Tình trạng "bán, cho thuê" giấy phép kinh doanh karaoke

Thứ Năm, 28/12/2006, 13:53
Ông Hiệp, điều hành quán karaoke MTV ở 52B Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội)thừa nhận, do không được cấp phép kinh doanh karaoke mới nên ông mua lại giấy phép ĐKKD. Hiện ông Hiệp đang rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" vì không tìm được người đứng tên xin cấp phép.

Từ ngày 1/1/2007, theo thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thông tin, những cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đã hết hạn đăng ký sẽ được cấp phép lại (cấp đổi) với điều kiện cơ sở đó không có vi phạm. Rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm này đang chờ đến giờ “G”.

Đi tìm ông chủ thực… quá khó

Quán karaoke MTV ở 52B Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) thu hút khá đông khách do nằm ở vị trí đẹp của quận Đống Đa. Thế nhưng, lâu nay quán karaoke này đang bị khiếu kiện với nội dung như: Hoạt động quá giờ, là nơi tụ tập của nhiều nhóm thanh niên choai choai, mở nhạc kích động, kinh doanh vượt quá số phòng quy định…

Theo Công an phường Láng Thượng, quán karaoke MTV chuyển địa điểm về đường Nguyễn Chí Thanh từ đầu năm 2006, nhưng hoạt động của quán đã để xảy ra một số vi phạm và bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt nhiều lần.

Điển hình, ngày 31/3, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hà Nội đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 6,5 triệu đồng với quán karaoke này do: Chưa thiết lập hồ sơ cam kết thực hiện các quy định về điều kiện an ninh, trật tự; hoạt động quá số phòng (từ 3 phòng lên 7 phòng).

Chỉ nửa tháng sau, quán karaoke này lại tiếp tục bị Công an quận Đống Đa kiểm tra và xử phạt về hành vi hoạt động kinh doanh ăn uống, cà phê, karaoke không có ĐKKD; lưu hành băng đĩa nhạc chưa được phép lưu hành.

Ngày 26/10, Thanh tra Sở Văn hóa - Thông tin xử phạt vi phạm hành chính với hành vi sử dụng đĩa nhạc chưa được phép lưu hành trong hoạt động kinh doanh karaoke và tạm thu giấy phép đăng ký kinh doanh.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, người đứng tên đăng ký trong giấy phép hành nghề dịch vụ karaoke ở 52B Nguyễn Chí Thanh là ông Ngô Đức Thụ, hộ khẩu ở Tân Yên (Bắc Giang). Ngày 9/4/2003, UBND quận Đống Đa cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho ông Thụ với ngành nghề kinh doanh là bán cà phê, giải khát, karaoke tại địa điểm 24 ngõ Thông Phong (Đống Đa).

Đến ngày 29/3, UBND quận Đống Đa lại cấp giấy phép hành nghề dịch vụ karaoke cho ông Thụ ở địa điểm 52B Nguyễn Chí Thanh kèm với chứng nhận đăng ký thay đổi (đổi địa điểm từ Thông Phong ra Nguyễn Chí Thanh).

Sau nhiều lần bị xử phạt, đến ngày 8/8, quận Đống Đa lại cấp giấy phép hành nghề cho ông Thụ từ 3 phòng lên 7 phòng. Kể từ khi chuyển địa điểm ra Nguyễn Chí Thanh, ông Thụ chỉ đứng tên trên danh nghĩa về mặt giấy tờ, còn lại việc kinh doanh là do người khác đảm nhiệm.

Theo ông Bùi Đức Hiệp, người được ông Thụ ủy nhiệm cho tiếp tục kinh doanh, được ký hợp đồng lao động với nhân viên thì cửa hàng kinh doanh karaoke của ông tuyệt đối không hoạt động quá giờ, không có gái ôm và ma tuý như tố cáo. Công an phường Láng Thượng đã 2 lần kiểm tra cơ sở này vào ngày 9/11 và 2/12 đều chưa phát hiện sai phạm trong hoạt động kinh doanh.

Gần đây nhất, ngày 6/12, UBND phường Láng Thượng đã kiểm tra và phát hiện giấy ủy quyền kinh doanh của ông Thụ cho ông Hiệp chưa hợp lệ nên đã lập biên bản tạm đình chỉ kinh doanh karaoke cho đến khi có đủ thủ tục hợp pháp. Tuy nhiên, quán karaoke này vẫn tiếp tục kinh doanh như chưa có chuyện gì xảy ra.

Ông Hiệp cũng thừa nhận, do không được cấp phép kinh doanh karaoke mới nên ông đã mua lại giấy phép ĐKKD. Việc các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt vừa qua là đúng người, đúng tội. Hiện ông Hiệp đang rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" khi đi tìm ông chủ thực sự quá khó. Theo ông Hiệp thì ông đang phải liên lạc với ông Thụ để làm lại giấy ủy quyền cho hợp pháp.

Quản lý chồng chéo, vi phạm còn nhiều

Theo ông Trần Tung, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thông tin, tình trạng chuyển địa điểm kinh doanh karaoke trên địa bàn Hà Nội xảy ra tương đối nhiều. Lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là sử dụng băng đĩa nhạc chưa được lưu hành trong dịch vụ karaoke. Theo NĐ11 thì các cơ sở kinh doanh karaoke phải có cửa kính trong suốt, nhưng hầu hết vẫn chưa thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin cho biết, trong đợt cao điểm vừa qua, Sở Văn hóa - Thông tin đã kiểm tra và thu giữ 11.000 băng đĩa ngoài luồng từ các quán karaoke. Việc kinh doanh karaoke thay đổi địa điểm, tình trạng mua, bán, cho thuê giấy phép kinh doanh ngầm vẫn diễn ra ở Hà Nội.

Thậm chí, có nơi không cần giấy phép đăng ký kinh doanh, vẫn đứng ra xây dựng phòng ốc, trương biển quảng cáo và tổ chức kinh doanh karaoke. Điển hình nhất cho việc kinh doanh chui là quán karaoke ở 179 Phạm Văn Đồng, do Đoàn Văn Quang làm chủ, Sở Văn hóa - Thông tin đã xử phạt trên 10 triệu đồng và đình chỉ kinh doanh trái phép trên.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 812 cửa hàng kinh doanh karaoke. Việc cấp phép và quản lý dịch vụ này đã phân cấp cho các quận, huyện từ năm 2003. Bên cạnh những mặt đạt được thì hiện còn bộc lộ nhiều chồng chéo về công tác quản lý, thanh kiểm tra do 2 cơ quan cùng quản lý là Sở Văn hóa - Thông tin và UBND các quận, huyện.

Chính vì bất cập trên đã dẫn đến việc quản lý Nhà nước ở cấp cơ sở còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Hiện tượng mua bán, cho thuê ĐKKD diễn ra nhưng cơ quan chức năng không quản lý và kiểm soát được, dẫn đến một số cơ sở vi phạm, hoạt động trá hình.

Nhiều người lo ngại rằng, từ ngày 1/1/2007, việc cấp đổi giấy phép hoạt động sẽ dẫn đến tình trạng tự do mua bán, sang nhượng giấy phép, gây lên sự lộn xộn khó quản lý? Thiết nghĩ, việc kiểm tra, đặc biệt là của ngành Văn hóa cần tăng cường và chặt chẽ hơn nữa

Nhóm PVĐT
.
.
.