Tin mới nhất về tình hình bão lũ

Thứ Sáu, 30/09/2011, 15:52
Do ảnh hưởng của bão số 5, đêm 29/9 và rạng sáng 30/9, tỉnh Thái Bình đã có gió giật mạnh cấp 7, cấp 8, mưa nhỏ. Dự báo chiều tối 30/9, bão số 5 sẽ đổ bộ vào và ảnh hưởng trực tiếp tới Thái Bình.

Đến 5h 30/9, toàn tỉnh Thái Bình đã di dời được 3.268 hộ dân sinh sống và nuôi trồng thủy sản ở ven biển vào trong đê tránh trú bão, trong đó, tập trung chủ yếu là ở huyện Tiền Hải với 3.164 hộ dân. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Bình cũng đã gửi thông báo đến tất cả các trường học chủ động cho học sinh nghỉ học từ ngày 30/9 cho đến khi bão tan.

Tiếp tục công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 5 tại các địa phương trong tỉnh, sáng 30/9, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đi kiểm tra công tác chuẩn bị đối phó với cơn bão số 5 tại huyện Tiền Hải. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Tiền Hải tiếp tục kiểm tra, rà soát chặt chẽ, thực hiện các phương án bảo vệ dân sinh sống ngoài bãi sông, ven biển và khu vực nuôi trồng thủy hải sản, kiên quyết không để người dân còn ở ngoài đê biển trước khi bão đổ bộ vào bờ. Huyện cần quản lý chặt chẽ các chủ tàu thuyền và nghiêm cấm việc ra khơi, sắp xếp phương tiện neo đậu an toàn; triển khai phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu; các công trình đang thi công; huy động vật tư, nhân lực, phương tiện để tổ chức hoành triệt các điểm xung yếu trên tuyến đê biển số 6 và cống Tân Lập ở xã Nam Hải; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xẩy ra. 

Sáng 30/9, cơn bão số 5 tuy chưa đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh nhưng đã gây thiệt hại đáng kể cho nhân dân. Đến 10h30, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có hơn 40 căn nhà bị tốc mái ở huyện Vân Đồn và xã biên giới Quảng Đức (huyện Hải Hà); có 8 tàu thuyền bị lật, trong đó có 2 xà lan than. Tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo đưa toàn bộ số hộ dân có nhà bị tốc mái về các trụ sở UBND xã, nhà văn hoá và chu cấp thức ăn, đồ uống kịp thời.

Ngoài ra, 86 hộ dân ở huyện đảo Vân Đồn đang bị kẹt trên biển do sóng to gió lớn không thể cập bờ. Tỉnh QuảngNinh đang gấp rút huy động các phương tiện tàu hải quân tìm mọi cách đưa số người của các tàu bè này lên bờ.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo huyện Yên Hưng và một số sở ngành của tỉnh kiểm tra tuyến đê biển Hà Nam. Ảnh: quangninh.gov.vn.

Trong sáng 30/9, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra các khu vực trọng điểm. Từ 11h ngày 30/9, Quảng Ninh cấm việc đi lại qua cầu Bãi Cháy, cây cầu nối khu du lịch Bãi Cháy với khu vực Hòn Gai vì gió lớn gây nguy hại cho người tham gia giao thông. 

Ông Ngô Văn Hợi, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh cho biết, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, tỉnh đã quyết định cho học sinh, sinh viên mọi cấp học thuộc mọi hình thức đào tạo được nghỉ học trong ngày 30/9, nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. 

Từ chiều tối 29/9 đến trưa 30/9, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có mưa và gió mạnh dần lên. Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn tỉnh Hải Dương dự báo, bão số 5 có khả năng đổ bộ vào Hải Dương vào chiều tối và đêm 30/9, gây ra gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Lượng mưa do bão gây ra có thể từ 150 - 250 mm, có nơi trên 300 mm.

Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh Hải Dương đã có công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão, triển khai phương án đối phó mưa, bão, lũ theo kế hoạch.

Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Hải Dương yêu cầu Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chủ động bơm gạn tháo, hạ thấp mực nước trong các sông trục theo quy trình, triển khai đồng bộ phương án phòng, chống úng, ưu tiên cho diện tích lúa mùa sắp thu hoạch, các khu vực trồng rau màu và nuôi trồng thuỷ sản. Công ty CP Quản lý đô thị Hải Dương chống ngập úng cho TP.Hải Dương, thị xã Chí Linh bảo vệ các hồ đập và phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra và cho đóng kín các cống dưới đê, rà soát, kiểm tra các công trình tu bổ đê điều, các bờ kênh Bắc Hưng Hải, các công trình còn đang thi công để có giải pháp ứng phó kịp thời... 

UBND tỉnh Tuyên Quang đã có Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động thực hiện phòng chống lụt bão theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện, kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để đề phòng mưa lũ gây chia cắt. Đồng thời, tổ chức kiểm tra và di dời khẩn cấp những hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, lũ quét đến nơi an toàn; chuẩn bị phương tiện sẵn sàng để kịp thời giải tỏa các điểm sạt lở gây ách tắc giao; chủ động tiêu nước úng ngập lúa và hoa màu ở những vùng trũng thấp; duy trì lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết và tổ chức trực ban 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó kịp thời với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. 

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho các hộ dân, Tuyên Quang đã quyết định đầu tư 9,8 tỷ đồng, di chuyển 486 hộ dân sống ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới an toàn.

Lũ đặc biệt lớn ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) đang lên và ở mức đặc biệt lớn, một số nơi đã vượt đỉnh lũ lịch sử. 

Trong những ngày đầu tháng 10, vùng lũ đầu nguồn sông Cửu Long, ĐTM và TGLX sẽ lần lượt đạt đỉnh; sau đó biến đổi chậm. Đỉnh lũ cao nhất năm tại Tân Châu có khả năng ở mức 4,9m, cao hơn báo động 3 là 0,4m; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 4,3m, cao hơn báo động 3 là 0,3m; các trạm chính vùng ĐTM và TGLX lên mức báo động 3 từ 0,2 - 0,4m. Lũ đầu nguồn sông Cửu Long còn tiếp tục duy trì trên mức báo động 3 đến giữa tháng 10. Đến ngày 4/10, mực nước tại Mộc Hóa sẽ lên mức 2,4m ở mức báo động 3. Người dân cần chủ động phòng chống lũ đặc biệt lớn, ngập sâu ở vùng đầu nguồn và ĐTM, TGLX. 

Mực nước cao nhất ngày 29/9 trên sông Cửu Long: trên sông Tiền, tại Tân Châu mực nước 4,86m, cao hơn báo động 3 là 0,36m; tại Cao Lãnh là 2,51m, cao hơn báo động 3 là 0,21m; tại Mỹ Thuận là 1,95m, cao hơn báo động 3 là 0,15m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử 0,04m; tại Mỹ Tho là 1,69m, cao hơn báo động 3 là 0,09m. Trên sông Hậu, tại Châu Đốc là 4,22m, cao hơn báo động 3 là 0,22m; tại Long Xuyên là 2,97m, cao hơn báo động 3 là 0,29m, cơn hơn đỉnh lũ lịch sử 0,14m; tại Cần Thơ là 2,11m, cao hơn báo động 3 là 0,21m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử 0,08m. Tại Phụng Hiệp trên sông Cái Kôn là 1,52m, cao hơn báo động 3 là 0,22m. Tại Chợ Mới trên sông Ông Chưởng là 3,49m, cao hơn báo động 3 là 0,49m. 
Trên sông Vàm Cỏ tại Mộc Hóa lúc 7h ngày 30/9 là 2,11m, dưới báo động 3 là 0,29m

Thanh Tùng (tổng hợp)
.
.
.