Trầm cảm - nước mắt xót xa từ gia đình

Chủ Nhật, 22/03/2009, 16:59
Gương mặt Hoa vô hồn và tái xạm vì thiếu ngủ. Đôi mắt cô trừng trừng nhìn tôi. Cô bóc chiếc bánh chưng, mời tôi ăn bằng các cử động ngón tay mặc dù Hoa vẫn nói được bình thường. Tôi định lắc đầu từ chối thì bà mẹ ngồi sau đã bấm nhẹ vào lưng tôi ra hiệu. Thế là tôi miễn cưỡng ăn chiếc bánh chưng. Còn Hoa thì ngửa cổ lên trời cười hềnh hệch.

Khi chỉ còn mình tôi, bà mẹ mới ngậm ngùi nói: "Không ăn hay làm trái lời nó là nó đánh, đập phá". Có lẽ, đến lúc này, bà lại càng thấm thía hơn nỗi đau của người làm cha, làm mẹ khi phải chứng kiến cảnh con cái mình phát bệnh mà nguyên nhân bắt nguồn từ chính cách giáo dục con không đúng cách của họ.

Chị bạn tôi có con trai tên Nam đang học lớp 10, khỏe mạnh, thông minh, học giỏi cũng dạng nhất nhì của lớp. Anh chị hiếm muộn, lại không được ăn học tử tế phải lặn lội đánh hàng từ biên giới về mưu sinh nên cậu quý tử được anh chị đầu tư, chăm chút hết mực từ việc học hành đến sinh hoạt, bạn bè.

Lớp mười rồi nhưng Nam vẫn được bố mẹ thuê hẳn một lái xe ôm đưa đi đón về như học sinh cấp một. Việc quan hệ, giao du bạn bè cũng hết sức hạn chế bởi theo anh chị, điều quan trọng nhất bây giờ phải là học thật giỏi.

Nhưng rồi, bỗng một ngày, tôi ngạc nhiên khi thấy chị hốc hác, xanh xao, gầy rộc hẳn đi. Gặp tôi đầu ngõ, nhìn trước nhìn sau, chị dấm dúi kéo tôi vào nhà mà khóc nức nở. Hỏi mãi có chuyện gì, chị mới nghẹn ngào trong tiếng nấc: "Không biết thằng Nam nhà chị bị bệnh gì. Khổ chị quá em ơi! Bảo là nó bị nghiện ma tuý hay là bệnh gì biết nguyên nhân đã đành. Đằng này!Lúc nào nó cũng chỉ đòi móc mắt bố mẹ, đòi giết người, đập phá đồ đạc".

Chị gầy sọp đi vì thương con, lo cho con. Mấy ngày nay, chị phải nhốt Nam trong nhà và cũng bỏ việc, ở nhà chăm sóc con cẩn thận. Chị sốt ruột: "Sợ sểnh nó ra, nó làm điều gì dại dột thì chị cũng chết mất thôi em ơi!".

Nói chuyện với tôi mà nước mắt người mẹ cứ lã chã rơi. Tôi hỏi xem đã đưa cháu đi bác sỹ khám chưa, chị lại càng nức nở: "Nó dọa, nếu đưa đến gặp bác sỹ là nó tự tử ngay!". Tiếng khóc chua xót của người mẹ khiến lòng tôi quặn đau.

Nguyên nhân nào đã khiến con trai chị ra nông nỗi này, chị cũng không biết. Chỉ biết, có một đêm, khi thằng bé chợp mắt, chị nghe thấy nó lảm nhảm trong cơn mơ: "Hiền Anh, Hiền Anh, anh yêu em!". Chị mới té ngửa mà nghĩ liệu có phải vì một lần anh chị đã giáo dục chuyện "tình yêu học trò" hơi quá với con mà con ra nông nỗi này không.

Chẳng là, dù bận việc đến mấy, chị vẫn có thói quen đọc nhật ký của con trai nhưng là đọc trộm để biết thằng bé đang nghĩ gì, thiếu thốn gì. Thời gian gần đây, nhật ký của Nam hay viết về một cô bé học cùng trường. Hoảng hốt nghĩ đến chuyện con trai mình yêu đương, nghĩ đến sự lợi dụng, sự buông thả của bọn trẻ bây giờ trong chuyện tình cảm, anh chị đã lôi cả cuốn nhật ký ra mà mắng trách và cấm Nam tuổi này không được yêu đương gì cả. Không ngờ, từ chính hôm đó, Nam bắt đầu có những thay đổi, ít nói hẳn.

Tưởng con giận bố mẹ, chị mặc kệ bỏ qua. Chỉ đến khi cô giáo thông báo về nhà Nam học hành sa sút, ít nói, có nhiều biểu hiện lạ khi ở lớp, chị mới bắt đầu theo dõi và nhận thấy những biểu hiện lạ ngày càng trầm trọng hơn.

Chị vật vã: "Nó chẳng ăn, uống, lúc nào cũng đòi giết bố mẹ. Tôi khổ quá! Không biết phải làm thế nào". Tôi hé mắt nhìn Nam đang ngồi thu lu trong góc căn phòng mới thấy thằng bé trước đây béo tốt, hồng hào như một cậu công tử bột thì nay gầy sọp, xanh xao, đôi mắt trũng sâu... Anh chị đang lo lắng tìm bác sỹ nhưng làm sao để có thể tiếp cận được Nam mà khiến nó phải bỏ ý nghĩ sẽ tìm cái chết.

Cuối cùng chị bạn tôi cũng đưa được cháu Nam vào một bệnh viện và rủ tôi đi cùng. Khoa Tâm thần, chiếc cửa vào được cài then chốt khóa hết sức cẩn thận. Nơi đây, tôi gặp nhiều người cũng đang rơi vào những trạng thái tâm lý giống như Nam. Họ đi lại dật dờ vô hồn, thích cười là cười, khóc là khóc. Trẻ tuổi có, già có.

Và hình ảnh của một người mẹ năm nay đã chừng 60 tuổi tất tả bám sát, đi sau đứa con gái sinh năm 1985 giống như đi sau đứa bé đang chập chững bước đi khiến tôi không thể nào quên. Thỉnh thoảng, Hoa, tên cô con gái, lại ngửa cổ lên trời, dốc chai nước uống rồi cười hềnh hệch. Nếu không phải vào đây chữa bệnh, giờ này Hoa đã trở thành một cô giáo dạy nhạc.

"Khi chưa đi bệnh viện, những lúc ở nhà trông em nó thì không sao, đi làm là cô lại mang em nó đi theo đến cơ quan mở máy tính cho nó chơi điện tử! Nhà cửa, cứ vớ phải cái gì là nó lại đập phá. Nó thích leo lên cầu thang, mái nhà - những nơi thật cao để nhảy xuống!". Chị chỉ vào hai vết sẹo dài dưới cằm của cô gái: "Mấy hôm trước vừa nhảy từ cành cây cao trong bệnh viện xuống, vào đến đây đã thấy máu me chảy đầm đìa. Nó cứ tự hành hạ thân xác như vậy đấy cô ạ! Cũng chỉ cần trái ý nó là nó đánh, nó đập, nó kêu khóc".

Lựa lúc Hoa ra ngoài chơi với bạn, chị mới nhỏ nhẹ tâm sự với chúng tôi: "Con bé nhà tôi trọ học ở tận Quảng Ninh, tôi ở Lai Châu. Nó yêu, tình yêu đầu đời nhưng người nó yêu lại là thằng lăng nhăng, yêu ba bốn đứa cùng một lúc. Nó sốc quá. Không biết thế nào, nó vẫn đòi bằng được yêu và cưới thằng kia. Bố nó nóng tính, biết chuyện, cấm đoán nhưng nó chẳng nghe. Thế là ông nhốt con bé, đánh đập nó. Rồi dần dần, con bé rơi vào tình trạng không nói chuyện với ai, không làm gì, mất ngủ triền miên, mặt mũi hốc hác, xanh xao. Nó vẫn tỉnh táo, vẫn biết mọi việc xung quanh đang diễn ra như thế nào nhưng chẳng chịu nói. Mọi hành động nó đều dùng tay ra hiệu. Mỗi khi có chuyện gì xảy ra, con bé đều ghi lại trong nhật ký".

Chị giở cho chúng tôi xem cuốn nhật ký nhàu nát vì giằng xé, nhiều đoạn ướt nhòe có lẽ vì nước mắt: "Hôm nay Hoa bị ngã từ trên cây xuống. Gẫy mất một chiếc răng. Từ lần sau sẽ không còn dám trèo lên cây roi nữa. Răng ơi, chào mi nhé!". Khi câu chuyện giữa tôi và người mẹ còn dở dang, Hoa bước vào cầm chiếc lược và muốn chải đầu cho tôi. Tôi ngồi yên lặng để cô chải tóc. Qua chiếc gương phản chiếu, tôi nhìn thấy trên đôi tai em, mỗi bên đều có hai lỗ tai nhỏ xíu. Chỉ cách đây chừng mấy tháng thôi, em vẫn là một cô gái xinh tươi và yêu đời mà giờ đây…

Theo PGS-TS Cao Đức Tiến, Bộ môn Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, hai trường hợp trên đều có những triệu chứng liên quan đến bệnh trầm cảm - căn bệnh hiện nay rất nhiều người gặp phải và có xu hướng tăng. Đây thực sự là căn bệnh của thời kỳ xã hội công nghiệp do con người gặp phải quá nhiều sức ép từ học hành, công việc, mối quan hệ tình cảm…

Theo số liệu thống kê chưa chính thức, năm 2001, số người mắc bệnh trầm cảm ở nước ta chiếm tới 4% tổng dân số. Hiện nay, tỉ lệ này đã tăng lên rất nhiều. Bệnh trầm cảm thường khiến cho người bệnh có biểu hiện buồn, bi quan, mất ngủ, mệt mỏi, không muốn giao tiếp với mọi người. Người mắc bệnh luôn có cảm giác mình lúc nào cũng như đang có lỗi với người khác. Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm có thể là do nội sinh tức là từ khi sinh ra đã gặp phải, hoặc chịu sự tác động của nhiều yếu tố, nhiều bệnh tật hoặc do phản ứng, nghĩa là người bệnh gặp phải những cú sốc quá lớn về công việc, học hành, tình yêu...

Nhiều bạn trẻ mắc bệnh trầm cảm là do gặp phải những cú sốc lớn. Như trường hợp của M, một học sinh cấp 3, trong một phút nông nổi đã chụp ảnh nuy (khỏa thân) cùng bạn bè. Rồi một ngày, bức ảnh đó lọt vào tay kẻ xấu. Ngày nào M cũng nhận được tin nhắn đe dọa tung những bức ảnh đó lên mạng. Cô bé không biết tâm sự cùng ai, tìm lối thoát như thế nào cuối cùng rơi vào trạng thái trầm cảm, u uất, gặp ai cũng sợ, cũng hốt hoảng. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh trầm cảm rất dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Theo khảo sát, 50% số người mắc bệnh trầm cảm nghĩ đến việc tự sát.

Tiếp xúc với người trầm cảm, kéo những con người này trở về với thực tại quả là khó khăn nhường nào. Bởi, họ đã rơi vào trạng thái thu mình, chỉ một mình mình hiểu, một mình mình nghĩ, giống như một cánh cửa đã bị khóa chặt và không ai có thể vào được. Tuy nhiên, như vậy không phải là không có cách phòng tránh và chữa trị.

Đối với tầng lớp trẻ tuổi, đặc biệt là lứa tuổi từ 16 trở lên là những người chịu rất nhiều ảnh hưởng của những vấn đề về học tập, bạn bè và cũng không tránh được những ảnh hưởng mạnh mẽ từ những tình cảm yêu đương đầu đời. Vì vậy, bên cạnh sự sát cánh của nhà trường, bạn bè thì gia đình vẫn luôn là chỗ dựa quan trọng.

Theo PGS-TS Cao Tiến Đức, những bậc làm cha làm mẹ, khi phát hiện con cái có những biểu hiện lạ cần sớm tìm đến các chuyên gia về tâm lý để được tư vấn tìm ra cách giải quyết sự việc hợp tình hợp lý, giúp cho con trẻ vượt qua được những cú sốc về tâm lý, tiếp tục hoàn thiện, phát triển chứ không nên tự ý xử lý mọi việc mà không quan tâm đến những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của con cái. Vì phần lớn nguyên nhân dẫn đến trầm cảm cho trẻ đều xuất phát từ gia đình nên sự "giải thoát", thông cảm về mặt tinh thần của cha mẹ, người thân là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, cần đưa các cháu đến gặp các bác sỹ chuyên khoa về tâm thần tại các bệnh viện để tìm phương pháp chữa trị kịp thời. Hiện nay, căn bệnh này việc chú ý phòng chống chữa trị chỉ mới tiến hành từ một số khía cạnh chứ chưa toàn diện. Do đó khi được đưa vào bệnh viện, những người bị bệnh đã phát triển thành bệnh tâm thần dạng nặng, loạn thần kinh… Khi con cái gặp phải những trắc trở trong cuộc sống, người phải chịu nhiều khổ đau nhất chính là những bậc làm cha làm mẹ.

Bạn đọc có lẽ cũng chưa thể quên được những câu chuyện buồn như học sinh tự tử vì áp lực quá lớn từ học hành, từ việc thi trượt đại học; sinh viên tự tử vì bị người yêu bỏ… Rất nhiều hệ lụy đáng tiếc bắt nguồn từ những chuyện tưởng chừng rất nhỏ trong đời sống. Người viết bài cũng rất mong bài viết sẽ là lời cảnh báo với các bậc làm cha làm mẹ đừng quá tạo áp lực với con cái trong cuộc sống để dẫn đến những câu chuyện buồn

An Bình - Nguyễn Hương
.
.
.