Trẻ em Việt Nam: Đủ cân nặng, thiếu chiều cao

Thứ Năm, 24/12/2009, 16:59
Qua 10 năm thực hiện Chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm xuống dưới ngưỡng cao, tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao đang là vấn đề đáng quan tâm.

Ngày 23/12, lễ tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam (1998 - 2008) đã diễn ra tại Hà Nội. Trong 10 năm qua, các hoạt động nhằm làm giảm và giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, vì một thế hệ người Việt cao lớn và thông minh hơn trong tương lai đã được triển khai trên cả nước.

Đủ cân nặng

Qua 10 năm thực hiện, mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân ở trẻ em Việt Nam là dưới 20% vào năm 2010, nhưng với sự nỗ lực của ngành Y tế, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, Bộ, ngành và sự phát triển về kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đạt được mức 19,9% ngay trong năm 2008. Trên cả nước hiện chỉ còn 2/63 tỉnh, thành có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân ở mức trên 30% (Kon Tum và Đắk Nông). Với cột mốc quan trọng này, lần đầu tiên Việt Nam đã giảm được tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới ngưỡng cao theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.

Trong 10 năm qua, các hoạt động như chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, giáo dục dinh dưỡng, phòng chống thiếu máu, theo dõi sự tăng cân của phụ nữ, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, bổ sung vitamin A… đã được triển khai tại tất cả các xã, phường trên toàn quốc.

Vì sao vẫn thiếu chiều cao?

Tuy nhiên, bên cạnh việc đạt mục tiêu giảm tỷ lệ SDD về cân nặng, tỷ lệ SDD về chiều cao (thể thấp còi) của trẻ em nước ta hiện đang là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Có tới 32,6% trẻ em đang bị SDD về chiều cao và phổ biến ở tất cả các vùng sinh thái trên cả nước. SDD thấp còi là một dạng SDD mãn tính, để lại hậu quả lâu dài về thể chất khi trưởng thành, dễ mắc phải các bệnh như thừa cân béo phì, đái tháo đường và một số bệnh truyền nhiễm khác. Muốn cải thiện được tầm vóc, thể lực, trí tuệ và giống nòi người Việt Nam thì nhất thiết phải giải quyết được vấn đề SDD thấp còi ở trẻ em.

Phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp là một cách tránh suy dinh dưỡng chiều cao cho trẻ.

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này SDD nói chung và SDD thấp còi đã được các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra. Theo đó, tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ mang thai còn thấp kém, đặc biệt tình trạng thiếu máu ở thai phụ ảnh hưởng đến cân nặng và chiều dài của trẻ sơ sinh. Tuy có nhiều thay đổi về nhận thức dinh dưỡng, nhưng chế độ ăn bổ sung trong giai đoạn từ 6 tháng đến 2 tuổi của trẻ em vẫn còn nhiều điều không hợp lý, dẫn đến trẻ bị thiếu năng lượng, thiếu vi chất.

Đặc biệt, tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, hô hấp…) ở nước ta vẫn rất cao, chế độ chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ khi bị bệnh không đúng dẫn đến trẻ bị chậm tăng trưởng. Đó là chưa kể tình trạng thiếu ăn còn tồn tại ở một số vùng khó khăn.

Để giải quyết được vấn đề, đòi hỏi cần có giải pháp can thiệp tổng thể, mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, nhóm đối tượng quan trọng nhất là phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 2 tuổi và cần tập trung vào các hoạt động chính: Tăng cường chăm sóc, bổ sung đa vi chất dinh dưỡng, viên sắt cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, nhất là phụ nữ mang thai và cho con bú; giáo dục tư vấn dinh dưỡng để thay đổi hành vi, đẩy mạnh giáo dục nuôi dưỡng trẻ em, lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung cho trẻ...

Ngoài ra, đời sống thay đổi đang đặt ra mâu thuẫn tỷ lệ SDD ở trẻ em một số vùng khó khăn vẫn ở mức cao, trong khi tình trạng trẻ thừa cân, béo phì lại đang tăng nhanh ở các đô thị

Thanh Loan
.
.
.