lở đất đảm bảo an toàn cho người, tài sản.

Trong khi đó, lũ  hạ lưu sông Mê Kông, đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh và ở mức cao. Dự báo trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh và ở mức lớn. Với hơn 100.000ha lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đang chuẩn bị thu hoạch, ông Phát đề nghị các tỉnh cho thu hoạch sớm, vì nếu để lũ tàn phá sẽ thiệt hại rất lớn.

Bão số 4 đang mạnh lên và thẳng tiến vào bờ biển nước ta.

Về sự cố đập hồ Vưng, xã Đông Lai, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, theo Báo cáo số 38/BC-BCH ngày 24/9 của Ban chỉ huy CLB&TLCN tỉnh Hòa Bình, tình hình sự cố đang được khắc phục nhanh chóng. Trong quá trình sửa chữa nâng cấp phần đuôi cống lấy nước, nước đã thấm qua thân và vai đập chảy xuống hố móng gây sạt lở mái đập một đoạn dài 25m. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức di dân khu vực hạ lưu đập và huy động lực lượng, vật tư, thiết bị, xe máy để tập trung xử lý sự cố.

Đến trưa 24/9, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đã lên phối hợp với địa phương để xử lý sự cố trên. Kết quả đến 20h ngày 24/9, đã nổ mìn hạ thấp đường tràn được khoảng 1,5m để hạ thấp mực nước hồ, xếp rọ đá kè xong khu vực chân đập. Các lực lượng của tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục cho đắp gia tải phía chân đập. Tuy nhiên, đến 22h ngày 24/9, Văn phòng BCH PCLB&TKCN tỉnh Hòa Bình báo cáo bổ sung, đã xuất hiện thêm 1 cung trượt mới, phía trên và cách cung trượt cũ khoảng 4-5m. Hiện tại địa phương vẫn đang tích cực xử lý.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, thời gian ứng phó không còn nhiều, chỉ còn đến chiều 26/9. Trước tình huống hai cơn bão xuất hiện song song, Phó Thủ tướng lưu ý công tác dự báo vì sự tương tác sẽ khiến đường đi của bão trở nên phức tạp. Nhiệm vụ số một lúc này là phải lo cho tàu thuyền trên biển, ngoài 36 tàu ở Hoàng Sa, 92 tàu ở Trường Sa, còn hơn 26.000 tàu thuyền ven bờ. Cũng theo Phó Thủ tướng, cần xác định vùng nguy hiểm gió bão mạnh cấp 7-8 từ Nghệ An cho tới Khánh Hòa. “Kinh nghiệm cho thấy ta chống bão tốt nhưng mưa lũ khiến nhiều người thiệt mạng. Cần tăng cường chống lũ, đề phòng tai nạn trong mưa bão”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.                           

Bộ Công an chỉ đạo: Chủ động phòng chống cơn bão số 4

Tối 25/9, Ban Chỉ đạo ứng phó về biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão & tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCLB & TKCN) Bộ Công an đã có công điện khẩn gửi Tổng cục IV, VII, VIII; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố: từ Thanh Hóa đến Bình Định.

Theo đó, Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCLB & TKCN Bộ Công an yêu cầu tập trung:

Thực hiện nghiêm túc Công điện số 28/CĐ-TW, ngày 21/9/2011 của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Tổ chức công tác trực ban nghiêm túc 24h/24h, thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão, mưa lũ để chủ động đối phó kịp thời, không để bất ngờ, bị động.

Rà soát các kế hoạch đối phó với bão, lũ; các phương án: Đảm bảo thông tin liên lạc, ANTT, ATGT; đảm bảo an toàn trụ sở cơ quan, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; phương tiện vật tư phòng chống lụt bão; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm; kế hoạch sơ tán dân.

Giám đốc Công an các tỉnh ven biển chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở khẩn trương rà soát, nắm danh sách số phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên vùng biển nguy hiểm, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn kêu gọi về nơi trú tránh an toàn, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm...

Ngọc Yến
.
.
.