Tính uy nghiêm của pháp luật

Chủ Nhật, 12/02/2017, 08:41
Ngày 8-2-2017, Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1, TP Hồ Chí Minh đã ra quân xử phạt vi phạm về vệ sinh môi trường. Một người phóng uế bừa bãi trên đường đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt bằng hình thức yêu cầu đi xin nước để vệ sinh lại khu vực vi phạm. Đây có lẽ là một trong những biên bản xử phạt khá hiếm hoi về một vấn nạn gây bức xúc nhiều năm qua tại các thành phố lớn.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ 1-2-2017. Trong Nghị định mới, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt vi phạm hành chính nhiều lần đối với hàng loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng.

Theo đó, tăng mức phạt tiền từ 10 đến 25 lần đối với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng, cụ thể như sau: Vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng; Vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng; vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng…

Việc đưa ra quy định mức phạt mới nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm nêu trên là hết sức cần thiết. Từ trước tới nay, tình trạng phóng uế, xả rác thải nơi công cộng thực sự là vấn đề bức xúc. Người đi đường đã khá quen với hình ảnh trên một số đường phố, thỉnh thoảng lại xuất hiện những người thiếu ý thức ngang nhiên úp mặt vào bờ tường để phóng uế. Rồi  tình trạng một số người sẵn sàng đổ nước, vứt rác, thậm chí cả những xác động vật chết ra đường phố một cách vô tội vạ… Không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà hành vi đó còn gây mất mỹ quan đô thị.

Chính vì vậy, ngay sau khi Nghị định được ban hành, bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ của người dân thì có không ít những ý kiến băn khoăn được đặt ra về tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Liệu những quy định cụ thể trên có đi vào cuộc sống hay cũng nằm lại trên bàn giấy như số phận không ít những văn bản quy phạm pháp luật khác từng được ban hành?! Và với việc cơ quan chức năng ra quân xử lý vi phạm, thực sự là tín hiệu đáng mừng những ngày đầu năm mới.

Nhìn sang những lĩnh vực khác, ngay những ngày đầu năm mới, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phát đi những động thái hết sức quyết liệt của một số đơn vị như Bộ Công thương, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội… về việc kiểm tra, rà soát và xử lý về việc xe công và cán bộ công chức của đơn vị mình vi phạm quy định đi lễ chùa trong giờ hành chính.

Cũng cần phải nói thêm rằng, đi lễ đền, chùa là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt trong mỗi dịp đầu năm mới. Tuy nhiên, những năm gần đây, xuất hiện tình trạng có không ít cán bộ, công chức sử dụng tài sản công, thời gian hành chính để du Xuân, cầu tài cầu lộc. Ngay trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu năm mới 3-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm các cơ quan sử dụng xe công đi lễ hội; xử lý nghiêm cán bộ, công chức bỏ việc trong giờ hành chính đi lễ hội. Đây là những chỉ đạo hết sức kịp thời cần thiết từ người đứng đầu Chính phủ để chấn chỉnh vi phạm, tập trung mọi nguồn lực hướng vào công việc sản xuất, kinh doanh và duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan, ban, ngành đầu năm mới…

Không thể phủ nhận một thực tế với việc vào cuộc, xử lý quyết liệt vi phạm của các bộ, ngành, địa phương tình trạng cán bộ công chức bớt xén thời gian, sử dụng xe công đi lễ đền, chùa đầu năm thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo ghi nhận trên một số phương tiện thông tin đại chúng, những ngày gần đây, tình trạng vi phạm trên lĩnh vực này vẫn còn diễn ra. Vẫn còn hình ảnh một số phương tiện xe biển xanh xuất hiện tại những lễ hội đền chùa lớn gây bức xúc dư luận. Và để chấm dứt những hành vi phản cảm đó, đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành có liên quan phải nghiêm khắc trong việc xử lý vi phạm.

Hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm. Giải quyết triệt để những bức xúc tồn tại, tạo ra những sự chuyển biến và thay đổi tích cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội đang là vấn đề cả xã hội quan tâm và nhân dân yêu cầu đòi hỏi. Và bên cạnh việc kịp thời đưa ra những quy định cần thiết thì khâu tổ chức thực hiện đưa quy định vào cuộc sống có vai trò rất quan trọng, nhằm điều chỉnh hành vi, ý thức của mỗi người và của cộng đồng.

Từ những tín hiệu tích cực đầu năm mới 2017, hy vọng rằng nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề đang gây bức xúc trong đời sống xã hội sẽ được các cấp, các ngành, các địa phương tập trung xử lý, tạo niềm tin đối với quần chúng nhân dân.

Đức Thọ
.
.
.