Tổng chấn chỉnh quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên toàn quốc

Thứ Ba, 05/11/2013, 07:53
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu rà soát lại việc phân cấp quản lý cơ sở y tế tư nhân, làm rõ về đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề và giấy phép KCB, có hậu kiểm, trước mắt tập trung ở 5 TP lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng. 5 thành phố này cần tổ chức chuyên đề về rà soát và quản lý cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn, đồng thời, tăng cường năng lực bộ máy và điều kiện làm việc của Thanh tra. .
>> Bộ trưởng Bộ Y tế lần đầu trả lời báo chí về vụ việc ở Thẩm mỹ viện Cát Tường

Trước những vi phạm về y đức của nhiều cơ sở y, dược tư nhân thời gian qua, ngày 4/11, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nghiêm túc nhìn nhận hiện tượng không lành mạnh đã làm xói mòn lòng tin nhân dân, gây bức xúc trong dư luận. Đó là hiện tượng y đức xuống cấp, lợi dụng lòng tin qua quảng cáo để thu lợi bất chính, nhiều cơ sở chưa được cấp phép vẫn hoạt động, gây hậu quả nghiêm trọng, mà mới nhất là vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội).

Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) tư nhân, gồm cả thẩm mỹ viện và phòng khám của người nước ngoài quảng cáo quá mức quy định; nguồn nhân lực y tế ngoài công lập khó khăn, nên chất lượng không như mong muốn. Trong khi đó, mức xử phạt vi phạm còn thấp, chưa có tính răn đe. Thái độ phục vụ của nhân viên y tế chưa hòa nhã, chưa tận tình chăm sóc, có bệnh nhân đến khám thai tại Bệnh viện Từ Dũ theo BHYT mà bị bác sĩ quát mắng v.v…

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đây là dịp ngành Y tế nghiêm khắc nhìn lại mình, để tổng chấn chỉnh toàn diện hoạt động KCB, không bao che sai phạm, kiên quyết loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”. Giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là quyết tâm xây dựng lại hệ thống đạo đức nghề nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng KCB: ra Thông tư về y đức và quy tắc ứng xử trong hành nghề KCB; lập đường dây nóng tại các khoa khám, chữa bệnh (trước mắt là ở các khoa đông bệnh nhân như: Nhi, cấp cứu, ung bướu…), giám đốc BV, các bác sĩ phải có biển tên để giải quyết ngay nếu bệnh nhân hỏi. Nếu xảy ra sai phạm, Giám đốc BV chịu trách nhiệm trước Sở Y tế và Sở Y tế chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế. Bác sĩ có thái độ không tốt sẽ chuyển đổi công tác. Các khoa phòng sẽ có camera giám sát như các phòng khám ở BV Việt Đức và BV Bạch Mai hiện nay.

Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân thường quảng cáo quá mức quy định. Ảnh minh họa.

Tới đây, sẽ tăng cường quản lý người hành nghề thông qua việc cấp chứng chỉ hành nghề KCB; Có quy định bác sĩ đang làm việc tại BV công, khi hành nghề ngoài giờ phải báo cáo với giám đốc BV về phạm vi hoạt động chuyên môn và thời gian hành nghề. Cục Quản lý KCB và các Sở Y tế sẽ công khai danh sách các cơ sở KCB và phạm vi hoạt động chuyên môn để người dân theo dõi, giám sát. Sớm có chế tài đủ mạnh để xử phạt vi phạm, bên cạnh tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các cơ sở KCB tư nhân.

Tại hội nghị, vấn đề được đặt ra là số lượng cơ cở y tế tư nhân rất lớn, đòi hỏi phải có phương thức quản lý phù hợp, chứ không chỉ là tăng số thanh tra viên. Bên cạnh đó phải tiến hành hậu kiểm, phân cấp quản lý trong cấp phép hoạt động và giám sát. Cơ chế quản lý chưa rõ, dẫn đến Thẩm mỹ viện Cát Tường được cấp phép kinh doanh của quận, nhưng chưa được cấp phép hành nghề của Sở Y tế, vẫn hoạt động. Giám sát của địa phương không thể thay thế Bộ Y tế, vì không có chức năng chuyên môn y tế, đặc biệt là tuyến huyện, xã. Hiện tượng quảng cáo quá phạm vi cho phép tại cơ cở, qua tờ rơi chưa quản lý được. Nhiều cơ sở quảng cáo trên mạng, nhưng không tìm được địa chỉ ở bên ngoài. Cần có quy định cụ thể trong quản lý các cơ sở chăm sóc sắc đẹp v.v… Y đức vẫn đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều cơ cở y tế. Cần sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dược và mỹ phẩm; tăng cường thanh kiểm tra điều kiện kinh doanh, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm và hậu kiểm.

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Vụ việc Thẩm mỹ viện Cát Tường xảy ra là điều đau xót, đòi hỏi ngành Y tế không chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn, mà phải đặc biệt nâng cao chất lượng trong thời gian tới, với việc chấn chỉnh vi phạm. Điều quan trọng là phải có cách quản lý phù hợp với tình hình hiện nay, khi cơ sở y tế tư nhân phát triển với số lượng rất lớn. Ngành Y tế cần rà soát văn bản quản lý, nhất là Nghị định xử phạt vi phạm y tế tư nhân; hướng dẫn hoạt động của các dịch vụ spa và quảng cáo. 3 bộ: Bộ Y tế, Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT cần phối hợp của để quý I/2014 ban hành hướng dẫn về quảng cáo ở cơ sở, mạng..v.v… tạo điều kiện cho người dân đánh giá và lựa chọn dịch vụ.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế sớm ban hành quy định xếp hạng cơ sở y tế tư nhân và thực hiện công khai các nội dung tại các cơ cở này: mục tiêu, nhân lực (người đứng đầu, trình độ, làm chính ở đâu…) giá cả; có địa chỉ cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (Phòng Y tế quận, huyện hay Sở Y tế) để nhân dân giám sát. Rà soát lại việc phân cấp quản lý cơ sở y tế tư nhân, làm rõ về đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề và giấy phép KCB, có hậu kiểm, trước mắt tập trung ở 5 TP lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng. 5 thành phố này cần tổ chức chuyên đề về rà soát và quản lý cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn, đồng thời, tăng cường năng lực bộ máy và điều kiện làm việc của Thanh tra. Các bác sĩ ở BV công lập tham gia các cơ sở tư nhân phải đạt yêu cầu mẫu mực về quy định quản lý nhà nước, có trách nhiệm gì, ở đâu khi hành nghề và cam kết làm đúng quản lý y tế ngoài công lập.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp đẩy nhanh tiến độ cấp lý lịch tư pháp cho các đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề KCB; Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp quản lý những người đến Việt Nam hành nghề y tư nhân và xử lý khi sai phạm. Ngành Y tế cần coi trọng nâng cao y đức cho cán bộ

Thanh Hằng
.
.
.