Tội phạm nghiện ma túy và những bất cập cai nghiện ở Tây Nguyên

Thứ Năm, 13/11/2014, 12:20
Cuộc sống của người dân cảm thấy bất an khi mà tội phạm nghiện ma túy đang hoành hành, bất chấp pháp luật. Không chỉ ở các thành phố lớn, mà ngay vùng núi như Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk...các con nghiện cũng làm náo loạn cuộc sống xung quanh. Từ việc phóng xe máy trên đường bất chấp pháp luật sau mỗi cơn “phê thuốc”, đến nạn trộm cắp, cướp giật, phá trung tâm cai nghiện và muôn ngàn kiểu làm ăn phi pháp khác để kiếm tiền hút chích...

Tội phạm nghiện ma túy ngày càng nhiều

Có tuần lễ, Công an các tỉnh Tây Nguyên triệt phá hàng chục vụ án liên quan đến các đối tượng nghiện ma túy. Theo lãnh đạo Công an TP Pleiku, Gia Lai cho biết, nhiều đối tượng nghiện ma túy hoạt động rất liều lĩnh. Qua tiến hành nhiều đợt truy quét tội phạm hình sự vừa qua, Công an TP Pleiku, Gia Lai đã bắt giữ hàng chục đối tượng nghiện ma túy hoạt động phạm tội có tính chuyên nghiệp. Mới đây nhất là vụ triệt phá băng trộm cắp, bắt giữ 6 đối tượng đều nghiện ma túy gồm: Nguyễn Thanh Yên, còn gọi “Bi” (25 tuổi), Nguyễn Ngọc Quang Vinh (37 tuổi), Nguyễn Ngọc Đức (25 tuổi), Lê Thị Thu Thảo (23 tuổi), Đinh Thiên Châu (35 tuổi) và Nguyễn Thành (24 tuổi) đều ở Gia Lai. Các đối tượng trên chuyên đi rình mò các nhà dân, lợi dụng sơ hở là đột nhập để trộm cắp các loại tài sản như máy tính xách tay, điện thoại di động, tiền, thẻ ATM, đồng hồ đeo tay, vàng... để bán lấy tiền sử dụng ma túy.

Hay nhóm cướp giật ở khu vực suối Hội Phú, TP Pleiku do các đối tượng nghiện ma túy gây án và chống trả quyết liệt khi các trinh sát mật phục vật ngã đối tượng gây án. Trong nhóm đối tượng bị bắt đáng chú ý là Nguyễn Hoàn Vũ (20 tuổi), thường gọi là “Xệ”, trú tại tổ 6, phường Ia Kring, TP Pleiku, nghiện ngập ma túy nặng và chủ mưu nhiều vụ cướp giật. Các đối tượng khác trong nhóm cướp giật lành nghề này còn có Lê Nguyên Minh (26 tuổi) và Đoàn Anh Tuấn (20 tuổi) còn biệt danh là “Chim”, cùng nghiện ma túy. Bước đầu các đối tượng khai nhận đã thực hiện gần 70 vụ cướp giật trên địa bàn Gia Lai, tài sản chủ yếu là dây chuyền, túi xách, tiền, các loại nữ trang khác...

Trước đó, Phòng PC45 Công an tỉnh Gia Lai cũng đã triệt phá nhóm cướp do các tên Trần Công Vinh (18 tuổi); Huỳnh Tấn Lợi (20 tuổi), Phạm Đức Minh (17 tuổi), Phan Đức Nguyên Trương (17 tuổi), Phạm Trung Kỳ (18 tuổi), đều ở TP Pleiku, Gia Lai, đã thực hiện hành vi phạm tội hết sức liều lĩnh. Qua điều tra nhóm cướp này cho thấy các đối tượng chuyên dùng dao, các loại hung khí “nóng” để khống chế, đe dọa cướp tài sản của những người đi đường, chủ yếu là phụ nữ đi xe mô tô vào ban đêm trên địa bàn TP Pleiku, Gia Lai...

Ở các huyện biên giới: Đức Cơ, Ia Grai (Gia Lai) và Ngọc Hồi (Kon Tum) đối tượng nghiện ma túy cũng gia tăng do địa bàn vùng biên giới có cửa khẩu giao thương, các đối tượng ma túy từ các nơi tập trung đến đây làm ăn như khai thác, buôn lậu gỗ, thuốc lá... hoặc làm thuê mướn cho các “đầu nậu” để kiếm tiền phục vụ cho những cơn nghiện hàng ngày...

Thiếu tá Nguyễn Phi Hùng-Phó Trưởng Công an huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết, theo số liệu nắm được, hiện trên địa bàn huyện Ia Grai có khoảng 65 đối tượng ma túy, trong đó nhiều đối tượng đã nhiễm HIV. Ngoài ra còn có nhiều đối tượng ma túy đi lại làm ăn theo thời vụ trên địa bàn rất khó phát hiện. Từ đầu năm 2014 đến nay, Công an huyện Ia Grai, Gia Lai đã bắt 8 vụ buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thu 80g heroin, khởi tố 18 bị can và xử lý hành chính 3 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý là những đối tượng nghiện ma túy tập trung tham gia việc khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép. Chúng lợi dụng những đối tượng nghiện, đối tượng nhiễm HIV đe dọa lực lượng làm nhiệm vụ...

Nhiều bất cập về công tác quản lý cai nghiện

Thượng úy Nguyễn Thanh Hà-Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy và kinh tế Công an huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết, nhiều bất cập về quy định cai nghiện tại cộng đồng. Trong khi nhiều nơi chưa có cơ sở vật chất, chưa có điều kiện phù hợp để thực hiện cai nghiện tai cộng đồng nên vô tình đã buông lỏng nhiều đối tượng ma túy ra ngoài xã hội và phát sinh tội phạm rất lớn. Ở huyện Ia Grai, Gia Lai, từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực đến nay đã gần 1 năm, thẩm quyền ra quyết định đưa đối tượng vào trung tâm cai nghiện do cơ quan Tòa án quyết định nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện được.

Bức tường kiên cố và thép gai cũng không ngăn được những con nghiện hung hãn.

Còn việc cai nghiện tại cộng đồng theo Nghị định 94/2010 thì trách nhiệm thuộc UBND xã, phường, thị trấn nhưng cũng chưa thành lập được các tổ cai nghiện ma túy tại cộng đồng để thực hiện... Trong khi đó nhiều đối tượng ma túy thả lỏng về gia đình không giám sát được, nhiều đối tượng di cư từ nơi khác đến để hoạt động làm ăn thì không có nơi ở ổn định, chế tài quản lý cai nghiện bất cập...

Mặt khác, tại các trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh quản lý thì liên tục bị các đối tượng ma túy khống chế, phá tường rào để bỏ trốn ra ngoài hoạt động phạm pháp. Sau vụ 45 học viên cai nghiên tập trung tại Trung tâm chữa bệnh-giáo dục-lao động xã hội tỉnh Đắk Lắk, đóng tại xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk, phá tường rào bỏ trốn đến nay chưa xử lý xong hậu quả thì hôm ngày 6/11, sau giờ ăn trưa, học viên Nguyễn Văn Bình (21 tuổi) đang cai nghiện tại Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội Gia Lai đã lôi kéo khoảng 40 học viên phá cổng, kéo đổ kẽm gai tường rào bảo vệ bỏ trốn thoát ra ngoài. Đến ngày 12/11 mới chỉ có 18/40 đối tượng bị bắt và vận động quay trở lại trung tâm cai nghiện, nhưng các đối tượng có tiền án, tiền sự nguy hiểm thì vẫn thoát ra ngoài.

Qua các vụ việc trên cho thấy phần lớn đối tượng nghiện ma túy đều có hành động bất chấp pháp luật và thực hiện những hành vi phạm tội hết sức nguy hiểm cho xã hội. Cụ thể như vụ 45 học viên cai nghiện bắt buộc ở Đăk Lăk đã khống chế cán bộ trung tâm và phá tường rào chạy trốn. Số đối tượng này nằm trong tổng số 152 học viên cai nghiện bắt buộc tại khu B của trung tâm. Khi vụ việc xảy ra, các cán bộ trung tâm đã cấp báo với lãnh đạo cấp trên và đặc biệt là nhờ cơ quan Công an giúp đỡ mới ngăn chặn được. Còn tại Gia Lai, hiện nay hầu hết những học viên trốn trại không về nhà mà đang lang thang ẩn náu ở nơi khác để hoạt động hết sức nguy hiểm cho xã hội. Đặc biệt đối tượng Nguyễn Văn Bình, kẻ cầm đầu kích động các học viên cai nghiện tại Trung tâm bỏ trốn vào trưa 6/11 từng có 1 tiền án về tội cố ý gây thương tích. Cách ngày bỏ trốn gần 1 tuần, Bình đã tham gia một vụ đánh người tại Trung tâm này.

Trước đó, cũng tại Trung tâm chữa bệnh-giáo dục-lao động xã hội tỉnh Gia Lai xảy ra hiện tượng các trưởng buồng ép học viên cai nghiện phải gọi điện về gia đình yêu cầu nộp tiền cho trưởng buồng thông qua tài khoản của một người ở bên ngoài. Sau khi Công an TP Pleiku xử lý các đối tượng liên quan thì tình hình tạm ổn. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối tháng 10/2014, qua gia đình một số học viên đang cai nghiện cho biết tiếp tục có tình trạng các buồng  trưởng ép học viên gọi người nhà nộp tiền vào tài khoản của những người ở bên ngoài theo yêu cầu.

Điều này khiến mâu thuẫn giữa các học viên và buồng trưởng ngày một gia tăng dẫn đến trưa 30/10, tại nhà ăn của Trung tâm, các học viên đã dùng chén ném qua bàn ăn của buồng trưởng và tự quản. Sau đó, các học viên tiếp tục dùng cây gỗ đánh Phạm Bá Ngọc (buồng trưởng) và Nguyễn Quang Hải (tự quản) khiến 2 người này bị thương. Ngày hôm sau, một vụ đánh nhau giữa các học viên cai nghiện tiếp tục xảy ra. Các học viên cai nghiện bắt buộc đã dùng cây, gạch đá đuổi đánh nhau, đập phá cổng tràn sang khu vực cai nghiện tự nguyện để tiếp tục đánh nhau, khiến 5 người bị thương phải đi cấp cứu. Lợi dụng sự nhốn nháo khi vụ ẩu đả diễn ra, 5 học viên cai nghiện bắt buộc đã bỏ trốn khỏi Trung tâm trước sự bất lực của những người làm công tác quản lý ở đây.

Thực tiễn công tác quản lý cai nghiện hiện nay cho thấy còn khá nhiều bất cập bởi đối tượng nghiện phần lớn bất chấp pháp luật và có tiền án tiền sự. Vì vậy, cần có những trung tâm cai nghiện tập trung đặt dưới sự quản lý, điều hành của cơ quan pháp luật có tính chuyên nghiệp, có lực lượng quản lý, giáo dục và bảo vệ đủ mạnh mới đủ sức cảm hóa những đối tượng nghiện

Ngọc Như
.
.
.