Tọa đàm “Vì bình yên cuộc sống”

Thứ Hai, 06/05/2013, 07:00
Một cuộc tọa đàm đặc biệt với chủ đề “Tội ác đến từ đâu” diễn ra ngày 5/5 ở Trại giam Thanh Xuân (Thanh Oai, Hà Nội), với những người đang chấp hành án phạt tù ở đây, cùng những chuyên gia, nhà quản lý, những người thực thi, bảo vệ pháp luật, và những người làm công tác tuyên truyền, do Báo Tiền phong và Trại giam Thanh Xuân phối hợp tổ chức.

Đây là chương trình có ý nghĩa sâu sắc đối với công tác giáo dục, cải tạo người phạm tội, đấu tranh chống cái xấu, các ác; là hồi chuông cảnh tỉnh, giáo dục nhân cách đối với tuổi trẻ nói chung và phạm nhân nói riêng, góp phần vào việc phòng chống tội phạm và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Đồng chí Dương Văn An, Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, TS Lê Thị Bích Hồng, Vụ phó Vụ Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương (TW); ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền phong; Đại tá Phan Trọng Hà, Phó Giám thị Trại giam Thanh Xuân; Chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Quý đã tham dự buổi tọa đàm này.

Tỷ lệ và mức độ phạm tội của người trẻ đã đến mức báo động đỏ

Vấn đề được các đại biểu và khách mời quan tâm nhiều nhất là con đường nào dẫn đến tội ác. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Quý đã nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của phạm nhân.

Trước hết, những bạn trẻ khi phạm tội thường không hiểu bản thân mình, không muốn thay đổi bản thân để thích nghi với cuộc sống mà muốn dừng lại tại chỗ để mọi người, mọi thứ phải thích nghi với mình. Khi việc này không thực hiện được đã nảy sinh bức xúc, dẫn đến việc phản ứng thái quá và vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, nhiều thanh niên không làm chủ được bản năng hung tính trong con người, khiến hành vi vi phạm pháp luật gia tăng. Nhiều bạn trẻ không xác định được lý tưởng cuộc sống, không biết mục đích cuộc sống của mình là gì, tương lai của mình như thế nào…

Việc không có niềm tin và động lực phấn đấu trong cuộc sống rất dễ bị cám dỗ vào các tệ nạn xã hội.

Tỷ lệ và mức độ phạm tội ở người vị thành niên đã ở mức báo động đỏ. Anh Dương Văn An cho biết, trong số những người phạm tội và nghiện ma túy thì độ tuổi thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ 70%. Có những người gây ra tội ác là những kẻ ham chơi, bỏ học, bụi đời… nhưng cũng có không ít tội phạm lại có học thức, bằng cấp, gia đình gia giáo… Nhiều đối tượng phạm tội có nguyên nhân nhưng cũng không ít kẻ gây án với những lý do “chẳng thể nào hiểu nổi”…

Theo Chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Quý thì yếu tố gia đình chiếm hơn 65% trong số nguyên nhân dẫn đến các vụ vi phạm pháp luật. Nếu gia đình “có vấn đề” thì sẽ ảnh hưởng tới giới trẻ rất rõ.

Các đại biểu tại buổi tọa đàm.

“Quay đầu là bờ”, con đường trở về luôn rộng mở

Buổi tọa đàm đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho phạm nhân đã và đang chấp hành án phạt tù về quá trình giáo dục, hỗ trợ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Đại tá Phan Trọng Hà, Phó Giám thị Trại giam Thanh Xuân chia sẻ: “Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác giáo dục phạm nhân là ngay từ khi phạm nhân mới vào trại, chúng tôi đã tổ chức giáo dục cho phạm nhân các quy định, quy chế. Cán bộ của trại cũng nghiên cứu toàn bộ hồ sơ phạm nhân, lý lịch, nguyên nhân phạm tội…, tâm tư, nguyện vọng của họ để có biện pháp giáo dục, cải tạo phù hợp, giúp họ nhận thức được lỗi lầm cũng như trách nhiệm của mình…”

Ngoài ra, Trại giam Thanh Xuân còn tổ chức tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, cũng thông báo với cơ quan quản lý thi hành án tại địa phương biết được thông tin phạm nhân sắp trở về để quản lý và tạo điều kiện hỗ trợ, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội và không tái phạm.

Anh Phan Lê Huy (52 tuổi ở Tôn Thất Tùng, Hà Nội), người đã chấp hành xong án phạt tù tại Trại giam Thanh Xuân tâm sự: “Ở trại hơn 10 năm, khi mới về tôi cũng bị sốc vì mọi thứ thay đổi nhiều quá. Một điều khiến anh Huy tự tin là thời gian ở trại anh đã được trang bị nhiều kiến thức về cuộc sống bên ngoài cũng như được học nhiều công việc khác nhau.

“Có nhiều con đường dẫn đến phạm tội, nhưng con đường trở về thì chỉ có một thôi, và con đường đó thẳng hay cong là do bản thân mình. Và phải chính mình chủ động trở về, chứ không phải ai khác”. Anh Huy kết thúc câu chuyện bằng những kinh nghiệm đúc rút từ chính bản thân mình như thế

Quỳnh Vinh
.
.
.