Tràn lan tệ nạn tại các lễ hội

Thứ Sáu, 15/02/2008, 09:47
Đi chùa, đi lễ hội là nét đẹp tâm linh của người Việt. Nhưng hầu hết những lễ hội mà chúng tôi có mặt dù ở bất kỳ vùng, miền nào, thì tệ nạn cờ bạc, đỏ đen không ở đâu là không có.

Để những nơi đó thực sự là nơi gặp gỡ của nét đẹp văn hóa, các ngành chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp cờ bạc trá hình, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân bảo vệ cảnh quan của những chốn tâm linh...

Bói toán, cờ bạc, đỏ đen thi nhau mọc lên

Chúng tôi đến đền Ủng thuộc làng Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi vào ngày mùng 3 Tết âm lịch. Đền Ủng thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão. Ông là một danh tướng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, chống giặc Phương Nam và Ai Lao.

Hội chính đền ủng tổ chức từ 11-15 tháng Giêng âm lịch, kỷ niệm ngày ra quân của Phạm Ngũ Lão. Vào những ngày chính của lễ hội, nhiều người dân ở khắp các nơi đổ về để tưởng nhớ công lao của tướng quân Phạm Ngũ Lão, cũng như cầu mong một năm mới hạnh phúc và thành đạt. Điều đập vào mắt những du khách khi tham gia lễ hội tại đền ủng, đó là những tụ điểm cờ bạc, đỏ đen diễn ra khá tấp nập trước cửa đền.

Các tụ điểm này luôn thu hút nhiều sự chú ý của mọi người, bởi không chỉ đó là một trò chơi ăn tiền, mà còn bởi những tiếng khích của những cò mồi, những tiếng tranh cãi om sòm…

Chỉ cần một cái chén, vài đồng xu và một số cò mồi như thế là một sòng bạc di động được mở ra. Mỗi một thể loại cờ bạc, đỏ đen lại đưa ra nhiều mức quy định số tiền chơi tối thiểu là bao nhiêu và mức tiền thưởng ra sao. Như trò chơi đoán đồng xu thì mức tiền tối thiểu để tham gia chơi là 50.000 đồng. Và cũng không ít người mất tiền chỉ vì chơi những trò cờ bạc, đỏ đen này.

Đền Ủng không phải là nơi duy nhất diễn ra cảnh cờ bạc, đỏ đen một cách ngang nhiên. Dạo qua một vòng tại các điểm lễ hội gò Đống Đa (Hà Nội), chùa Đậu (Thường Tín, Hà Tây), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… cũng không phải là không có.

Các loại hình cờ bạc, đỏ đen được biến tướng ở nhiều dạng khác nhau: từ xóc đĩa, tôm, cua, cá, bầu, đến bắt mô hình của trò chơi chiếc nón kỳ diệu. Người già có, trung niên có, thanh niên cũng có thậm chí cả phụ nữ và trẻ em.

Có chủ xới bạc là một trẻ em chỉ mới có 16 tuổi. Và những người tham gia vào trò chơi ăn tiền này cũng chủ yếu là những trẻ em và mức tiền đặt cọc để chơi cũng thấp hơn nhiều so với những trò chơi mà chủ xới bạc là người lớn.

Một cảnh tượng cũng diễn ra khá phổ biển tại các lễ hội, đền, chùa là sự hiện diện của các tụ điểm bói toán thi nhau mọc lên. Tại đền Voi Phục (Hà Nội), dọc đoạn đường đi vào cửa đền đã có 5 thầy xem bói vận hạn cả một năm cho những thí chủ thành kính và mê tín.

Chỉ cần một tấm nilong, một chiếc ghế hay cầu kỳ hơn đó là một chiếc chiếu được trải xuống đất, trên đó được đặt một chiếc đĩa, 2 đồng tiền, một vài quyển sách xem tử vi, thế là thầy bói có thể hành nghề. Có thầy đeo kính đen, cũng có thầy vừa đeo kính, lụp xụp mũ và thậm chí cả bịt khẩu trang.

Có ngàn lẻ một chiêu câu khách của các thầy, hễ thấy mỗi người đi qua là các thầy lại mời xem bói, từ những câu mời chào rất bình thường như "xem tay không cháu ơi" đến những câu mời có vẻ rùng rợn hơn"nhìn tướng của chị năm nay tôi biết chị gặp hạn lớn"… Sau vài câu phán đoán chừng 5, 10 phút là người đi xem đã phải chi trả từ 30.000. đồng đến 50.000 đồng cho các thầy và mua thêm nỗi lo vào người.

Rác vứt bừa bãi

Lễ hội nào cũng bày bán đa dạng các loại hoa quả, bánh kẹo, đồ ăn nhanh các loại như thịt nướng, bánh mỳ, hoa quả dầm, bánh cuốn, phở bún… Chưa nói đến việc chế biến ăn uống bị mất vệ sinh do thiếu nước, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khiến môi trường t ại nh ững lễ hội này càng bị ô nhiễm nặng nề.

Tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), rác tràn lan từ ngoài đường cao tốc đến tận những chiếc bảng vàng công đức, sân đền, đâu đâu cũng đủ loại rác. Sẽ là dễ hiểu nếu như tại các đền, chùa không có thùng đựng rác. Nhưng ngay tại Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, mặc dù Ban tổ chức đã bố trí rất nhiều thùng đựng rác nhưng hiện tượng xả rác thải bừa bãi vẫn cứ tiếp diễn.

Đi chùa, đi lễ hội là nét đẹp tâm linh của người Việt. Để những nơi đó thực sự là nơi gặp gỡ của nét đẹp văn hóa, các ngành chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp cờ bạc trá hình, tuyên truyền nâng cao ý thức của ngươi dân và nên chăng cấm bán hàng ăn uống tại chùa, đền, lễ hội để giữ và bảo vệ môi trường và cảnh quan của những chốn tâm linh

Bích Huệ
.
.
.