Thông tin tiếp về vụ 'Giải cứu thiếu nữ 3 tháng làm vợ 3 người nơi đất khách'

Thứ Tư, 09/09/2015, 09:02
Khi cuộc trò chuyện giữa tôi và Lan dần đi đến hồi kết, tôi mới cảm nhận được em bình tĩnh hơn, bớt rụt rè hơn. Một câu hỏi “hơi nhạy cảm”: Bây giờ, em cảm thấy thế nào? Lan nhỏ nhẹ đáp: “Em bị lừa, bị đẩy xuống vũng bùn nhưng đã được các cô chú Công an cứu giúp. Em cảm thấy có lỗi lắm, nhưng không còn sợ nữa vì mình không đơn độc…”.

Kể về quãng thời gian ở Trung Quốc, bị bạn lừa bán đến 3 lần, trốn thoát lại bị lừa, bị nhà chồng giam lỏng… Lan vẫn chưa hết rùng mình. Đó là những ký ức tệ hại trong cuộc đời mà không biết đến bao giờ em mới nguôi quên được. Còn giờ đây, trong căn phòng nhỏ nơi tầng 3 của trụ sở Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) trên con ngõ của đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, Lan cảm thấy yên tâm lạ thường.

“Em rất biết ơn các cô chú Công an và tổ chức “Rồng Xanh” đã cứu giúp cuộc đời em. Em mắc sai lầm, làm phiền cô chú nhưng cô chú không nghĩ điều đó mà đối xử rất tốt với em. Em cũng mong là các cô chú sẽ giải cứu được thêm nhiều người như em…” – Lan tâm sự. Xung quanh Lan giờ đây là những cán bộ, chiến sỹ mặc sắc phục Cảnh sát, luôn động viên, hỏi han em và đang hoàn tất các thủ tục để bàn giao em về địa phương. Sự tin tưởng, tình yêu thương đã mang lại cho em cảm giác an toàn, ấm áp. Vẻ mặt lo lắng, sợ sệt đã được thay bằng nụ cười lấp lánh khi em nghe tin lực lượng Công an Phú Yên đã có mặt để chờ đón em trở về bên mẹ.

Thượng tá Đinh Văn Trình, Phòng 6 Cục CSHS cho biết, sau sự việc này, bản thân Lan bị sang chấn tâm lý, hoảng loạn, không biết tin ai. Đó là chưa kể việc em bỏ trốn khỏi nhà chồng phải chịu sự truy đuổi gắt gao của những đối tượng lưu manh lừa bán (vì sợ bị đòi lại tiền) và gia đình nhà chồng (vì bị mất cô dâu). Bởi thế, ngay từ công tác giải cứu, Cục CSHS đã có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn, ăn ý giữa Cục với Công an địa phương và gia đình nạn nhân, để tìm cách tiếp xúc, giải cứu an toàn cho Lan.

Sau khi tiếp nhận Lan về Hà Nội, Cục đã thông báo ngay với Công an tỉnh Phú Yên, và đơn vị đã cử cán bộ Phòng CSHS Công an tỉnh có mặt tại Hà Nội để tiếp nhận cháu. Và tại trụ sở Cục CSHS, Lan đã được các cán bộ của Cục cùng tổ chức Rồng Xanh bàn giao cho cán bộ Phòng CSHS Công an tỉnh Phú Yên. Hành trình của Lan trở về với mẹ có sự bảo đảm an toàn của những cán bộ Công an dạn dày kinh nghiệm. Đó không chỉ là trách nhiệm, là lòng nhân đạo, là tình người sâu xa…

Cục CSHS phối hợp với tổ chức Rồng Xanh giải cứu và bàn giao cháu Lan cho Công an Phú Yên để đưa cháu về với gia đình.

Được giúp đỡ và được đối xử tốt, Lan bớt mặc cảm hơn, em cũng rút ra được bài học cho bản thân, không nên vì cả tin dẫn đến bị lừa bán. Nhưng những chuỗi ngày sắp tới phải sống như thế nào, làm gì để giúp người mẹ nghèo bệnh tật ở nhà thì em cũng chưa biết. Đó cũng là nỗi băn khoăn day dứt mà những cán bộ, chiến sỹ Cục Cảnh sát hình sự đang đau đáu trong tâm can.

“Việc giải cứu nạn nhân đã quan trọng, nhưng việc hỗ trợ sinh kế, giúp đỡ nạn nhân sau giải cứu, tái hoà nhập cộng đồng cũng quan trọng không kém” -  Đại tá Trần Văn Toản, Phó Cục trưởng Cục CSHS cho biết. Vậy là sau khi hội ý đơn vị, Cục CSHS đã huy động sự vào cuộc của các tổ chức quốc tế, cụ thể ở đây là tổ chức Rồng Xanh. Tổ chức này đã trao tặng cho Lan một số tiền để em có thể trở lại quê nhà tìm việc làm, giúp mẹ chữa bệnh…

Trong 5 năm qua, Cục CSHS đã phối hợp với tổ chức Rồng Xanh giải cứu hàng trăm trường hợp phụ nữ, trẻ em bị mua bán. Mục tiêu của tổ chức phi chính phủ này là phối hợp với lực lượng Công an giải cứu, giúp các chị em gái khi trở về giảm tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần, đồng thời có thể bớt đi mặc cảm, tái hoà nhập cộng đồng. Sau khi đưa các em trở về nhà, đội ngũ luật sư và nhân viên tâm lý của tổ chức Rồng Xanh hỗ trợ để các em bắt đầu lại một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh; thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng với sự giúp đỡ và hợp tác của chính quyền các địa phương.

Ngoài ra, Rồng Xanh giúp đỡ các gia đình nạn nhân phát triển kinh tế để thoát khỏi đói nghèo từ đó các em không phải bỏ học, đi làm ăn xa. Và thực tế, có trường hợp các em được hỗ trợ giải cứu trở về đã đi học tiếp, thi đỗ đại học, thậm chí là đi du học. Có trường hợp vào làm việc tại các tổ chức như Rồng Xanh, bằng những kiến thức, kinh nghiệm của mình quay trở lại giúp đỡ, hỗ trợ việc giải cứu các nạn nhân sau này…

Qua việc phối hợp với các tổ chức quốc tế như Rồng Xanh, có thể thấy, trách nhiệm của lực lượng Công an không chỉ dừng lại ở việc đấu tranh, truy bắt tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em hay giải cứu nạn nhân, mà đó còn là một chuỗi các hoạt động, giải pháp để cứu giúp nạn nhân, vực dậy, xoá bỏ mặc cảm, giúp họ làm lại cuộc đời, tìm đến tương lai… Điều đó cũng khẳng định tinh thần nhân văn - một góc cạnh khác của những CBCS đánh án, bên cạnh bản lĩnh thép, cái đầu lạnh đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm là những trái tim nồng ấm, xúc cảm yêu thương con người, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn…

Việc đấu tranh truy bắt các đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em; giải cứu nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng, trở lại với xã hội là những động thái tích cực, cho thấy sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng, cũng như sự phối hợp của tổ chức quốc tế, khẳng định tính nhân văn, nhân đạo, tôn trọng và yêu thương con người. Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là, làm thế nào để hạn chế và giảm tình trạng này.

Giải pháp đầu tiên có lẽ là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm sao thức tỉnh tinh thần cảnh giác của mọi người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ, trẻ em mới lớn, đồng bào dân tộc ít người, trẻ em lớp 9, lớp 10 vùng đồng bằng sông Cửu Long… Đối với những người có nhu cầu làm việc ở nước ngoài nên tìm hiểu kỹ người đưa mình đi là ai, địa chỉ cụ thể ở đâu, công việc làm gì, nơi mình đến làm việc là cơ quan nào… và nên thông tin cho người thân của mình ở nước ngoài (nếu có) để được thẩm tra, độ an toàn cao hơn.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, khi xuất cảnh sang nước ngoài nên đi đường chính ngạch, bởi vì những người nhập cảnh trái phép sau đó đều bị pháp luật nước bạn xử lý. Một khuyến cáo dành cho những phụ nữ Việt có ý định làm cô dâu “hờ” là đừng bao giờ có ảo tưởng sang lừa đàn ông nước ngoài, vì chính họ sẽ bị lừa lại, phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, lắm khi tiền mất tật mang và trở thành con mồi cho những băng nhóm tội phạm ở nước ngoài.

Đối với chính quyền địa phương, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời phát hiện các dấu hiệu liên quan đến việc tuyển mộ, dụ dỗ người đi nước ngoài, có nghi vấn mua bán người để báo cáo các cấp xử lý. Việc mở các lớp tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ chủ chốt các địa phương, như chủ tịch, phó chủ tịch xã, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, đặc biệt ở các địa phương trọng điểm về tội phạm mua bán người, huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, tổ chức… là hết sức cần thiết.

Quỳnh Vinh
.
.
.