Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật Hà Nội:

Tình yêu thương của những "người mẹ"

Thứ Tư, 11/01/2012, 19:02
Không máu mủ ruột già, không mang nặng đẻ đau nhưng những người mẹ, người chị trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng những đứa trẻ tàn tật, những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em Hà Nội (Thụy An, Ba Vì, Hà Nội) chưa một lời ta thán về nghề, bỏ cả những niềm vui riêng của mình gắn bó với các em đến vậy. Động lực đó chắc chỉ có là tình yêu thương.

Sự hi sinh thầm lặng

Theo chân những đứa trẻ sống ở đây, chúng tôi đến khu dành cho trẻ bị nhiễm chất độc da cam và khu cho trẻ sơ sinh. Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi bắt gặp những ánh mắt tê dại, những nụ cười hớn hở cùng với những tiếng ú ớ không thành lời của những đứa trẻ nhiễm chất độc da cam. Những đứa trẻ sơ sinh yếu ớt, nằm ngủ ngon lành trong chăn ấm, đôi mắt mở hờ khi ngủ vẫn chúm chím nụ cười.

Tại khu nhà số 7, những đứa trẻ còn đỏ hỏn nằm ngủ ngon lành theo từng nhịp tay đung đưa của các mẹ. Thấy chúng tôi, mẹ Trần Nguyễn Nhạn nở nụ cười hiền hậu. Mẹ Nhạn đã gắn bó với trung tâm hơn 20 năm, ngày từng ngày tiếp nhận những đứa con vào nuôi dưỡng rồi lại ngậm ngùi chia tay chúng. Mẹ Nhạn tâm sự: “Hồi còn trẻ tôi có 1 năm làm việc tại đây, rồi quyết định bỏ ra làm ăn ngoài, nhưng sau 3 năm, tôi lại quay về đây với những đứa trẻ này. Những đứa trẻ này thiếu thốn tình cảm nên mình cố gắng dành hết sự nhẹ nhàng chăm bẵm cho chúng”.

Làng trẻ Thụy An có 12 mẹ với 23 cháu nhỏ. Các mẹ phân công nhau cách một ngày lại trực đêm một ngày. Số tiền phụ cấp và tiền lương không nhiều nhưng họ vẫn rất tận tình với công việc của mình. “Mức lương hơn 1 triệu với những người làm hợp đồng, 2 triệu với các cô làm lâu năm là quá ít ỏi so với mức sống nhưng vẫn có người gắn bó lắm. Có nhiều cô nhà cách đây hơn 10 cây số, ngày nào cũng đạp xe đến trung tâm mà chưa lần nào muộn giờ” - mẹ Nhạn chia sẻ.

Nụ cười của người mẹ Thụy An.

Hộ lý Hoàng Thị Quy, một cô gái khá trẻ làm mẹ tại khu dành cho trẻ chất độc da cam cho trẻ từ 5 đến 16 tuổi, mới có 28 tuổi mà chị đã có 7 năm gắn bó với trung tâm. Chị mới có gia đình riêng, bận bịu với thiên chức làm mẹ nhưng chưa bao giờ chị bê trễ công việc tại trung tâm. Chăm sóc cho những đứa trẻ bình thường đã vất vả nhưng chăm sóc những đứa trẻ mắc bệnh còn khó khăn hơn.

Công việc hằng ngày tưởng chừng như đơn giản như thay quần áo, tắm rửa, cho lũ trẻ ăn cũng là những nhiệm vụ rất khó khăn. “Có những em nhỏ không biết vệ sinh cá nhân, hay có em còn ngồi trên bô cả ngày không làm gì cả, bỏ bô đi là khóc… Phải nắm bắt được tính cách từng đứa mới có thể chiều bọn trẻ được” - chị Quy chia sẻ.

Những ám ảnh đi theo hết cuộc đời

Những đứa trẻ sơ sinh ở đây đều có những hoàn cảnh rất đặc biệt, đứa bị bỏ rơi tại bệnh viện, có đứa bị đặt ngay trước cửa trung tâm.

Có lẽ cuộc đời mẹ Quy sẽ không bao giờ quên được cậu bé tên là Phong. Phong bị nhiễm chất độc da cam và bị bỏ rơi, sức khỏe của cháu yếu lắm. Bác sĩ đã lắc đầu không chữa khỏi được cho cháu. Khi các mẹ nức nở đưa cháu vào nhà xác thì như một phép mầu nhiệm chợt đến, cháu hồi sinh trở lại. Được các cô chăm sóc tận tình giờ cháu đã học đến lớp 7. Đó là người con được mẹ Quy yêu quý và tận tình chăm sóc nhất.

Tình cảm của mẹ Quy cũng như các mẹ ở đây cứ dần lớn lên với các con. Bế trên tay đứa trẻ chưa đến 1,3kg, mẹ Nhạn tâm sự: “Con bé tên là Thái Hà, bị mẹ bỏ rơi ở Bệnh viện Nhi Trung ương mới về đây ngày hôm qua, bé còi, sức khỏe và sức đề kháng kém lắm. Nó còn là đứa may mắn, vì chỉ sinh thiếu tháng, những đứa trẻ khác còn mắc trong mình những bệnh như hở hàm ếch, nhiễm trùng máu… có đứa chắc chắn sẽ không chữa khỏi”. Rất nhiều bé mang trong mình trọng bệnh, không biết đến bao giờ sẽ ra đi. Mẹ Nhạn rơm rớm nước mắt: “Bé Bạch Quyền Năng vừa mất hôm kia vì bệnh viêm phổi, lễ tang được tổ chức ngay tại trại”.

Nhìn vào bảng danh sách tên, ngày vào trung tâm của các cháu, mẹ Nhạn giải thích: “Những đứa trẻ thiệt thòi này có những cái tên rất đặc biệt. Bé nào chưa được bệnh viện đặt tên thì ngày được đón về trùng với ngày trực của Giám đốc trung tâm nào thì sẽ lấy họ của giám đốc. Có cái tên, có giấy khai sinh, lớn lên tại đây các cháu sẽ được học hành tử tế…”.

Những đứa trẻ bất hạnh ở trung tâm này dần lớn lên trong sự bao bọc của xã hội và tình yêu thương vô điều kiện của những bà mẹ không máu mủ. Chia tay với trung tâm, chúng tôi đã đi khuất xa những con đường vòng sườn đồi, bụi mù đất đỏ nhưng những giấc ngủ chúm chím nụ cười của những đứa trẻ đó vẫn hiển hiện đâu đây

Thanh Hòa
.
.
.