Tính mạng "cụ" rùa Hồ Gươm đang nguy cấp

Thứ Hai, 14/02/2011, 10:53
Hình ảnh “cụ” rùa Hồ Gươm với thân thể đầy những vết lở loét liên tục ngoi lên với dáng vẻ yếu ớt, mệt nhọc đã khiến không chỉ các nhà khoa học mà ngay cả dư luận cùng lo lắng. Một điều chắc chắn rằng, những vết thương của "cụ" rùa này đang cần được chữa trị ngay lập tức.
>> Khi "cụ" rùa Hồ Gươm bị săn đuổi

Thảm thương cảnh "cụ" rùa cố bấu vào bờ cầu cứu

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có một động thái nào từ phía các nhà quản lý trong khi các vết thương của "cụ" rùa vẫn tiếp tục lan rộng, khoét sâu. Trao đổi với chúng tôi, PGS - TS Hà Đình Đức cho biết, sức khỏe của "cụ" rùa đã được cảnh báo từ nhiều tháng trở lại đây, khi "cụ" thường xuyên phải ngoi lên, mỗi lần xuất hiện lại có thêm những vết thương mới. Ông Đức lo lắng, khi "cụ" mắc phải lưỡi câu chùm mấy tháng trước, sức khỏe của "cụ" chưa đáng lo ngại. Nhưng đến ngày 22/11/2010, "cụ" nổi lên với nhiều vết thương trên người và sợi dây cao su quấn quanh miệng, nhiều người đã bắt đầu thấy sức khỏe của "cụ" rùa có dấu hiệu báo động.

"Đến ngày 22/11, tôi được xem những bức ảnh do phóng viên nhiều báo chụp được cảnh "cụ" rùa bị rùa tai đỏ cưỡi trên lưng, quanh mai có nhiều vết thương trông như vết gặm nham nhở, tôi đã nghi ngại loại rùa ăn tạp này có thể gặm nhấm mai, chân của "cụ" rùa. Sau đó, trên lưng "cụ" lại xuất hiện thêm nhiều vết thương mới, nhưng lần này, nhìn cảnh "cụ" rùa như muốn cầu cứu, tìm cách trèo lên bờ, tôi thấy thảm thương quá", PGS - TS Hà Đình Đức bức thiết.

Trong suốt những lần ngoi lên của mình khoảng vài chục năm nay, đây là lần đầu tiên, mọi người được nhìn rõ cận cảnh "cụ" rùa. Nhưng không ai ngờ, một biểu tượng lịch sử, thậm chí cả tâm linh của Thủ đô lại xuất hiện với những vết gặm, cứa nứt toác trên mai, chân. Thể trạng lờ đờ, một chân cố gắng bấu víu để tro lên bờ nhưng bất lực. Đặc biệt, vết thương trên cổ vẫn còn hở, đỏ, chứng tỏ "cụ" đã bị một vật sắc, nhọn cứa phải.

Theo ông Đức, cuối năm 2010 trở về trước, mỗi khi "cụ" rùa Hồ Gươm nổi, toàn thân cụ màu ghi sẫm và nhẵn đều, chứng tỏ sức khỏe cụ bình thường. Nhưng bước sang năm 2011, quan sát những lần cụ nổi gần đây cho thấy bắt đầu xuất hiện những vết loang lổ màu trắng xen hồng ở phần thịt mềm hai bên mai. Đặc biệt từ Tết Tân Mão đến nay, cụ nổi liên tục và mỗi lần nổi ở rất lâu tại một chỗ. Có ngày cụ đã nổi cả buổi sáng, trưa và buổi chiều. Ông Đức quan sát thấy, ngay trong ngày mùng 1 Tết (3/2/2011), đã thấy xuất hiện một vệt loang lổ màu trắng nhợt xen hồng ở sống mai, trông như lở loét loang rộng khoảng 30 - 40cm, dài theo cả chiều dọc sống mai. Ông Đức nhận định đây có khả năng là vệt nấm mốc.

PGS - TS Hà Đình Đức cũng đã đo độ sâu nước ở Hồ Gươm và đến thời điểm này, mực nước rất thấp, phần lớn chỉ sâu 0,40 đến 0,60m. Mực nước thấp kèm với ô nhiễm có thể đã làm tình trạng sức khỏe của "cụ" rùa yếu thêm, ông Đức nhận xét.

“Cụ” rùa đang cố “thoát khỏi” Hồ Gươm? Ảnh: Lê Hải (chụp ngày 11/2/2011).

Sau khi nổi sát bờ và muốn trèo lên khỏi Hồ Gươm, ngày hôm sau 12/2, "cụ" rùa lại tiếp tục nổi với thời gian vài tiếng đồng hồ, miệng cắn vào hai ống cao su nối từ bờ ra đền. Ông Đức bức xúc, đã rất  nhiều lần, ông đề nghị với lãnh đạo Hà Nội để có biện pháp đưa "cụ" rùa lên khu đất cạnh Tháp Rùa để chữa chạy các vết thương trên mình. "Chỉ cần đưa cụ lên bờ nửa ngày để chữa trị vết thương là được. Với tình trạng nước hồ ô nhiễm, rùa tai đỏ xâm lấn và những vết thương trên thân thể của "cụ" rùa ngày càng nặng hơn, nếu để thêm vài tháng, vài năm nữa mới can thiệp, tôi chỉ sợ đã quá muộn", ông Đức lo ngại.

Nguy cấp vẫn phải đưa lên bờ chữa trị

Đã có nhiều cuộc thảo luận, tranh cãi nguyên nhân trong thời gian gần đây, "cụ" rùa thường xuyên nổi với những vết thương mới trên mai, cổ, chân… nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc nên hay không nên đưa "cụ" rùa lên bờ để chữa trị. Cá nhân ông Hà Đình Đức cho rằng, việc đưa "cụ" rùa lên bờ là hoàn toàn cần thiết, thời gian lưu trú trên bờ không cần lâu, chỉ đủ để cho các bác sỹ thú y khám và bôi thuốc điều trị, sau đó đưa "cụ" trở lại hồ ngay sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của “cụ” rùa.

Đồng ý kiến với PSG - TS Đức là ông Vũ Ngọc Thành, Bảo tàng Sinh vật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Thành cũng nhấn mạnh cần nghiên cứu phương án thích hợp để đưa được "cụ" rùa lên bờ bởi "cụ" nặng khoảng 250kg và đang rất yếu.

TS Nguyễn Văn Sáng, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cũng ủng hộ quan điểm đưa “cụ” rùa lên bờ chữa trị. "Vết thương không được chữa trị có thể sẽ nặng thêm. Cách tốt nhất là đưa “cụ” rùa lên để chăm sóc", TS Sáng nói. Cũng theo ông Sáng, để đảm bảo “cụ” rùa khi đưa lên bờ an tòan, cách tốt nhất là phải làm một cái bể lớn, đặt gần đó, sau đó bơm nước từ dưới hồ lên để đảm bảo “cụ” rùa khi đưa lên khỏi mặt hồ vẫn được sống trong môi trường cũ. Nước trong hồ sau khi được bơm lên sẽ được làm vệ sinh, diệt khuẩn. Trong điều kiện thời tiết lạnh giá, nhiệt độ xuống thấp, các nhà khoa học hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp để giữ nhiệt độ cho "cụ" rùa "không bị rét". Sau đó, "cụ" rùa sẽ được các bác sỹ kiểm tra, chăm sóc và chữa trị để vết thương chóng lành.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc có nên đưa "cụ" rùa lên bờ hay không.

Theo GS - TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, trong khi còn chưa biết "cụ" rùa bị thương nặng hay nhẹ, cách tốt nhất là tiếp tục theo dõi thay vì vội vàng đưa cụ lên ngay bờ. Vì thực tế, so với nhiều loài, rùa là loài sống lâu, khả năng chịu đựng rất lớn. Hơn thế, hiện nay đang vào thời kỳ mùa đông, rét mướt, nếu đưa “cụ” rùa lên, liệu “cụ” rùa có chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt của mùa đông.

Được biết, ngày 15/2, Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội sẽ tổ chức một buổi tọa đàm để tìm ra các biện pháp cứu “cụ” rùa Hồ Gươm. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học và dư luận đang rất lo lắng cho tính mạng "cụ" rùa. Bởi nếu có tọa đàm, không chắc các biện pháp khả thi sẽ được áp dụng ngay, trong khi tính mạng của "cụ" rùa đang bị đe dọa từng ngày.

Rùa Hồ Gươm hiện đứng đầu danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện, các nhà khoa học cho rằng trên thế giới chỉ còn 4 cá thể thuộc loài rùa Hồ Gươm. Trong đó có một cá thể chính là "cụ" rùa sống tại Hồ Gươm. Một cá thể khác sống tại hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). Hai con còn lại được nuôi nhốt tại Trung Quốc (1 tại Vườn thú Thượng Hải đã chết cuối năm 2006, 2 tại Vườn thú Tô Châu). Con thứ sáu tại vườn thú Bắc Kinh đã chết năm 2005.

Trước đây, Hồ Gươm có tới 4 cá thể rùa sinh sống. Ngày 28/4/1968, một "cụ" rùa đã nổi lên tại Hồ Gươm với vết thương thủng sâu trên mai. Dù đã được cứu chữa nhưng trong ngày hôm đó, "cụ" rùa đã chết. Tiêu bản của cá thể rùa Hồ Gươm này hiện được lưu giữ tại đền Ngọc Sơn. Một cá thể khác bị chết và xác được lưu trong chùa Hưng Ký (Hoàng Mai, Hà Nội). Đáng tiếc hơn, đã có một "cụ" rùa bị giết thịt năm 1962-1963, khi bò lên vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ) sau một cơn mưa lớn.

Chi Linh
.
.
.