Trang bị dụng cụ chống độc để tránh nguy hiểm

Thứ Năm, 03/05/2012, 15:04
Để tránh xảy ra các vụ tai nạn thương tâm từ khí mêtan, lời khuyên của các nhà khoa học đối với người lao động tại các hầm, mỏ là phải thường xuyên sử dụng các dụng cụ chống độc.

Vụ ngộ độc khí mới nhất gây thiệt hại lớn về người xảy ra sáng 30/4 tại tỉnh Ninh Bình. Theo cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Nho Quan (Ninh Bình), vụ ngộ độc khí xảy ra tại Công ty Sinh Phát Lộc (xã Thạch Bình, huyện Nho Quan) đã khiến bốn công nhân thiệt mạng, gồm: Bùi Văn Thức, Bùi Văn Chửng, Bùi Văn Quý, cùng ở huyện Lạc Thủy, Hòa Bình. Nạn nhân còn lại là Phạm Văn Hồng, ở huyện Nho Quan.

Trước đó, tại lò sản xuất than số 1, một chiếc máy bơm nước dưới hầm khai thác than bị hỏng, bốn công nhân có tên trên được phân công xuống hầm lò lấy thiết bị của máy bơm lên sửa chữa. Sau một thời gian không thấy bốn công nhân lên, những công nhân làm cùng ca đã phát hiện cả bốn người đang trong trạng thái bất tỉnh và nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan cấp cứu, nhưng cả bốn người đã tử vong. Nguyên nhân vụ tai nạn ban đầu được xác định là do bị ngạt khí mêtan.

Ngày 4/4, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận một ca cấp cứu hai nạn nhân là Nguyễn Thảo My và Nguyễn Thảo Vy, ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai trong tình trạng nguy kịch do bị ngộ độc khí. Người nhà nạn nhân cho biết, do bị mất điện nên gia đình hai cháu My và Vy đã sử dụng máy phát điện để thắp sáng.

Hiện trường xảy ra vụ tai nạn ở Ninh Bình khiến bốn người thiệt mạng.  Ảnh: Hoàng Sơn.

Sau khi nổ máy phát điện, gia đình hai cháu đã đóng kín cửa. Trong quá trình máy vận hành đã thải ra khí độc và khí độc không thoát được ra ngoài, dẫn đến cả gia đình bị ngộ độc. Khi người nhà phát hiện ra sự việc thì mẹ của cháu My và Vy đã tử vong do ngộ độc khí, còn hai cháu bị hôn mê bất tỉnh.

Trước khi xảy ra hai vụ ngộ độc khí trên, chiều 15/3, trên địa bàn thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cũng đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến ba người chết. Và thật đau lòng là cả ba nạn nhân xấu số đều là người thân trong một gia đình. Nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn thương tâm này xuất phát từ việc máy bơm nước của nhà bà Ngô Thị Ánh (hàng xóm nhà nạn nhân) bị sự cố.

Bà Ánh đã nhờ anh Kynt xuống giếng lấy máy bơm lên sửa. Thấy anh trai xuống mãi không lên, gọi cũng không có tiếng trả lời nên lần lượt hai người em của Kynt là Chi Na và Xuân cùng xuống giếng xem. Hậu quả là cả ba anh em Kynt đều bị tử vong. Quá trình điều tra đã làm rõ, nguyên nhân khiến ba nạn nhân tử vong là do khí độc mêtan ở dưới giếng.

Tổng kết từ các vụ ngộ độc khí những năm trước cho thấy, người dân ở khu vực nông thôn và miền núi thường sử dụng giếng nước sinh hoạt. Lâu ngày, giếng sẽ xuất hiện một lượng lớn khí mêtan. Nếu không được trang bị dụng cụ chống độc thì bất kỳ ai khi tiếp xúc với loại khí này sẽ bị ngộ độc do ngạt khí và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mêtan (CH4) là loại khí tích tụ nhiều dưới lòng đại dương, trong bùn lầy dưới đáy đầm ao. Khí mêtan cũng có nhiều trong hầm mỏ khai thác than và sinh ra khi cây cối, xác động vật, các hợp chất hữu cơ phân huỷ. Khí mêtan gây nguy hiểm đối với sức khỏe con người vì nó có thể gây bỏng nhiệt, tác động với không khí tạo ra sản phẩm dễ cháy nổ. Mêtan là một chất gây ngạt và có thể thay thế ôxy trong điều kiện bình thường, ngạt hơi có thể xảy ra nếu mật độ ôxy hạ xuống dưới 18%.

Để tránh xảy ra các vụ tai nạn thương tâm từ khí mêtan, lời khuyên của các nhà khoa học đối với người lao động tại các hầm, mỏ là phải thường xuyên sử dụng các dụng cụ chống độc. Đối với người dân ở khu vực nông thôn, miền núi đang sử dụng giếng khơi lâu năm, nếu thấy máy bơm để dưới giếng hỏng hoặc đánh rơi vật thể gì đó xuống giếng thì không nên tự ý xuống giếng để sửa chữa máy bơm hoặc lấy đồ rơi, mà cần nhờ tới sự giúp đỡ của trung tâm y tế gần nhất kiểm tra không khí dưới giếng có gì khác thường không trước khi định xuống để tránh nguy hiểm

Nguyễn Hưng
.
.
.