"Chuyên viên" tiền cổ Đặng Đức Dũng:

"Tôi mê tiền và luôn mơ về bảo tàng tiền tệ Việt Nam"

Chủ Nhật, 16/04/2006, 07:18

Vừa là chuyên viên văn hóa - xã hội ở UBMT Tổ quốc Việt Nam - TP.HCM, anh Đặng Đức Dũng còn là một "chuyên viên" về lĩnh vực tiền cổ có tiếng ở TP.HCM. Anh có bộ sưu tập các loại đồng tiền khá hoàn chỉnh và có kiến thức sâu về hệ thống tiền cổ nói riêng và các loại đồng tiền Việt Nam nói chung.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mời anh đưa bộ sưu tập tiền của mình ra phục vụ cho khách tham quan trong triển lãm và hội thảo về "Tiền Việt Nam - các giá trị lịch sử và kinh tế - xã hội" được tổ chức vào ngày 20/4 nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với vị “chuyên viên” này.

Anh Dũng tâm sự: Tôi đến với thú chơi này cũng khá lâu, trên 17 năm. Trong thời gian đó, tôi âm thầm tìm tòi, nghiên cứu, "thu lượm", đổi chác với bạn bè, người quen mất 10 năm. Và chỉ đến năm 2002, khi thấy vốn kiến thức và số lượng, giá trị tiền sưu tập đã được tích lũy kha khá, tôi mới "ra mặt" với giới sưu tầm tiền và các phương tiện thông tin đại chúng. Và có lẽ từ đó mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã để ý đến tôi.

Nếu nói về số lượng, hiện tôi có khoảng trên 1.000 hiện vật, nếu tính về giá trị, ngoài bộ sưu tập tiền đồng các loại, tôi có 3 bộ tiền khác độc đáo chẳng hạn bộ tiền hiện đại từ năm 1951 đến nay gồm cả tiền giấy lẫn tiền đồng; bộ tiền của UBTW Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; bộ tiền giả đang lưu hành… Và bộ sưu tập tiền cổ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Đi hội thảo, anh sẽ nói gì?

Có hai vấn đề mà tôi đã ấp ủ và chờ đợi nhiều năm, nay mới có dịp nói ra, đó là kiến nghị với Chính phủ cho phép thành lập "Hội những người sưu tập, nghiên cứu tiền cổ Việt Nam" sẽ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm cơ quan chủ quản. Nếu được phép ra đời, tổ chức này sẽ dễ dàng tập hợp kiến thức chung của xã hội về môn cổ tiền học để làm tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước và môn lịch sử học. Điều thứ hai mà qua nhiều năm tìm hiểu tôi thấy rất nhiều người mong muốn Việt Nam có một "Bảo tàng tiền tệ quốc gia Việt Nam" sử dụng nguồn từ các bảo tàng lịch sử, các bộ sưu tập tư nhân…

Dựa vào đâu mà anh mạnh dạn đề xuất hai vấn đề khá vĩ mô và mang tầm quốc gia như thế?

Tôi đề xuất như thế từ nhu cầu thực tế trong cuộc sống, nhất là nhu cầu tìm hiểu về văn hóa cổ xưa của người dân. Đây cũng là nhu cầu rất chính đáng và hiệu quả của nó sẽ góp phần xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam nói riêng và góp mặt cùng kho tàng di sản văn hóa thế giới. Hiện tại, đã có rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học quan tâm đến việc nghiên cứu và bảo tồn, bảo tàng những đồng tiền Việt. Có vị giáo sư khi kiến nghị về vấn đề này đã gói gọn trong câu - sự ra đời của bảo tàng tiền tệ sẽ giải quyết mọi vấn đề về tiền cổ… Ở các quốc gia khác, việc sưu tầm tiền rất bài bản và sôi nổi. Họ có tổ chức để cùng sưu tập, khuyến khích, mở rộng thú chơi này và có nhiều sách báo để tham khảo. Vậy thì ở Việt Nam mình, tại sao không?

Nếu so với nhiều thú chơi khác như sưu tầm tem, đồ cổ, kiểng cổ… hấp lực của thú chơi tiền ở mức độ nào, theo anh?

Giới chơi tiền cổ hiện nay, theo tôi biết có 2 dạng, có người chuyên sưu tầm một trong các loại sau: tiền cổ, tiền hiện đại, tiền ngoại; có người vừa chơi tem, vừa chơi tiền. Chơi tiền cũng đòi hỏi sự cầu kỳ, công phu không thua những thú chơi khác. Riêng sưu tập tiền cổ thì cần phải có kiến thức lịch sử và biết chữ Hán. Có nhiều người có bộ sưu tập rất đồ sộ, quý hiếm, nhưng họ mai danh ẩn tích, chỉ ít người trong giới biết mà thôi.

Theo anh thì số lượng người tham gia sưu tập tiền hiện nay, nhiều hay ít?

Hiện tại có rất nhiều người đam mê thú chơi này. Riêng nhóm bạn "tiền" của tôi đã có khoảng 20 người ở các tỉnh, thành khác trong cả nước thường tụ tập, viết thư, trao đổi tiền cho nhau. Cũng có khá nhiều người vừa chơi tiền vừa am hiểu về tiền tệ rất sâu như ông Bùi, ông Khánh, ông Mãnh. Đặc biệt về tiền cổ thì tôi rất khâm phục anh Hoan Hưng hiện đang công tác ở Tạp chí Tem…

Hình như anh còn viết sách về tiền và có khá nhiều dự án liên quan đến tiền?

Vì nhu cầu cần tổng hợp một cách ngắn gọn, dễ hiểu để phục vụ cho việc sưu tập nên tôi có viết vài cuốn sách cũng xem như là công trình nghiên cứu của tôi về tiền Việt như: "Đồng tiền Việt Nam qua các thời đại lịch sử"; "So sánh tiền cổ giữa Việt Nam - Trung Quốc"… Còn dự án thì tôi cũng đã viết nhiều, trong đó có dự án đã hoàn chỉnh về mô hình hoạt động của bảo tàng tiền tệ Việt Nam; bảo tàng tiền tệ tư nhân, sàn giao dịch dành cho giới sưu tập tiền… Song, tất cả vẫn chỉ là dự án vì còn phải chờ vào sự cho phép của Nhà nước.

Anh có vẻ rất hào hứng với tiền và những dự định liên quan đến tiền. Vậy từ khi bắt đầu thú chơi này, ngoài việc giải trí, tiền đã đem đến lợi ích gì cho bản thân anh?

Nhiều lợi ích lắm chứ. Tôi tìm được nhiều niềm vui từ nhỏ đến lớn xung quanh tiền, chẳng hạn trong nhà lúc nào cũng có tiền treo lủng lẳng trên tường, kệ tủ, giường ngủ, tiền đồng làm móc khóa xe, tiền làm tranh trang trí trên tường, tiền đồng làm trang sức tặng bạn bè… Cái lợi lớn là khi tôi có cơ hội sưu tập được các bộ tiền thì kiến thức lịch sử của tôi về đất nước, về thế giới cũng từ đó mà dày thêm…

Và niềm vui có thể chia sẻ với mọi người ngay bây giờ là được Ngân hàng Nhà nước tin cậy mời đưa bộ sưu tập của mình ra một cuộc triển lãm quốc tế để cho mọi người cùng chiêm ngưỡng, cùng hiểu thêm về giá trị tiền tệ của Việt Nam gắn liền với lịch sử, kinh tế, xã hội nước ta như thế nào

Hạnh Chi
.
.
.